Bản lĩnh doanh nhân dân tộc thời đại mới

Đặng Hoa - 08:00, 01/02/2022

TheLEADERBa động lực quan trọng để các doanh nhân dân tộc dám làm những việc phi thường, tạo sức mạnh nội sinh để xây dựng một đất nước hùng cường.

Bản lĩnh doanh nhân dân tộc thời đại mới
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng ‘cắm cờ’ trên đất Mỹ khi đưa hai mẫu xe điện đầu tiên của VinFast tham gia triển lãm Los Angeles Auto Show.

Dòng chảy tinh thần dân tộc từ những đại doanh gia thời 1.0

Vốn là một doanh nhân khá kín tiếng, 5 năm về trước, lần đầu tiên Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng lộ diện mà theo cách ông mô tả là “thò ra khỏi hang” để đối thoại gần một tiếng đồng hồ với nguyên Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông) và quản lý các cấp.

Lý do được ông Vượng đưa ra là nếu các doanh nghiệp của Việt Nam “chung lưng đấu cật” để “chiến đấu” thì có thể xây dựng được các doanh nghiệp mang đẳng cấp quốc tế, có tầm vóc, khiến cho các “ông lớn” nước ngoài phải kính nể thay vì nhìn doanh nghiệp Việt với “nửa con mắt”. Thời điểm đó, vị tỷ phú người Việt duy nhất nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn vẫn rất khiêm tốn cho rằng Vingroup còn quá nhỏ bé vì chỉ hoạt động trên một địa bàn.

Với tinh thần dân tộc lớn đến vậy, trong vòng 5 năm sau, thương hiệu Vingroup liên tục ghi được những dấu ấn lớn ở cả trong nước và tiến xa trên thị trường quốc tế. Những chiếc ô tô VinFast do người Việt sản xuất trên đất Việt đã đồng hành cùng lá cờ đỏ sao vàng đến châu Âu trong Paris Motor Show 2018 và mới đây nhất là triển lãm Los Angeles Auto Show 2021. VinFast có kế hoạch mở 60 showroom tại Mỹ trong năm tới và trong nửa sau năm 2022, Vingroup cũng có kế hoạch IPO công ty thành viên VinFast tại thị trường này.

Nói về ông Vượng, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên vào năm 2018 đã lần đầu tiên nêu lên danh xưng “doanh nhân dân tộc” đối với một người làm kinh doanh thời đại mới. Dưới góc nhìn của nhà văn Nguyễn Thành Phong, “doanh nhân dân tộc” là những doanh nhân chính trực, tài trí cao, mang lại cảm hứng lớn, là trụ cột mạnh mẽ và là tấm gương dẫn dắt dân tộc làm giàu, hướng đến cộng đồng phát triển thịnh vượng, nâng tầm dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước trên bình diện khu vực và quốc tế. Và như thế, dân tộc sẽ yêu kính, biết ơn và tự hào về họ.

Bản lĩnh doanh nhân dân tộc thời đại mới
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng

Điều này quả thực mới mẻ vì ông Thiên dường như là người đầu tiên dùng danh xưng này khi nói về các tỷ phú thời 4.0. Thế nhưng trên thực tế, tinh thần doanh nhân dân tộc đã nảy mầm, khuếch trương và trôi theo dòng chảy phát triển của đất nước cho đến tận hôm nay từ cách đây một thế kỷ. Đầu thế kỷ 20, Việt Nam đã có các nhà tư sản dân tộc hay còn gọi là các “đại doanh gia”, nổi bật là “tứ đại gia” gồm Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền, Nguyễn Sơn Hà và Trịnh Văn Bô từng làm rạng danh người Việt và để lại nhiều di sản.

Hai thế hệ lập nên cơ đồ trong những bối cảnh khác nhau nên có nhiều điểm khác biệt, tuy nhiên, ở họ cũng đồng thời toát lên những phẩm chất cao quý mãi còn nguyên giá trị, nổi bật trong đó là sự kiên tâm, kiên cường trước mọi sóng gió.

