Thương vụ diễn ra trong bối cảnh Bamboo Capital thực hiện hàng loạt động thái tái cơ cấu tài chính trong toàn bộ tập đoàn và các đơn vị thành viên, đẩy mạnh huy động vốn để tập trung thực hiện các thương vụ M&A tiềm năng.
Tập đoàn Bamboo Capital vừa công bố thông tin về việc thoái một phần vốn góp tại đơn vị thành viên là Công ty CP BCG Energy.
Hiện tại, Bamboo Capital đang nắm giữ hơn 369 triệu cổ phần BCG Energy, tương đương với 50,66% vốn điều lệ.
Nhằm thu hồi vốn tập trung hoạt động cốt lõi của công ty, Bamboo Capital sẽ bán ra 26,5 triệu cổ phần của BCG Energy với giá chuyển nhượng không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng thu về tối thiểu 265 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong quý II/2024.
Sau khi hoàn tất giao dịch trên, Bamboo Capital sẽ chỉ còn nắm giữ 343,3 triệu cổ phiếu, tương đương 47,03% vốn BCG Energy.
Bên cạnh đó, Bamboo Capital sẽ nhận ủy quyền biểu quyết từ Công ty TNHH MTV NHN đối với khối lượng 11,5 triệu cổ phiếu BCG Energy, tương ứng với 1,57% vốn điều lệ, đồng thời đại diện đối với toàn bộ quyền biểu quyết phát sinh của công ty NHN.
Thêm nữa, hai cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Hồ Nam (Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital) và bà Huỳnh Thị Kim Tuyến sẽ ủy quyền cho BCG thực hiện quyền cổ đông đối với số lượng lần lượt là 6 triệu cổ phần (0,82%) và 21 triệu cổ phần (2,88%).
Như vậy, sau khi nhận ủy quyền từ các cổ đông NHN, ông Nguyễn Hồ Nam và bà Huỳnh Thị Kim Tuyến - Tập đoàn Bamboo Capital vẫn nắm quyền kiểm soát cả trực tiếp và gián tiếp với BCG Energy với tổng quyền biểu quyết là 52,3% vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ sở hữu của BCG tại BCG Energy được duy trì ở mức 82,18%. Vào ngày 27/12/2023, BCG Energy đã tiến hành tăng vốn điều lệ lên gấp rưỡi, từ 4.500 tỷ đồng lên 7.300 tỷ đồng. Bamboo Capital không tham gia đợt tăng vốn này nên tỷ lệ sở hữu giảm mạnh chỉ còn 50,66%.
Bamboo Capital kiên định với mảng năng lượng tái tạo - mảng kinh doanh tiềm năng và kỳ vọng đem lại hiệu quả lớn cho tập đoàn. Ảnh: Bamboo Capital
Tập đoàn Bamboo Capital hoạt động theo mô hình tập đoàn và xây dựng được hệ sinh thái đa ngành hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm năng lượng tái tạo, bất động sản, xây dựng, dịch vụ tài chính-bảo hiểm và sản xuất.
Trong đó, BCG Energy là công ty thành viên trụ cột của Tập đoàn Bamboo Capital, phụ trách mảng năng lượng tái tạo. Hiện BCG Energy đã xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn như BCG Long An 1- 2, BCG Vĩnh Long, BCG Phù Mỹ và BCG Gia Lai.
Ngoài ra, BCG Energy còn phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đầu tháng 2 vừa qua, BCG Energy thông báo tham gia lĩnh vực điện rác bằng việc mua cổ phần của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa.
Tổng công suất năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động của BCG Energy tính đến thời điểm tháng 12/2023 là gần 700MW. Công ty cho biết đang triển khai thêm 229MW và có kế hoạch phát triển thêm 670MW trong thời gian tới.
Với quy mô hiện tại, doanh thu tiền điện mỗi năm của BCG Energy là hơn 1.300 tỷ đồng, trong vòng 3 năm tới với tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản như dự kiến thì doanh thu tiền điện sẽ tăng lên khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió và điện rác, BCG Energy cũng đang nghiên cứu mảng điện khí LNG và công nghệ dự trữ điện. Với loạt dự án năng lượng quy mô lớn đang triển khai, dự kiến trong vòng 3 năm tới, tổng tài sản của BCG Energy sẽ tăng lên tới hơn 70.000 tỷ đồng, quy mô phát điện lên gần 2GW.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Bamboo Capital từng chia sẻ việc M&A là DNA (văn hóa và chiến lược) của tập đoàn, được áp dụng xuyên suốt và linh hoạt, qua đó có thể duy trì sự phát triển mạnh trong hơn 10 năm qua.
