Bầu Hiển: 'Đã chơi là phải vô địch'

Quốc Dũng - 11:30, 06/02/2019

TheLEADERỞ bầu Hiển, người ta không thấy chất “ngông”, “máu liều” như những ông bầu khác. Hiếm khi, người ta thấy ông đăng đàn phát biểu gây chú ý. Cách làm của ông là chậm, chắc, tiến từng bước một cách kín kẽ.

Mùa hè năm 2008, tại một giải bóng đá nhi đồng ở Thái Bình, ba người đàn ông đang đứng xem một cậu nhóc 9 tuổi thi đấu. Quan sát lối chơi của cậu, cả ba quay lại trao đổi với nhau điều gì đó. Đến cuối ngày, một đề nghị từ ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch T&T Group và huấn luyện viên Triệu Quang Hà của Câu lạc bộ Hà Nội bất ngờ được gửi tới cậu: Lời mời lên đào tạo tại trung tâm bóng đá lớn nhất Hà Nội.

Cậu bé đó tên Đoàn Văn Hậu. Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về bóng đá, Hậu đã phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều để có thể khăn gói lên Hà Nội tu nghiệp. Bố mẹ cậu không thể ngờ rằng, chỉ 10 năm sau, khi mới 18 tuổi, Hậu đã nổi tiếng cả nước trong vai trò thành viên nòng cốt của đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi á quân giải U23 châu Á. Hậu cũng là cầu thủ trẻ nhất trong đội tuyển quốc gia giành ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2018.

Còn người đứng ‘xem giò’ Văn Hậu năm đó, đã khóc khi chứng kiến niềm tin của mình tỏa sáng.

“Tôi khóc vì hạnh phúc. Mà cũng không dám khóc lớn, phải quay mặt đi không chúng nó lại bảo mình yếu đuối quá. Đến tận bây giờ khi xem lại những hình ảnh đó, cảm xúc, niềm tự hào dân tộc vẫn ùa về”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T Group nhớ lại.

Phong cách chậm mà chắc của ông bầu

Có thể nói bóng đá là lĩnh vực đầu tư tâm huyết nhất của ông Hiển, bởi cứ hễ nói về bóng đá là ông có thể bàn luận cả ngày không thôi. Từng điểm mạnh yếu của cầu thủ, của chiến thuật ông có thể kể ra vanh vách dù ông phải thú thật rằng, mình không có nhiều kiến thức chuyên môn. Ấy vậy mà bàn thì vẫn cứ phải bàn, vì ông cũng giống như hơn 90 triệu người dân Việt Nam khác, tình yêu bóng đá ngấm vào máu rồi. Ông vẫn hay nói đùa rằng, nồng độ bóng đá của ông còn cao hơn nồng độ mỡ trong máu.

Bầu Hiển: 'Đã chơi là phải vô địch'
Bầu Hiển và hậu vệ Duy Mạnh

Thế nhưng, trái với việc “chém gió” thoải mái ngoài công việc, lúc thực sự đầu tư vào bóng đá, ông Hiển có một cách làm rất riêng, không giống với những ông bầu nổi tiếng khác. Ở bầu Hiển, người ta không thấy chất “ngông” hay “máu liều” như những ông bầu khác. Hiếm khi, người ta thấy ông đăng đàn phát biểu gây chú ý. Cách làm của ông là chậm, chắc, tiến từng bước một cách kín kẽ. 

Điều này cũng giống khi ông Hiển làm kinh doanh. Lúc thì người ta thấy ông bán đồ điện lạnh, lúc lại là xe máy, sau rồi ngân hàng, bất động sản. Hiện ông đã là chủ tịch một tập đoàn có vốn điều lệ 15 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản 35 nghìn tỷ và nhân sự tới 70.000 con người trải rộng trên bảy lĩnh vực trụ cột là đầu tư, tài chính, ngân hàng, bất động sản, nông nghiệp, thể thao... Có lẽ bầu Hiển làm gì thì chỉ có… chính ông và các cộng sự biết.