Thời điểm đầu thế kỷ 20 khi Việt Nam vẫn còn bị đô hộ, giai cấp tư sản Việt Nam nói chung bị tư sản Pháp và tư sản người Hoa cạnh tranh chèn ép đủ bề. Cả gan dấn thân vào thị trường kinh doanh sông nước, “chúa sông Bắc kỳ” Bạch Thái Bưởi từng bị người Hoa và người Pháp quyết tâm “bóp nghẹt” bằng trăm phương nghìn kế. Các chủ hãng sơn của Pháp cũng đã từng dựa thế chính quyền thực dân để không ngừng chèn ép việc kinh doanh của ông tổ nghề sơn nước Nguyễn Sơn Hà. Sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt.

Không đấu nổi về vật chất, Bạch Thái Bưởi quyết dùng đòn tâm lý, tuyên truyền khẩu hiệu “người Việt đi tàu Việt” vẫn được sử dụng rộng rãi trên thương trường Việt Nam đến tận ngày nay. Không khuất phục trước sự o ép của thực dân, Nguyễn Sơn Hà đầu tư mạnh vào chất lượng và quảng cáo, đề cao nguyên tắc “lấy nhân dùng nhân” và kêu gọi tinh thần người Việt dùng hàng Việt.

Xuất phát từ lòng yêu nước cùng triết lý thức tỉnh mở mang dân trí và đổi mới tư tưởng sang cạnh tranh sòng phẳng với tư sản nước ngoài ngay trên đất Việt, các nhà tư sản thời đó quyết không chùn bước, vươn lên khẳng định vị thế của doanh nhân Việt với tiếng tăm lan khắp xứ Đông Dương, khiến chính quyền thực dân cũng phải nể phục.

Sự thành công của thế hệ doanh nhân dân tộc đầu tiên trong lịch sử nước nhà đã làm thay đổi tư tưởng từ trọng nông sang trọng thương và đồng thời phát lên phong trào “chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp” mà theo cách nói của ngày nay là cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Kế thừa

Công cuộc đổi mới năm 1986 đã đánh dấu sự “hồi sinh” của đội ngũ doanh nhân Việt Nam sau một quãng thời gian dài đen tối. Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời năm 1990 dù còn nhiều gò bó cũng đã mở ra chương mới cho tầng lớp kinh tế tư nhân.

Từ một khái niệm xa lạ, thậm chí bị kỳ thị cả trong chính sách và trong đời sống xã hội, cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân đã có rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng rõ nét. Đó cũng là yếu tố mang tính tiền đề góp phần hình thành nên những doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc thời đại mới.

Đại hội X của Đảng năm 2006 xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, Đại hội XI năm 2011 đánh giá kinh tế tư nhân là một động lực. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nhìn nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Đại hội XIII năm 2021 tiếp tục khẳng định khu vực tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo và hiện đại hoá công nghệ, khuyến khích phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Dù sinh ra trong bối cảnh mới nhưng dòng chảy tinh thần dân tộc được truyền qua gần một thế kỷ vẫn được các doanh nhân tiếp nối mạnh mẽ. Các doanh chủ không chỉ làm giàu cho chính bản thân mình mà còn mang trong mình sứ mệnh và trách nhiệm cao cả với đất nước. Hàng năm, họ góp sức giải quyết hàng triệu công ăn việc làm, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của kinh tế đất nước, đồng thời, đưa thương hiệu Việt Nam ngày càng vươn xa với những cái tên như Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng, FPT của ông Trương Gia Bình, Sungroup của ông Lê Viết Lam, Thaco của ông Trần Bá Dương, Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TH Group của bà Thái Hương…

Ở các doanh nhân này vẫn luôn toát ra những phẩm chất lãnh đạo truyền cảm hứng của doanh nhân dân tộc thời 1.0 như: đam mê, tầm nhìn, tự tin, sắc bén, quyết đoán và sáng tạo. Các giá trị và chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh đã làm nên đặc trưng của thế hệ doanh nhân thế kỷ 20 vẫn còn rất sống động bên trong mỗi doanh nhân thời đại mới. Giá trị đạo đức thể hiện ở sự làm giàu chính đáng, ở trong quan hệ với các bên liên quan mà trong đó chữ tín được đề cao, ở sự chia sẻ và đóng góp cho xã hội.

