Bất động sản khu công nghiệp bắt nhịp chuyển đổi xanh

Việt Hưng - 11:14, 15/03/2024

TheLEADERNhiều nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đang dồn trọng tâm phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị... để hút dự án xanh.

Với hàng loạt động thái của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực bất động sản đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cam kết giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đang trở thành "luật chơi mới" cho các nhà phát triển bất động sản trong nước và toàn cầu. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải có chiến lược thích ứng nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.

Theo báo cáo của IFC, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 396 công trình đạt chứng nhận xanh, tương đương 26.095 căn hộ và 9.734.572 m2 mặt sàn. Đa phần các dự án thuộc phân khúc nhà ở (39,36%) và khu công nghiệp (34,12%).

Trong năm 2024, tỷ trọng của khu công nghiệp và nhà ở được dự đoán vẫn chiếm ưu thế, lần lượt là 29,60% và 20,68% trong tổng 15.000.000 m2 mặt sàn sẽ được chứng nhận công trình xanh.

Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành. Đến nay, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái.

Giám đốc tư vấn FPT Digital - ông Vương Quân Ngọc nhận định, bất động sản khu công nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức cạnh tranh giữa các nhà đầu tư vào ngành này.

Bất động sản khu công nghiệp bắt nhịp chuyển đổi xanh
Ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn FPT Digital

Nhiều nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đang dồn trọng tâm phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị... để hút dự án xanh.

Là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải lớn, các khu công nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước xu hướng chuyển đổi toàn diện, đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan.

Phát triển bất động sản khu công nghiệp xanh không chỉ giúp thu hút và giữ chân khách hàng mà còn giúp tối ưu hoạt động do tận dụng được các nguồn tài nguyên, nhiên liệu và công nghệ tích hợp,... trong khu công nghiệp.

Đồng thời, theo ông Vũ Hồng Phong - chuyên gia công trình xanh thuộc Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, việc này giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi đặc biệt từ các tổ chức quốc tế và chính phủ cho dành cho các công trình xanh.

Chẳng hạn, nhờ sở hữu chứng nhận công trình xanh của IFC, BIM Land có thể dễ dàng phát hành lô trái phiếu xanh quốc tế 200 triệu USD. Gần đây, công ty này tiếp tục được IFC đầu tư 150 triệu USD thông qua việc mua trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên ở Việt Nam.

Theo ông Vương Quân Ngọc, doanh nghiệp triển khai theo định hướng "xanh" cần xác định rõ các ưu tiên nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững như: giảm thiểu khí thải, tối ưu hoá sử dụng tài nguyên và nguyên vật liệu trong toàn bộ quá trình sản xuất, bảo tồn và bảo vệ nguồn nước, đảm bảo đa dạng sinh thái, tạo điều kiện cho con người tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần...

Trên con đường chuyển đổi xanh, ông Ngọc nhấn mạnh, chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình đo lường các tiêu chí xanh, thông qua việc thu thập dữ liệu, kết nối dữ liệu, phân tích dữ liệu thông minh.

"Chuyển đổi "kép" số và xanh sẽ giúp ngành bất động sản công nghiệp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, mang lại những lợi ích ngay trong ngắn hạn như tăng doanh thu, giảm phát thải tiến tới giá trị bền vững", ông Ngọc cho hay.