Phân biệt sáng chế và giải pháp hữu ích

Hường Hoàng - 17:29, 14/05/2022

TheLEADERKhông phải ai cũng biết rằng sáng chế và giải pháp hữu ích là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Khi hiểu về hai khái niệm này, doanh nghiệp sẽ lựa chọn được loại hình bảo hộ độc quyền phù hợp nhất cho sản phẩm của mình, mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất cho doanh nghiệp.

Phân biệt sáng chế và giải pháp hữu ích
Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa sáng chế và giải pháp hữu ích đó là "mức độ sáng tạo" của sản phẩm (Ảnh: Dmitrii_Guzhanin)

Ở một số nước, sáng chế có thể được bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích, hay còn được gọi là “sáng chế đổi mới”, “sáng kiến hữu ích” hoặc “sáng chế ngắn hạn”.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể thực hiện một số cải tiến nhỏ đối với những sản phẩm sẵn có của mình. Mặc dù không đáp ứng được tất cả các điều kiện để được cấp bằng sáng chế, những cải tiến này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đổi mới, sáng tạo của địa phương.

Những cải tiến này sẽ được bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích để chủ sở hữu có quyền ngăn cản người khác sử dụng (nếu không được cho phép) trong một khoảng thời gian xác định.

Nhìn chung, so với sáng chếgiải pháp hữu íchchỉ phải đáp ứng những điều kiện bảo hộ ít nghiêm ngặt hơn (ví dụ, mức độ sáng tạo thấp hơn), thủ tục đơn giản hơn và thời hạn bảo hộ ngắn hơn. Bảo hộ giải pháp hữu ích được thiết kế chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của các nhà đổi mới địa phương, chính vì thế những yêu cầu, thủ tục và thời hạn được bảo hộ của các giải pháp hữu ích giữa các quốc gia rất khác nhau.

Cụ thể, các điểm khác nhau chủ yếu giữa giải pháp hữu ích và sáng chế được thể hiện qua việc các điều kiện để có được sự bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích ít chặt chẽ hơn so với sáng chế.

Mặc dù luôn phải đáp ứng “tính mới”, giải pháp hữu ích có thể đáp ứng được một phần nào đó hoặc thậm chí là không cần thiết phải đáp ứng về “trình độ sáng tạo” hay “tính không hiển nhiên”. Trên thực tế, việc bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích thường được thực hiện đối với các sáng kiến có tính chất bổ sung và có thể không đáp ứng được các điều kiện bảo hộ sáng chế.

Đối với những yêu cầu về “tính sáng tạo” của sản phẩm, ta có thể hiểu rõ hơn về sáng chế và giải pháp hữu ích thông qua ví dụ sau đây. Xe đạp là một sáng chế của con người. Trong khi đó, việc doanh nghiệp cải tiến xe đạp thành xe đạp điện là một giải pháp hữu ích giúp con người có thể đi nhanh hơn, tiết kiệm công sức và thời gian di chuyển, mang lại lợi ích cho người sử dụng.

Ngoài ra, thời hạn bảo hộ đối với giải pháp hữu ích thường ngắn hơn so với sáng chế và thời hạn này cũng khác nhau giữa các nước (thường từ 7 đến 10 năm và không được gia hạn).

Thêm vào đó, ở hầu hết các nước có quy định bảo hộ giải pháp hữu ích, các cơ quan sáng chế thường không thẩm định nội dung đơn trước khi đăng ký. Điều này có nghĩa là quá trình đăng ký thường đơn giản và nhanh hơn, thường mất trung bình khoảng 6 tháng.

Đồng thời, việc đăng ký bảo hộ và duy trì hiệu lực của giải pháp hữu ích rẻ hơn nhiều so với đăng ký bảo hộ sáng chế.

Ở một số nước, việc bảo hộ giải pháp hữu ích chỉ được cấp cho một số lĩnh vực công nghệ nhất định. Cuối cùng, hoạt động giải pháp hữu ích thường được bảo hộ đối với sản phẩm, chứ không được bảo hộ đối với quy trình.

Do đó, nếu doanh nghiệp muốn bảo hộ một sản phẩm có vòng đời ngắn hoặc không muốn phải chờ đợi quá lâu, việc đăng ký bảo hộ dưới hình thức giải pháp hữu ích sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn so với dạng độc quyền sáng chế

Một số nước cho phép doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ đồng thời dưới hình thức sáng chế và giải pháp hữu ích để doanh nghiệp có thể được hưởng thành quả sớm hơn trong khi chờ đợi thời gian cấp bằng độc quyền sáng chế. Tuy vậy, khi được cấp bằng độc quyền sáng chế, doanh nghiệp thường phải lựa chọn một trong hai hình thức bảo hộ, nghĩa là doanh nghiệp không thể nhận được đăng ký cho cả sáng chế và giải pháp hữu ích cùng một lúc cho cùng một sản phẩm.