Những yếu tố làm nên nhân cách của doanh nhân Việt Nam từ bao đời như nhân - lễ - nghĩa - trí - tín và ý chí lớn ngày càng phát sáng khi Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ của cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.

Phát huy và cộng hưởng

Phát huy những tinh hoa mà cha ông để lại, các doanh nhân 4.0 cộng hưởng với các yếu tố, phẩm chất mang tính thời đại để khuếch trương khát vọng về một Việt Nam hùng cường và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu.

Nếu như tứ đại gia thế kỷ 20 tự tin cạnh tranh với người Pháp, người Hoa ngay trên đất Việt thì người giàu nhất Việt Nam – tỷ phú Phạm Nhật Vượng - sau khi đưa Vingroup trở thành một tập đoàn đa ngành với những dự án lớn giúp thay đổi bộ mặt của nhiều vùng đất, đã đưa hẳn xe điện sang đất Mỹ - quê hương của gã khổng lồ xe điện Tesla của tỷ phú giàu nhất thế giới Elen Musk.

Lời tuyên bố của vị doanh nhân người Việt về tham vọng bán ô tô trên đất Mỹ - một điều mà những ông lớn như Huyndai và Toyota cũng không thể làm được vào thời điểm đầu thành lập - đã được hiện thực hoá, đập tan những nghi ngờ trước đó.

Tinh thần “mang chuông đi đánh xứ người” được lan toả trong các ngành nghề, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thuỷ sản, da giày... Thay vì chỉ biết tận dụng các kênh tuyên truyền, các hiệp hội của Việt Nam đã tự tin đứng lên đấu tranh bằng luật, bằng thông lệ quốc tế mỗi khi bị chèn ép trên đất khách. Thay vì chỉ xuất khẩu các sản phẩm thô, các doanh nghiệp Việt giờ đây đã đầu tư mạnh tay vào chất lượng và mẫu mã để đưa sản phẩm có thương hiệu như những túi gạo ST25 ngon nhất thế giới lên kệ hàng ở những thị trường khó tính bậc nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn…

Đáng chú ý, việc vượt qua những doanh nghiệp khác của Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, UAE… để trúng đấu giá mùa vụ 2019-2020 tại Bờ Biển Ngà, Tanzania đã giúp Tập đoàn T&T cũng như thương hiệu Việt tạo được tiếng vang lớn trên thị trường điều châu Phi và thế giới. Với tầm nhìn trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành mang tầm quốc tế, T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển không ngừng triển khai các hoạt động kết nối đầu tư ở Mỹ, Australia và châu Âu (Đức, Nga).

Không hề kém cạnh, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đầu tháng 12/2021, bà Thái Hương, nữ tướng tập đoàn TH đã khẳng định: “TH cạnh tranh bằng chất lượng và năng suất”.

Sang nước Nga với ba giá trị: nghiêm túc - chân chính - kiêu hãnh, người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường và mang ý chí lớn đã biến những khu đất bỏ hoang đầy cây dại thành những trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao có quy mô và thị phần sản phẩm thuộc tốp đầu xứ Bạch Dương. Với các kế hoạch và chiến lược bài bản, Tập đoàn TH đã từng bước đưa các sản phẩm sữa tươi chất lượng mang thương hiệu Việt đến khắp các thị trường quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc là thị trường có lượng tiêu thụ sữa đứng thứ hai thế giới.

PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên cao cấp trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đánh giá, các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đang từng bước trỗi dậy, vươn tầm quốc tế, dám làm những việc “phi thường” mà thế giới nhiều khi cũng phải bất ngờ. Nhờ những người dám nghĩ, dám làm và dám khát vọng mà thương hiệu Việt ngày càng vươn xa.

Những bước chân tiên phong

Nằm ở bên kia châu lục, tờ Economist của Anh cách đây không lâu đã đưa tin về việc Đại học Linacre trực thuộc Đại học Oxford đang làm thủ tục để xin đổi tên thành “Thao College” sau khi nữ doanh nhân Việt duy nhất trong danh sách tỷ phú USD của Forbes tài trợ 200 triệu USD cho trường này.

