Diễn đàn quản trị
Bí quyết huấn luyện những 'chiến binh' kế nghiệp ở đế chế Amata
Phải vay tiền ngân hàng để học hành tới nơi tới chốn, dù mới 3 tuổi cũng phải tham gia vào các buổi họp của gia đình và phải biết chia sẻ, yêu thương là ba bài học lớn đã được ghi vào gia quy của dòng họ mà bất kỳ ai trong gia đình nhà Kromadit (Thái Lan) đều phải trải qua.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh ở Kanchanaburi (Thái Lan), thời thơ ấu của anh em bà Somhatai Panichewa, CEO Amata Việt Nam, không mấy hạnh phúc khi sống dưới sự quản giáo khắc nghiệt của người bố gia trưởng, bạo hành, vô cảm và có phần trăng hoa như anh trai cả của bà là ông Vikrom Kromadit, người sáng lập tập đoàn Amata đã chia sẻ trong tự truyện của mình.
Dù vậy, tình yêu thương của ông bà và mẹ đã giúp 10 anh em cùng cha cùng mẹ và cả 11 anh em cùng cha khác mẹ của bà Somhatai đều yêu thương, gắn bó lẫn nhau. Chính sự khắc nghiệt từ người bố đã khiến nhà sáng lập tập đoàn Amata phấn đấu kiên cường, kiếm tiền trong mọi hoàn cảnh bằng những phương cách hợp tình hợp lý để trở nên giàu có và thành danh tại Thái Lan và cả Việt Nam.
Thế hệ đầu tiên của gia đình bà Somhatai di cư từ Trung Quốc sang Thái Lan bắt đầu bằng công việc buôn thuốc lá rồi trồng mía ở ngoại thành Bangkok và duy trì đến thế hệ thứ ba. Đến thời ông Vikrom Kromadit là anh cả của thế hệ thứ tư bắt đầu chuyển sang phát triển hạ tầng khu công nghiệp và sáng lập nên Amata vào năm 1989.
Hiện tập đoàn này có hai dự án ở Thái Lan, bốn dự án ở Việt Nam với 1.323 nhà máy từ 30 quốc gia cùng 330.000 công nhân viên. Năm 2018, Tập đoàn Amata từng lọt vào danh sách Global Fortune 500. Doanh thu năm 2018 của họ đạt 134,67 triệu USD, tổng tài sản lên đến hơn 1 tỷ USD. Trong tương lai gần, họ có ý định đầu tư thêm hai khu công nghiệp ở Lào và Myanmar.
Với 50 thành viên trong đại gia đình kể từ thế hệ thứ tư, câu chuyện quản trị là một thách thức vô cùng lớn để vừa có thể phát triển công ty lớn mạnh và tránh được xung đột gia tộc bởi theo bà Somhatai, văn hoá của Amata là tất cả các bên cùng có lợi và sẽ không bao giờ có được thành công nếu không có nguồn nhân lực tốt.
“Tôi tin chắc đây thật sự là một gia đình nhưng chúng tôi không chỉ muốn điều đó, chúng tôi muốn chuyên nghiệp. Doanh nghiệp đang phát triển và chúng tôi không muốn có mâu thuẫn. Chúng tôi đã sớm tự lập, không dựa dẫm vào cha và học cách sống cùng nhau và phải có quy tắc trong gia đình”, bà Somhatai chia sẻ tại Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình do TheLEADER tổ chức.
Nguyên tắc thứ nhất theo lời CEO Amata Việt Nam là tất cả thành viên phải học hành tới nơi tới chốn, không được phép từ chối và lười biếng học tập. Thế hệ thứ tư là những người sống không hề dựa dẫm vào bố, không được hỗ trợ về tài chính. Vì vậy, cách duy nhất để có thể đi học đại học với bà Somhatai và nhiều anh chị em khác là vay tiền từ ngân ngàng và phải tốt nghiệp để đi làm trả nợ.
“Đó là bài huấn luyện đầu tiên, học để nhận biết giá trị đồng tiền. Bạn không thể thất bại, phải học nhanh và làm việc kiếm tiền. Điều này vẫn ứng dụng được cho đến ngày hôm nay”, bà Somhatai nói.
Ông Vikrom sau cuộc xung đột với bố vào một lần thăm nhà khi còn là sinh viên năm nhất ở Đài Loan đã bị bố cắt mọi chu cấp. Ông đã tự tìm cách kiếm tiền bằng việc tân trang những chiếc xe đạp cũ bị vứt ở góc trường hay tìm mọi cách để xin học bổng…
Với những người em của mình, khi đã có khả năng chu cấp tài chính, ông Vikrom rèn luyện cho họ có tính kỷ luật về tài chính, biết tự mình kiểm soát chi tiêu bằng cách làm thẻ ATM cho những người đang học với số tiền mỗi năm là 50.000 bath.
