Bộ sách Trí tuệ lãnh đạo - Cẩm nang sống cho những nhà quản trị

Kim Yến - 11:40, 25/03/2018

TheLEADERBộ sách được tuyển chọn từ nguyên tác tiếng Trung Trí tuệ lãnh đạo tùng thư do học giả Thường Vạn Lý chủ biên, dịch giả Lê Tiến Thành.

Bộ sách Trí tuệ lãnh đạo - Cẩm nang sống cho những nhà quản trị
Bộ sách Trí tuệ lãnh đạo gồm 6 cuốn.

Đến với Hội sách TP. HCM năm nay, Văn Lang Books trình làng bộ sách đồ sộ gồm 6 cuốn Trí tuệ lãnh đạo, như một cẩm nang sống cho những nhà lãnh đạo. 

Những kỳ thư quý báu từ ngàn xưa vẫn còn nguyên giá trị như Quỷ cốc tử, Trường đoản kinh, Đức Nhẫn, Đạo làm quan, Băng Giám, Nhân vật chí… là những bài học tinh thần không thể thiếu đối với thuật dùng người và thuật làm người, giúp người lãnh đạo văn võ song toàn trong trị quốc, trị quân, trị doanh, trị học, trị gia…

Làm thế nào có những người lãnh đạo giúp ta hoàn thành đại nghiệp?

Bộ sách được tuyển chọn từ nguyên tác tiếng Trung Trí tuệ lãnh đạo tùng thư do học giả Thường Vạn Lý chủ biên, dịch giả Lê Tiến Thành.

Trường đoản kinh do Triệu Nhuy thời nhà Đường biên soạn, được các bậc quân thần có chính tích, có công nghiệp các thời đại đánh giá cao và áp dụng, được tôn là “ Tư trị thông giám”, cốt yếu là “ luận về thuật cơ quyền của vương bá, thuật trường đoản của chính biến”.

Sách đề cập đến phương diện đức hạnh của đạo làm vua, “vua giữ đạo của mình, quan biết việc mình cần làm”. Biết dùng sở trường của nhân tài là điều quan trọng hàng đầu để làm nên sự nghiệp. Biết đánh giá tài năng của con người là cái gốc của việc trị thiên hạ. Dùng sở trường, tránh sở đoản của nhân tài, quan sát tình thế, tướng mạo, khí sắc, quyền biến bá lược...

Đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo có chí lớn, nó như một bộ toàn thư mang lại gợi ý sâu sắc và ứng dụng thực tiễn cao, với những điển cố hấp dẫn như tiểu thuyết, và lời bình thâm trầm. Sự vướng mắc giữa trung thành và nghi ngờ là một hiện thực khách quan, phải dũng cảm, mưu trí đối mặt với vấn đề này như thế nào? Biết trời, biết đất, chiến thắng nằm trong tầm tay.

Đạo làm quan tập hợp những tinh hoa trong tư tưởng của Lã Bản Trung và Uông Huy Tổ, trình bày một cách hệ thống triết lý về làm quan và xử sự. Trong truyện và phim võ hiệp, có một lời thanh thở nổi tiếng “ Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ” (Con người trong chốn giang hồ có những việc tự mình không quyết định được), thể hiện sự chua xót và nhiều khi bất lực của con người trong chốn hồng trần.

Chốn quan trường cũng giống như chốn giang hồ, không chỉ có nhung lụa, vinh hoa phú quý mà còn có những dâu bể và sự không mong muốn mà người ngoài không hiểu được, nên lập thân xử sự thế nào? Cương thì dễ gãy, nhu thì yếu ớt, cần cương nhu kết hợp, vuông thì cứng nhắc, tròn thì không ổn định, khi cần vuông thì vuông, khi cần tròn thì tròn. Có vuông có tròn là cái gốc của việc lập thân. Thanh, Thận, Cần là gốc của việc làm quan.