Thời điểm bắt đầu làm bóng đá cách đây 12 năm, ông Hiển chọn đầu tư vào Hà Nội T&T, khi đấy đang chơi ở giải hạng ba, nghĩa là chỉ đứng cao hơn giải phong trào một tí. Một doanh nhân có tiếng, đồng thời cũng là ông bầu bóng đá đã đánh tiếng mời ông Hiển mua lại câu lạc bộ của mình, khi đó đang chơi tại V-League, song ông từ chối.

Lịch sử V-League đã chứng kiến rất nhiều câu lạc bộ giải hạng dưới được đầu tư lớn nhưng mãi không thể lên chơi ở giải cao nhất. Trong thâm tâm, ông Hiển cũng muốn đội của mình chơi ở đẳng cấp cao và giành chức vô địch, tuy nhiên, ông tin rằng những kết quả đó chỉ có giá trị khi câu lạc bộ có truyền thống, có văn hóa, đạo đức riêng. “Còn mua ngay một câu lạc bộ khác về thì văn hóa sẽ hớt váng, tùm lum tá lả hết cả”.

Thế là bầu Hiển xác định bắt đầu từ con số không. Ông cùng huấn luyện viên Triệu Quang Hà đi khắp cả nước phát triển công tác đào tạo trẻ, tìm kiếm những cầu thủ chất lượng trên khắp cả nước mang về lò đào tạo của mình.

Ở đó, ông truyền cho các cầu thủ thứ triết lý bóng đá mà ông luôn theo đuổi. Đó là trước hết, câu lạc bộ phải có văn hóa, phải có tính nhân văn là cống hiến, đạo đức, tư cách, tôn trọng, chuyên nghiệp trước đã, sau đó mới đến tiền.

Đầu tư đúng vào giai đoạn đen tối nhất, khi những xì-căng-đan bán độ, dàn xếp tỉ số khiến người hâm mộ mất niềm tin và quay lưng với nền bóng đá nước nhà, ông Hiển hiểu rõ giá trị của niềm tin. Mặc dù vậy, việc quản lý các cầu thủ theo tôn chỉ “cống hiến đi trước, đồng tiền theo sau” không hề dễ dàng. Ông kể, đa phần những cầu thủ chọn nghiệp quần đùi áo số đều xuất phát điểm từ những vùng quê nghèo, tuổi lại trẻ nên rất dễ sa ngã. 

Để đào tạo ra một lứa cầu thủ được đánh giá là “ngoan” như hiện tại, lò đào tạo của ông Hiển đã chứng kiến không ít các cầu thủ “có bột nhưng không gột nên hồ”, có tài năng nhưng không thể vượt qua được cám dỗ. Nhiều khi ông Hiển bực lắm, bởi mình đã bỏ công, bỏ sức ra đầu tư mà còn mất uy tín, bị nhiều người nghi ngờ.

Song bực thì bực, nhưng như người ta vẫn bảo, minh chứng lớn nhất cho tình yêu chính là sự kiên trì, ông Hiển chưa bao giờ có ý định từ bỏ bóng đá. Hơn 10 năm qua, người ta đã chứng kiến hàng loạt doanh nhân trở thành ông bầu, để rồi sau đó rơi rụng dần. Tính đến thời điểm hiện tại, những ông bầu còn tiếp tục gắn bó với bóng đá chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Ông cũng giành tình yêu đặc biệt cho các cầu thủ. Thường gọi các cầu thủ trẻ là “con”, ông Hiển luôn dặn các con của mình rằng, ra sân thì phải chiến đấu, trước hết là vì chính bản thân mình.

“Vì các con là cầu thủ chuyên nghiệp, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện vì mình, vì gia đình các con, vì các con sống bằng cái nghề này. Sau đó, thứ hai là ra sân phải tôn trọng khán giả, người hâm mộ người ta ngồi trên sân. Không chơi hết mình, không trung thực là xúc phạm khán giả. Bóng đá mà không có cổ động viên là bóng đá chết. Thứ ba là vì màu cờ sắc áo, câu lạc bộ, thành phố, quốc gia này. Cuối cùng, nếu còn nhớ, thì hẵng nhớ tới chú, mà chú đã chơi là phải vô địch, tức là làm gì cũng phải có mục tiêu, tham vọng để phấn đấu,” ông Hiển tâm sự.