Nhắc đến bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nhắc đến những kỳ tích bà đã làm nên đối với hãng bay Vietjet nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung. Cái bắt tay giữa đại gia Malaysia AirAsia và Vietjetnăm 2010 không thành công vì với mô hình của Air Asia, bà Thảo tự tin có thể làm tốt hơn thế. Chỉ chưa đầy một năm sau đó, Vietjet Air đã tự cất cánh và chính thức vượt Vietnam Airlines vươn lên giữ thị phần lớn nhất vào năm 2017 với 42%. Dù cha đẻ AirAsia Tony Fernandes từng khẳng định chưa coi “bản sao” của mình là đối thủ nhưng rõ ràng, hãng bay tư nhân của Việt Nam cũng là một trở ngại lớn cho AirAsia khi tiến vào thị trường 100 triệu dân.

Bản lĩnh doanh nhân dân tộc thời đại mới 1
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo

Đáng chú ý, sự vươn mình của hãng hàng không tư nhân giá rẻ Vietjet đã làm thay đổi thói quen kinh doanh, tiêu dùng trên thị trường; kích thích ngành hàng không Việt Nam đổi mới, liên tục mở rộng sân bay, đổi mới phương thức quản lý và phục vụ, thay đổi chính sách để ngày một tiệm cận hơn với thế giới phẳng và toàn cầu hoá.

Đi dọc Việt Nam, những dự án nghìn tỷ được doanh nhân Lê Viết Lam đầu tư công phu về cả du lịch lẫn hạ tầng đã tạo nên sức hút đối với du khách và các nhà đầu tư khắp thế giới. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và thông tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn do Sungroup làm chủ đầu tư đã tạo nên bước đột phá của tỉnh Quảng Ninh về hạ tầng, để tỉnh tự tin trải thảm đón “đại bàng” trong và ngoài nước.

Các doanh nhân với xúc cảm dân tộc và khát vọng về một Việt Nam hùng cường cùng chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” không ngừng tìm cách kêu gọi những “tay chơi” cừ khôi quốc tế về trên chính sân nhà để tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực của họ cho các dự án chất lượng hơn, và xa hơn, là cho sự thay da đổi thịt của đất nước.

Bởi vậy mà trong các chuyến công du của các lãnh đạo Nhà nước luôn có hình bóng của các doanh nhân như ông Hiển, bà Thảo… đi cùng và trở về với những bản ký kết hợp tác chiến lược.

Trong đó, T&T xác định chủ trương hợp tác chiến lược với những tập đoàn đầu ngành của thế giới như Sharp (Nhật), Hanwha (Hàn Quốc), Amazon (Mỹ), P.Marom (Israel)… để làm chủ công nghệ, nâng cao trình độ quản trị và điều hành nhằm phát triển các dự án công nghệ cao, các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, y tế, cảng biển… góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước.

Chuyển mình đột phá trong thời đại 4.0

Lý giải về sự vươn mình của các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam, ông Vũ Minh Khương nhấn mạnh ba động lực quan trọng. Đó là xúc cảm dân tộc. Các doanh nhân đã vượt qua những nhu cầu bình thường để hình thành khát khao được đóng góp và để lại di sản. Đó là sự khai sáng. Họ hiểu rõ thời thế, biết nắm bắt xu thế và cơ hội. Đó còn là sự kiến tạo để tự thiết kế ra con đường của riêng mình.

Trong thời đại mới với sự bùng nổ của công nghệ, sự kiến tạo mà ông Khương đề cập đến dường như còn diễn ra mạnh mẽ gấp nhiều lần. Những doanh nhân công nghệ số như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình hay Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính là những điển hình của những doanh nhân có tinh thần dân tộc yêu nước kết hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo của thời đại.

Họ chính là những người góp sức lan toả tinh thần doanh nhân công nghệ số đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để tất cả cùng bắt kịp chuyến tàu và không bị bỏ lại phía sau khi thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa “chuyển đổi số hay là chết”.

