Tổng giám đốc Amata tiết lộ về thành phố thông minh 1,6 tỷ USD tại Quảng Ninh

Đặng Hoa - 08:05, 27/03/2018

TheLEADERTheo lãnh đạo Amata Việt Nam, hiện dự án thành phố thông minh tại Hạ Long vẫn đang được lên kế hoạch. Tuy nhiên, nếu chi phí quá lớn thì có thể dự án sẽ không được triển khai.

Tổng giám đốc Amata tiết lộ về thành phố thông minh 1,6 tỷ USD tại Quảng Ninh
Bà Somhatai Panichewa, Chủ tịch Amata Việt Nam

Hơn 23 năm về trước, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên với dự án khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) với tổng diện tích 700ha, đây cũng là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của tập đoàn này. 

Dự án thu hút 164 nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 2,66 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 49.000 lao động.

Tuy nhiên do nhu cầu phát triển trong khi diện tích đất còn lại quá hạn hẹp, Amata đã xin cấp phép để tiếp tục xây dựng dự án khu đô thị Long Thành (Đồng Nai) tổng diện tích 1.270ha với sự kết hợp của khu công nghiệp công nghệ cao và đô thị.

Nối tiếp sự thành công của hai dự án liên quan đến hạ tầng khu công nghiệp và đô thị tại tỉnh Đồng Nai, Tập đoàn Amata cho biết đang chuẩn bị những bước cuối cùng để tiến hành dự án thứ ba của mình tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, bước khởi đầu của tập đoàn này trong hành trình vươn ra khu vực phía Bắc của Việt Nam.

Chia sẻ với TheLEADER, bà Somahatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Công ty Amata Việt Nam cho biết, dự án tại Quảng Ninh có tổng diện tích 5.789ha với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD được chia làm 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu, khoảng 700ha tại thị xã Quảng Yên với tổng vốn 150 triệu USD sẽ được đầu tư cho phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Giai đoạn 2 sẽ có tổng vốn đầu tư 1,450 tỷ USD nhằm phát triển thành phố thông minh với một loạt các dự án liên quan đến các lĩnh vực như: năng lượng, cộng đồng, môi trường, giáo dục, sản xuất chế tạo...

Bà có thể cho biết lý do Amata chọn Quảng Ninh là điểm đến cho dự án tỷ đô tiếp theo chứ không phải Hà Nội?

Bà Somahatai Panichewa: Chúng tôi đang tìm kiếm các thành phố lớn như Quảng Ninh cho các dự án tiếp theo của mình bởi lẽ thành phố này có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc phát triển một dự án lớn ở Hà Nội hay gần Hà Nội là điều không thể, vì vậy Quảng Ninh là một địa điểm tiềm năng để chúng tôi có thể tìm được nguồn đất.

Về việc chọn lựa Quảng Ninh là điểm đến tiếp theo, Amata dựa trên một số tiêu chí chính. Thứ nhất, Quảng Ninh là một tỉnh giáp với Hải Phòng trong khi Hải Phòng đang phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng.

Nhật Bản đã đầu tư cảng nước sâu Lạch Huyện ở Hải Phòng. Sân bay Cát Bi cũng được nâng cấp thành sân bay quốc tế, bay thẳng tới Bangkok, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long sẽ kết nối hạ tầng giao thông khu vực Đông Bắc Việt Nam, đó là những điều kiện rất thuận lợi. 

Một yếu tố quan trọng khác nữa là Quảng Ninh có đường biên giới chung với Trung Quốc, rất có thể thời gian tới, các doanh nghiệp đang đầu tư tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển đến vùng có chi phí rẻ hơn và Quảng Ninh là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của họ. 

Trung Quốc sẽ là một thị trường tiêu thụ tiềm năng cho nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp từ khu vực phía Bắc Việt Nam .

Hiện Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh sản xuất các thiết bị công nghệ cao trong khi dự án tại Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tự động, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, các dự án công nghệ cao và nhất là công nghiệp điện tử đang phát triển.

Vừa qua, sau khi kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Quảng Ninh được chấp thuận, chúng tôi đã tiến hành các thủ tục để xin cấp phép đầu tư.

Có sự khác biệt nào giữa dự án tại tỉnh Quảng Ninh và hai dự án tại tỉnh Đồng Nai mà Amata đã phát triển trước đó và thành công?

Bà Somahatai Panichewa: Các dự án ở Đồng Nai rất gần với TP. HCM, hơn thế nữa ở đó trong tương lai sẽ có sân bay quốc tế Long Thành, điều này làm cho thành phố thông minh ở Đồng Nai sẽ khác với thành phố thông minh ở Hạ Long.

