Bảo hộ thông tin bằng bí mật thương mại hay sáng chế?

Hường Hoàng - 10:01, 03/06/2022

TheLEADERTrong hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển và sử dụng nhiều tài sản trí tuệ. Vậy doanh nghiệp nên bảo vệ tài sản trí tuệ của mình theo hình thức bí mật thương mại hay những phương pháp bảo hộ khác? Và nếu chọn phương thức bí mật thương mại, doanh nghiệp nên sử dụng những biện pháp bảo vệ như thế nào?

Bảo hộ thông tin bằng bí mật thương mại hay sáng chế?
Doanh nghiệp nên cân nhắc để tìm ra phương pháp bảo vệ tài sản trí tuệ một cách hợp lý nhất (Ảnh: The IPThink-Tank)

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bảo vệ tài sản trí tuệ theo hình thức bí mật thương mại (mặc dù trong nhiều trường hợp, họ không nhận thức được rằng bí mật thương mại được bảo hộ theo pháp luật). Do vậy, doanh nghiệp cần phải áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật thương mại một cách hiệu quả.

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể trang bị hệ thống an ninh thông tin và chương trình bảo vệ cho toàn doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp nên xây dựng và phổ biến cho nhân viên những chính sách về bộc lộ thông tin bí mật. Chính sách này nên có những định nghĩa và hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ về cách thức tiếp cận, quản lý, bảo vệ, phân phối, phân loại và/hoặc thậm chí bộc lộ thông tin bí mật bất kỳ.

Thứ ba, doanh nghiệp nên xác định và xếp hạng ưu tiên các bí mật kinh doanh dựa trên giá trị và độ nhạy cảm của chúng.

Thứ tư, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc xem bí mật thương mại đó có thể được bảo hộ bằng những phương thức đăng ký quyền sở hữu trí tuệ chính thức khác hay không, như đăng ký độc quyền sáng chế chẳng hạn. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần xét xem nếu bí mật thương mại có thể được bảo hộ theo cách khác thì đó có phải là phương thức bảo hộ tốt hơn không.

Thứ tư, doanh nghiệp cần chắc chắn rằng chỉ có một số người biết và tiếp cận được với thông tin bí mật của doanh nghiệp và tất cả mọi người trong số đó đều biết rằng đó là thông tin bí mật;

Thứ sáu, doanh nghiệp nên đưa những điều khoản bảo mật vào hợp đồng lao động. Theo pháp luật của một số nước, người lao động có nghĩa vụ giữ bí mật cho người sử dụng lao động ngay cả khi trong hợp đồng không có những điều khoản như vậy. Nghĩa vụ giữ bí mật đối với bí mật của người sử dụng lao động nhìn chung được duy trì trong một thời hạn nhất định, và thậm chí còn kéo dài ngay cả khi người lao động đã rời khỏi công việc đó.

Thứ bảy, doanh nghiệp nên ký các hợp đồng không bộc lộ (bảo mật) với các đối tác kinh doanh bất cứ khi nào bộc lộ thông tin bí mật.

Cuối cùng, doanh nghiệp nên thiết lập những hệ thống an ninh hiệu quả để quản lý thông tin kỹ thuật số trên mạng nội bộ của công ty với các biện pháp kỹ thuật, phần mềm và mật mã nhằm hạn chế việc tiếp cận với các thông tin được phân loại. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên có một hệ thống giám sát hoạt động giao tiếp, bộc lộ thông tin và một hệ thống ngăn chặn hoặc theo dõi việc tiếp cận với thông tin bí mật.

Bảo hộ bí mật thương mại

Về cơ bản, có hai loại bí mật thương mại. Một mặt, bí mật thương mại có thể liên quan đến sáng chếhoặc quy trình sản xuất nhưng không đủ điều kiện để bảo hộ sáng chế, do đó chỉ có thể được bảo hộ dưới dạng bí mật thương mại. Đó là những bí mật thương mại liên quan đến danh sách khách hàng hoặc những quy trình sản xuất không có đủ tính mới để được cấp bằng độc quyền sáng chế (mặc dù chúng đáp ứng đủ điều kiện để bảo hộ giải pháp hữu ích).

Mặt khác, bí mật thương mại có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện để bảo hộ và có thể được bảo hộ bằng độc quyền sáng chế. Đối với trường hợp này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải lựa chọn: nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế hay giữ đó làm bí mật thương mại.

Bảo hộ bí mật thương mại không bị giới hạn về thời gian, trong khi đó bằng độc quyền sáng chế thường chỉ có hiệu lực 20 năm. Do đó, thời hạn bảo hộ bí mật thương mai có thể là vô hạn miễn là bí mật đó không bị bộc lộ với công chúng.

Khi bảo vệ dưới hình thức bí mật thương mại, doanh nghiệp không cần phải chi trả chi phí đăng ký. Thay vào đó, doanh nghiệp cũng sẽ phải chi những khoản chi phí khá cao liên quan đến việc giữ bí mật thông tin, trong đó có áp dụng những biện pháp bảo vệ bằng công nghệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không cần phải thực hiện những thủ tục bộc lộ thông tin cho cơ quan chính phủ và bí mật thương mại sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Tuy nhiên, bảo hộ thông tin kinh doanh dưới hình thức bí mật thương mại, đặc biệt khi thông tin thỏa mãn các điều kiện để bảo hộ sáng chế có một số nhược điểm nhất định.

Cho ví dụ, nếu bí mật thương mại nằm trong một sản phẩm cải tiến, người khác có thể tiến hành kiểm tra, nghiên cứu và phân tích chúng (ví dụ, phân thích ngược sản phẩm) để tìm ra bí mật thương mại và hoàn toàn có quyền sử dụng sau đó.

Thực tế, bảo hộ sáng chế dưới dạng bí mật thương mại không tạo ra độc quyền ngăn cấm bên thứ ba sử dụng sáng chế để thương mại hóa. Chỉ có bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích mới có thể tạo ra loại độc quyền như vậy. Và một khi bí mật thương mại được công bố công khai thì bất kỳ ai đều có thể tiếp cận và sử dụng chúng một cách tùy ý.

Doanh nghiệp thường khó có thể bảo vệ thông tin dưới dạng bí mật thương mại hơn so với việc bảo hộ bằng độc quyền sáng chế. Mức độ bảo hộ dành cho bí mật thương mại giữa các nước là khác nhau nhưng nhìn chung là yếu, đặc biệt nếu so với mức độ bảo hộ dành cho sáng chế. Những người sử dụng các công cụ hợp pháp để tạo ra các thông tin liên quan có thể đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế cho bí mật thương mại.