12 năm cho ngày hái quả

Đặt niềm tin vào những giá trị mình theo đuổi, theo thời gian, tư tưởng của vị chủ tịch dần thấm nhuần vào các cầu thủ trẻ. Ba năm dưới sự tài trợ của ông bầu mới, Hà Nội T&T với đội hình gồm đa số là cầu thủ trẻ đã thăng hạng một mạch từ giải hạng ba lên hạng chuyên nghiệp, giành quyền thi đấu ở giải cao nhất. Trong vòng 8 năm tiếp theo đó, Hà Nội T&T trở thành thế lực lớn nhất của giải bóng đá quốc nội khi ẵm tới bốn chức vô địch V-League và ba cúp quốc gia Việt Nam.

Bầu Hiển: 'Đã chơi là phải vô địch' 1
Hà Nội T&T là thế lực lớn của bóng đá trong nước

Quan trọng hơn, ở cấp đội tuyển quốc gia, những cầu thủ từ lò đào tạo của Hà Nội T&T đóng góp quân số áp đảo. Tại giải U23 châu Á diễn ra hồi đầu năm 2018 trên đất Thường Châu, những cầu thủ trẻ thuộc biên chế Hà Nội T&T như Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Hùng Dũng đã gặt hái thành công vang dội với huy chương bạc. Đây tiếp tục là những cái tên nòng cốt của đội tuyển quốc gia trong chiến dịch AFF Cup diễn ra vào cuối năm, mà kết quả là chức vô địch, khép lại một năm thành công mỹ mãn của bóng đá nước nhà.

Bóng đá có cái hay, bởi nó có tính lan tỏa rất mạnh. Thành công trong bóng đá chứng minh một điều là Việt Nam có thể lập được những kỳ tích, khiến người Việt tự tin có thể trở thành con rồng châu Á không chỉ trong lĩnh vực bóng đá mà còn nhiều lĩnh vực khác. Những thành tựu đáng nể đó, phần nào phản ánh tư duy làm bóng đá đúng đắn của bầu Hiển. Không đi tắt đón đầu, ông chọn con đường đi từ gốc tới ngọn, nhưng cuối cùng lại là người về đích. Những “đứa con” của ông Hiển giờ đã trở thành những người hùng của cả dân tộc.

Đến tận bây giờ, gần một năm sau ngày Duy Mạnh cắm cờ tổ quốc trên đất Thường Châu, ông Hiển vẫn cảm thấy bồi hồi khi nhớ lại khoảnh khắc ấy. Thậm chí, khi đi công tác ở Úc, ông còn hào hứng khoe với doanh nghiệp bên đó rằng, tuyển Việt Nam vừa loại tuyển Úc. Đối với ông, bóng đá luôn mang lại những cảm xúc, niềm tự hào dân tộc khó tả.

Thế nhưng, trong tiệc mừng luận công, người ta rất ít khi thấy bóng dáng của ông Hiển. Vẫn là phong thái kín kẽ thường lệ, cái hay của bầu Hiển đối với bóng đá là như có, như không.

Nó cũng giống như việc một thời người ta “đồn” ông là chủ năm đội bóng vừa ở V.League vừa ở hạng Nhất, ông chỉ cười. Cho đến khi chuyện một ông chủ - hai đội bóng được đẩy lên cao trào với sự xuất hiện của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì bầu Hiển đã khéo léo rút vốn để tự biến mình từ vai trò một ông chủ trở thành một... cổ động viên nhiệt thành của cả Hà Nội T&T lẫn SHB Đà Nẵng.

Ông Hiển trên danh nghĩa không trực tiếp là ông chủ của đội V.League nào, ấy thế nhưng khi Hà Nội T&T vô địch V.League hay SHB Đà Nẵng vô địch Cúp Quốc gia, hay ngay cả đóng góp cho thành công ở cấp độ đội tuyển, người ta vẫn thấy bóng dáng ông.

Không ồn ào, ông Hiển thích ăn mừng với tư cách là một cổ động viên như bao người dân Việt Nam khác hơn là tư cách một ông bầu. Bởi với ông, “chúng ta yêu đâu cần ai làm chứng”.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc san Dấu ấn & Khát vọng