Sau khi tốt nghiệp và có việc làm, họ sẽ phải trích một phần tiền lương hàng tháng để hoàn lại số tiền học phí đã được chu cấp.
Nguyên tắc thứ hai, theo bà Somhatai là ai cũng phải tham gia các buổi họp hàng tháng của gia đình. Con gái bà lúc chỉ mới ba tuổi cũng đã phải ngồi trong cuộc họp này. Từng người sẽ thay phiên nhau chủ trì, cuộc họp có nội quy, kỷ luật, có ghi biên bản, mọi người có quyền tự do phát biểu ý kiến và phải tôn trọng lẫn nhau.
Đó là bài học thứ hai dành cho các chiến binh nhà Kromadit, bài học để biết lắng nghe và phát biểu trong cuộc họp. Mỗi người trong gia đình đều được giao nhiệm vụ và có trách nhiệm đóng góp vào công việc của gia đình.
Nguyên tắc thứ ba là phải chia sẻ trong tất cả thế hệ của gia tộc. Ông Vikrom đã tập trung tất cả anh em cùng cha cùng mẹ và cả cùng cha khác mẹ về sống chung trong một khu nhà của dòng họ nằm trong khu công nghiệp Amata Nakorn (Thái Lan), từ bỏ ác cảm và phân biệt đối xử để chung sống hoà thuận, xây dựng tương lai tốt đẹp cho gia đình. Ông coi trọng nền tảng giáo dục cho các em và nêu gương thay vì quản lý hay giám sát.
Khi mẹ ruột của ông Vikrom qua đời, ông đem toàn bộ cổ phần của bà chia cho các em cùng cha khác mẹ để ai cũng cảm thấy được làm chủ trong nhà. Một ban quản lý được thành lập nhằm soạn thảo bộ quy tắc để các thành viên trong gia đình tuân thủ nghiêm chỉnh. Ông Vikrom còn thành lập Công ty Kromadit Corporation, đại diện cho gia đình để góp vốn vào Amata.
Phải có gia quy của dòng họ
Theo bà Somhatai, làm thế nào để kết hợp được yếu tố gia đình và việc kinh doanh là một điều rất quan trọng vì Kromadit có thể không cần chuyên nghiệp nhưng Amata là công ty đại chúng bắt buộc phải chuyên nghiệp.
Sau khi tham vấn nhiều chuyên gia, một gia quy của dòng họ Kromadit đã được hình thành để đào tạo và truyền lại cho các thành viên với bốn phần nội dung về quá khứ, hiện tại, kế hoạch tương lai và giải pháp cho những vấn đề tương lai.
Phần thứ nhất của gia quy nói về nền tảng, nguồn gốc của gia đình, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm để thế hệ sau không lặp lại.
Gia đình nhà bà Somhatai có gốc gác người Hẹ là một trong năm nhóm người Trung Quốc di cư sang Thái Lan thời vương triều Rattanakosin. Người Hẹ thích sống chung trong một đại gia đình, dưới một mái nhà rộng lớn, vững chãi, an toàn và nổi tiếng về tính cần cù lao động, giỏi buôn bán.
Người Hẹ còn là dân tộc giữ gìn nghiêm ngặt phong tục tập quán, có khi đến mức bảo thủ. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những tư tưởng, niềm tin, quan điểm sống của nhóm người này được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách vững chắc, toàn diện, sâu sắc. Dù vậy, họ vẫn có thể hoà nhập và gắn kết văn hoá cũ với văn hoá mới để thích nghi với môi trường họ sinh sống. Đó cũng là những nét truyền thống trong gia đình nhà Kromadit, được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Phần thứ hai về hiện tại với những quy chuẩn giúp phần kinh doanh cua gia đình trường tồn mãi. Chia sẻ trong tự truyện, nhà sáng lập Amata cho biết luôn kết hợp chặt chẽ các tư duy của phương Đông và phương Tây khi quản lý công ty. Ông tán thành cách đánh giá con người dựa vào kết quả công việc dựa trên sự công bằng, bình đẳng và không thích các mối quan hệ riêng tư, “dây mơ rễ má” xen vào công việc hay vì nể nang nhau dẫn đến hỏng việc.
Vì thế, ông Vikrom đặt ra nguyên tắc là không ai trong gia đình được can thiệp vào công việc của công ty mẹ, tức Amata. Trong sổ lương của công ty Amata, không được có quá ba người từ gia đình Kromadit và những người này phải có năng lực hơn các nhân viên nói chung. Những thành viên còn lại muốn có được một trong ba vị trí này phải phấn đấu để cạnh tranh với những người đương nhiệm và tất nhiên, những người đương nhiệm phải tiếp tục cố gắng nếu không sẽ mất đi vị trí.