Các sản phẩm sản xuất tại khu công nghiệp ở Đồng Nai chủ yếu tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm tốn ít sức người và chủ yếu sử dụng tự động hóa. Trong khi dự án ở Quảng Ninh có diện tích đất lớn và sẽ từng bước được phát triển. Bước đầu sẽ sản xuất các sản phẩm thông thường sau đó sẽ được tăng hàm lượng giá trị công nghiệp.

Việc xây dựng thành phố thông minh ở Long Thành diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể, ít nhất trong 3 - 5 năm tới, chúng tôi dự kiến thành phố thông minh ở Quảng Ninh sẽ được triển khai.

Tuy nhiên hiện tất cả mọi thứ vẫn đang được lên kế hoạch. Việc có phát triển được thành phố thông minh tại Quảng Ninh hay không sẽ dựa vào kinh phí. Nếu tốn quá nhiều chi phí, chúng tôi sẽ không thực hiện dự án này vì đó sẽ không phải là một cách thông minh để thu hút các doanh nghiệp đến với khu vực này.

Tại sao Amata lại lựa chọn đầu tư vào các thành phố thông minh, thưa bà?

Bà Somahatai Panichewa: Nếu chúng tôi vẫn làm theo cách cũ, các khu công nghiệp sẽ không tồn tại mãi cũng như phát triển bền vững được. Do đó, chúng tôi tính đến việc hình thành các thành phố thông minh tại đây để hỗ trợ cho các dự án này.

Một thành phố thông minh sẽ bao gồm 10 dự án thông minh cần có bao gồm: năng lượng, di chuyển, cộng đồng thông minh, môi trường, giáo dục, sản xuất chế tạo, thành phố không gian vũ trụ, sáng tạo, kinh tế và quản trị thông minh.

Nếu khả thi, có thể chúng tôi sẽ không xây dựng ngay các dự án này tại thành phố thông minh Amata ở Hạ Long ngay từ đầu nhưng chúng tôi sẽ dần đưa các mô hình này vào dựa trên nhu cầu cũng như phản ứng của thị trường tại địa phương.

Phát triển khu công nghiệp không có nghĩa chỉ để phục vụ cho mục đích sản xuất. Chúng tôi để ý rằng các nhà đầu tư không chỉ cần một khu đất để xây nhà máy, họ cần phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, họ nhìn xa hơn về tính thương mại cũng như các khu dân cư để đáp ứng được nhu cầu từ các cấp độ khác nhau, từ quản lý đến nhân viên văn phòng và số đông là công nhân.

Do đó, nếu vẫn chỉ phát triển các khu công nghiệp đơn thuần, chúng tôi sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của họ. Đó là lý do Amata đang kêu gọi các đối tác và liên doanh để nỗ lực phát triển đồng bộ các dịch vụ, hướng đến một nguồn thu nhập lâu dài và bền vững cho những nhóm đối tượng này trong các dự án của chúng tôi.

Bên cạnh đó, với một mô hình Amata mới với khuôn viên rộng rãi, đầy đủ dịch vụ và tiện ích, khách hàng của chúng tôi sẽ không cần tìm các dịch vụ này ở bên ngoài.

Theo nhìn nhận của bà, dự án này có vai trò như thế nào với Quảng Ninh?

Bà Somahatai Panichewa: Các khu công nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thứ nhất, dự án này hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu 5 tỷ USD mỗi năm và 300.000 việc làm cho cả người dân địa phương và thu hút nguồn lao động chất lượng từ các địa phương khác. Nguồn thuế thu được từ các dự án này cũng sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh nhu cầu về một công việc ổn định lâu dài, họ sẽ có nhu cầu được hưởng các dịch vụ như học tập và đào tạo hay nghỉ ngơi trong chính khu vực họ làm việc. 

Tôi tin rằng điều này sẽ giúp tạo động lực cho Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh hơn thu hút đầu tư FDI bên cạnh thế mạnh về du lịch.

Vừa qua, Quảng Ninh đã về nhất trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, bà đánh giá như thế nào về kết quả này?

Bà Somahatai Panichewa: Tôi thực sự vui mừng và chúc mừng tỉnh Quảng Ninh đã đạt được kết quả này. Phải thừa nhận rằng chúng tôi đã có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn địa điểm để triển khai dự án tiếp theo của mình. Thực tế, chúng tôi đã lên kế hoạch cho dự án này từ năm 2014.

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã có những nỗ lực và thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài; điều này đã được phản ánh rõ trên các chỉ số trong bảng xếp hạng PCI 2017.

Điều quan trọng là tỉnh đã biết quan tâm và có những tìm hiểu kỹ về mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài chẳng hạn như lĩnh vực nào họ muốn đầu tư và họ cần những hỗ trợ gì từ các cấp chính quyền.

Đó là các yếu tố khiến Quảng Ninh trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều trong mắt các nhà đầu tư và tôi tin rằng trong những năm tới, Quảng Ninh sẽ có được những hỗ trợ tích cực từ các doanh nghiệp FDI.

Xin cảm ơn bà!