Những con người như ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông ở độ tuổi gần 80 vẫn miệt mài trên hành trình đưa công ty trở thành hình mẫu về chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp công nghiệp truyền thống tại Việt Nam là điển hình và cảm hứng về tinh thần đổi mới sáng tạo không bất kể ngành nghề, lứa tuổi.

Sứ mệnh của các tập đoàn lớn trong bối cảnh mới sẽ là tập trung giải quyết các bài toán phát triển thực tiễn của Việt Nam và khu vực, tạo sức mạnh nội sinh xoay chuyển tình thế của đất nước"

Cái bắt tay giữa ông lớn làng công nghệ FPT với Base.vn - một doanh nghiệp khởi nghiệp vừa tròn 5 năm tuổi- cũng tạo dấu ấn trong thời gian qua với kỳ vọng cộng hưởng sức mạnh nhằm thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và xa hơn là đưa Việt Nam lên bản đồ số thế giới.

Thành công của ví điện tử Momo do bốn doanh nhân người Việt sáng lập khi chính thức trở thành kỳ lân công nghệ mới của Việt Nam và khu vực với định giá 2 tỷ USD vào tháng 12/2021 đã giúp Việt Nam tiệm cận với mục tiêu 10 kỳ lân năm 2030.

Tinh thần doanh nhân công nghệ số được lan tỏa mạnh mẽ trong những năm qua đã thúc đẩy sự phát triển của các nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để cùng giải quyết các vấn đề của đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc chuyển đổi số. Công nghệ số sẽ là phương tiện để đưa Việt Nam tiến xa với tốc độ nhanh nhất.

Vững tin

Nhưng rõ ràng, không có con đường nào trải đầy hoa hồng. Để đạt được những thành tựu ngày hôm nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải kiên tâm, kiên cường oằn mình qua nhiều “lò luyện” sau hàng thập kỷ.

Đó là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, đại dịch SARS năm 2003. Đặc biệt, sau 17 năm chính thức được gọi tên, đội ngũ doanh nhân Việt đang phải đối mặt với một thời kỳ gian nan nhất khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và những biện pháp giãn cách xã hội kéo dài đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

Đó là nỗ lực vượt qua những cái nhìn không mấy thiện cảm để chứng minh năng lực và vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước.

Một chuyên gia kinh tế “khó tính” như bà Phạm Chi Lan sẽ chẳng bao giờ dành nhiều lời khen cho Vingroup đến vậy nếu doanh nghiệp này không nghĩ tới sứ mệnh phụng sự dân tộc để quyết định chuyển mình từ một đại gia bất động sản sang tập đoàn đa ngành, là trụ cột cho nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Và để làm được những điều phi thường, câu khẩu hiệu “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” của Vingroup có lẽ đã thực sự phát huy tác dụng ở trong mọi bối cảnh.

Sau gần hai thập kỷ trên cương vị Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc (nay là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) không ngừng bày tỏ nhiềm tự hào với những bước phát triển đáng ghi nhận của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Ông tin tưởng vào niềm hy vọng về một thế hệ doanh nhân mang tầm vóc Việt, sẵn sàng “vượt sóng lớn” vươn mình ra thế giới với lợi thế là tuổi trẻ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, khát khao cháy bỏng được khẳng định bản thân, đóng góp sức lực và trí tuệ vào sự phát triển của đất nước.

Để có thể đi xa hơn, PGS.TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh ba yếu tố quan trọng: tầm nhìn và khát vọng tương lai; dồn lực vào những thứ trọng điểm; và quan trọng là nhìn thẳng vào thất bại và biết lắng nghe phản biện.

Sứ mệnh của các tập đoàn lớn trong bối cảnh mới sẽ là tập trung giải quyết các bài toán phát triển thực tiễn của Việt Nam và khu vực, tạo sức mạnh nội sinh xoay chuyển tình thế của đất nước. Có như vậy, lời khẳng định về vai trò trụ cột của nền kinh tế mới có thể trở thành hiện thực. Biết rơi nước mắt trước nỗi đau của đồng bào, các doanh nghiệp sẽ làm được những điều vĩ đại.