Ngoài ra, ông Vikrom hiểu rằng càng lắm của cải thì càng nhiều chuyện rắc rối, hơn nữa lại trong một đại gia đình 50 thành viên. Do đó, ông đã phòng ngừa ngay từ đầu bằng việc đưa vào nội quy dòng họ Kromadit với những điều khoản bắt buộc về lợi ích.
Cụ thể, nghiêm cấm bán cổ phần ở Kromadit cho bất kỳ ai, kể cả anh em, nếu không muốn sở hữu thì cổ phần đó sẽ thuộc sở hữu chung của gia đình. Hay không chia cổ tức cho người giữ cổ phần, vì lợi ích mà người có cổ phần được hưởng là dưới hình thức các chi phí cho việc ăn ở, học hành cho con cái, y tế…thông qua quỹ chung của gia đình.
Thu nhập mà công ty có được đều đưa vào quỹ chung. Những người làm việc cho Kromadit sẽ được hưởng lương và chia lợi tức theo dự án mà mình phụ trách, nếu đạt kết quả vượt chỉ tiêu quy định.
Phần thứ ba trong gia quy là kế hoạch tương lai. Công ty có tài sản thì làm thế nào để phát triển và có nhiều lợi nhuận. Các thành viên được học cách quản lý cũng như nhân rộng tài sản mà mình đang sở hữu.
Phần thứ tư xác định các nguy cơ tiềm tàng trong tương lai và đưa ra giải pháp. Các thành viên sẽ được trải nghiệm bài học đổ vỡ của các gia tộc chuyên làm kinh doanh tương tự tại Thái Lan và trên thế giới; thảo luận vấn đề này với các chuyên gia.
“Thế hệ của chúng tôi rồi cũng sẽ qua đời, nhưng gia quy sẽ tồn tại mãi. Chính sách của công ty phải tương ứng với triết lý của gia đình. Tôi vẫn tin vào tình yêu, sự chia sẻ vì đó là những giá trị dài hạn cho sự gắn kết, tồn tại và phát triển của cả doanh nghiệp và gia đình”, nữ tướng Amata Việt Nam chia sẻ.
Nguyên tắc chọn người kế nghiệp của nữ tướng Đại An
Chìa khoá chuyển giao thế hệ thành công ở Nệm Liên Á
Để con cái tiếp xúc với công việc kinh doanh từ bé, tạo văn hoá gia đình như một nền tảng vững chắc, luôn tin tưởng và trao quyền cũng như duy trì tương tác giữa các thành viên trong nhà là bốn yếu tố cốt lõi làm nên sự chuyển giao thế hệ thành công tại Lâm gia.
Giấc mộng trăm năm của các doanh nghiệp gia đình
Sứ mệnh trăm năm của các công ty gia đình bắt đầu từ việc nhỏ nhất là quản trị gia đình.
Hoá giải mâu thuẫn lợi ích trong doanh nghiệp gia đình
Mâu thuẫn trong doanh nghiệp gia đình không chỉ là bất đồng giữa các cá nhân còn là mâu thuẫn giữa giá trị dài hạn và lợi ích tài chính ngắn hạn.
Nan đề chuyển giao thế hệ trong các doanh nghiệp gia đình
Không có con cái kế thừa, con cái thiếu năng lực quản lý hoặc không có đam mê với sự nghiệp gia đình, thiếu niềm tin trong chính nội bộ cũng như với những người lãnh đạo không cùng huyết thống là những lý do cho sự sinh tồn ngắn ngủi của các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam.
CFO Việt Nam và Học viện Tài chính thúc đẩy hợp tác toàn diện
Chiều 3/12/2024, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (CFO) đã đến thăm và làm việc với Học viện Tài chính nhằm thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Dragon Capital rót hàng nghìn tỷ đồng vào các hãng chứng khoán
Hàng nghìn tỷ đồng đã được Dragon Capital rót vào các “tên tuổi” lâu năm trong ngành chứng khoán thông qua các kế hoạch hợp tác về kinh doanh, tăng vốn điều lệ.
Ngân hàng đã sẵn sàng sống thiếu Thông tư 02?
Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ, giãn nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng NHNN sẽ không gia hạn thêm cho Thông tư này.
Dấu ấn của người Việt trong tham vọng kinh tế số tại Malaysia
Kinh tế số của Malaysia được kỳ vọng sẽ vươn tầm khu vực với sự hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các giải pháp công nghệ, y tế, năng lượng...
An Gia sắp ra mắt dự án 3.000 căn hộ ở Bình Dương
Dự án The Gió Riverside với 3.000 căn hộ ở Bình Dương dự kiến được An Gia ra mắt sau sáu tháng khởi công.
VinFast tham gia chương trình chuyển đổi giao thông xanh
VinFast đồng hành cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tám địa phương tiên phong lên lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng.
Nhân tố góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Gia Lai
Nutifood xây dựng thành công trang trại bò sữa hàng đầu Việt Nam, góp phần phát triển ngành nông nghiệp tại Gia Lai và các địa phương lân cận.