Để có thêm nguồn lực, tập đoàn cùng các công ty con đã và đang đồng loạt triển khai các phương án huy động vốn đa dạng như phát hành cổ phiếu, tín dụng ngân hàng, tái cơ cấu nợ, ...
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã xác nhận việc đăng ký đại chúng của BCG Energy, kỳ vọng có thể giao dịch trên sàn UPCoM trong quý II/2024.
Đáng chú ý, BCG Energy cũng đã chấp thuận chủ trương đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq (Mỹ) tại ĐHĐCĐ 2024.
Trước đó, vào cuối năm 2023, BCG Land - một công ty con khác của tập đoàn phụ trách mảng bất động sản cũng đã niêm yết thành công trên sàn HoSE.
Công ty này mục tiêu đến năm 2028 sẽ nâng quy mô vốn điều lệ lên khoảng 16.000 tỷ đồng, tổng tài sản 57.000 tỷ đồng, lọt top 5 doanh nghiệp phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, BCG Land cũng cho biết một trong những chiến lược trọng tâm của giai đoạn tới là tìm kiếm dự án tiềm năng thông qua M&A.
Tổng quỹ đất của các dự án BCG Land đã và đang xúc tiến trong giai đoạn 2024 - 2028 dự kiến sẽ tăng lên khoảng 5.080ha. Trong đó bất động sản nhà ở chiếm 10%, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chiếm 20%, còn lại đô thị vệ tinh chiếm 70%.
Về hoạt động kinh doanh, trong ba năm gần đây, BCG Energy liên tục ghi nhận kết quả tích cực. Năm 2021, công ty đạt doanh thu 760 tỷ đồng, sang năm 2022, doanh thu tăng trưởng 40%, lên 1.064 tỷ đồng. Trong năm 2023, doanh thu thuần BCG Enegy tăng 5,8%, đạt hơn 1.125 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc các nhà máy điện mặt trời đã vận hành đạt hiệu suất hơn 100% so với dự phóng. Cùng với tăng trưởng doanh thu, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của BCG Energy liên tục giảm qua các năm. Cuối năm 2021, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của BCG Energy là 2,77 lần, kết thúc năm 2022 tỷ lệ này giảm về 1,9 lần và tại cuối năm 2023 chỉ còn 0,96 lần sau khi tất toán toàn bộ 2.500 tỷ đồng trái phiếu.
Đề xuất mua cổ phiếu quỹ để bảo vệ lợi ích cổ đông nhưng duy trì tăng trưởng cho doanh nghiệp để cổ đông hưởng lợi lại là bài toán khó với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen - ông Lê Phước Vũ.
Với việc ký kết hợp đồng bao tiêu 40% sản lượng của nhà máy với PVChem, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất xút có công suất lớn thứ hai toàn ngành tại Việt Nam.
Logistics xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, nếu không chuyển đổi doanh nghiệp ngành này sẽ bị loại khỏi “sân chơi” toàn cầu.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tăng mức độ quan tâm và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, năng lượng và chuỗi cung ứng, đánh dấu một bước tiến mới.
Các chuyên gia tài chính đều chung góc nhìn tích cực về sự cải thiện chất lượng tài sản ngân hàng cùng sự hồi phục chung của nền kinh tế, đặc biệt với những tháo gỡ ở nhóm ngành bất động sản.
Tại phân khu phong cách Nhật The Komorebi (Vinhomes Royal Island, Hải Phòng), đặc quyền tắm khoáng nóng Onsen suốt bốn mùa mang đến cho cư dân trải nghiệm nghỉ dưỡng đỉnh cao ngay tại nhà, đồng thời đưa phân khu trở thành điểm đến dẫn đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe tại miền Bắc.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) triển khai gói vay tín chấp 300 tỷ đồng cho các nữ hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế, mang đến một cuộc sống sung túc và hạnh phúc dài lâu.
Chuyển nhượng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro thuế, từ việc xác định đúng loại thuế, tính toán thuế suất, đến các quy định về khai báo và tránh bị truy thu, phạt.