Cuốn sách đi sâu phân tích thuật dùng người, những phương pháp cụ thể giúp người làm quan nhìn bản chất thông qua hiện tượng, những tiêu chí quan trọng để làm người, yêu dân, tu thân, tề gia, tận tụy với công việc…biến tiến thoái, đừng làm một người … “mê làm quan”, thăng tiến nhờ tài năng, khi cần lui thì phải lui, không do dự

Quỷ Cốc Tử lại bàn về vấn đề nhập thế và mưu cầu phú quý, lấy Kinh dịch và học thuyết Lão Trang làm gốc, qua đó bàn chi tiết về mưu lược và kỹ năng “chế nhân thành sự” (kiểm soát người khác để làm nên việc cho mình) và “ loạn trung thù thắng” ( Giành chiến thắng trong rối ren). Học thuyết của Quỷ Cốc Tử được coi là “ vô tự thiên thư” ( sách trời không có chữ), những người học theo toàn là quyền thần mưu sĩ tung hoành thiên hạ như Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn…

Với ba chương Thượng thiên( Nội luyện), Trung thiên ( Tung hoành), Hạ thiên (Thành sự), cuốn sách đi sâu phân tích bí quyết để giúp nhà lãnh đạo biết thuận tự nhiên, thuận đạo, dưỡng chí…

Muốn sử dụng nhân tài, trước hết bạn phải là nhân tài, thậm chí là thiên tài

Đó là chia sẻ của TS. Dương Ngọc Dũng về bộ sách, người từng được chọn là thông dịch và giải thích thắc mắc cho Tổng thống Barack Obama ở chùa Ngọc Hoàng trong chuyến thăm Việt Nam.

Rất tâm đắc với bộ sách đầu tư công phu của nhà sách Văn Lang, trong buổi ra mắt sách tại Hội chợ sách TP. HCM, TS. Dương Ngọc Dũng nói : “ Vấn đề sử dụng nhân tài đòi hỏi bạn cũng phải là nhân tài cái đã, thậm chí phải là thiên tài, mới có thể tìm ra người tài về cho mình. Cuốn sách 30% là triết lý, còn 70% là hướng dẫn thực hành.

Ví dụ như phần “sát tướng” rất hay, giúp nhà lãnh đạo quan sát con người bên ngoài trước, để hiểu phần ẩn dấu bên trong. Phần này thuộc về nhân tướng học, phát huy sở trường và giảm thiểu toàn bộ sở đoản. Phần “trắc ẩn”, đo lường những điều ẩn chứa bí mật trong mỗi con người, làm sao biết họ có làm hết chức năng của mình hay không, có ẩn chứa những gì dấu mình không? Cùng với đó là những mẩu chuyện hay như tiểu thuyết làm ta nhớ lâu hơn

Có thể nhiều người thắc mắc Trí tuệ lãnh đạo sử dụng những triết lý của người phương Đông như Phật giáo, Thiền, Kinh dịch…, nhưng quản lý là nghệ thuật của phương Tây? Nhưng đó chỉ là sự ngộ nhận. Khi đi vào nghiên cứu, ta thấy tinh thần phương Đông nhìn toàn diện con người hơn. Đây là bộ sách đóng góp nhiều giá trị, không chỉ chứa đựng những nhận xét minh triết, mà còn giúp nhà lãnh đạo tự bản thân xây dựng cách quản trị con người, giúp nhân viên thực hiện tầm nhìn, sứ mạng của mình. Bộ sách quá dày, quá lớn, nhưng xứng đáng với thời gian chúng ta bỏ ra để đọc”

Kể về quá trình đầu tư gấp rút cho bộ sách được ra đời, dịch giả Lê Tiến Thành chia sẻ: “Tôi giống như… “cá gặp nước” khi gặp chú Vũ Đình Hòa, CEO Văn Lang Books, một người làm sách luôn chú trọng triết học phương Đông. Chú Hòa chủ động yêu cầu tôi giới thiệu những bộ sách có giá trị, có sức nặng, điển hình như bộ sách Dẫn luận của NXB Oxford về Con người, Phật giáo, Tôn giáo, Khoa học, Tâm thức, Nghệ thuật… hay bộ Nội kinh, đặc biệt bộ Trí tuệ lãnh đạo rất giá trị này

Sách hướng dẫn về lãnh đạo từ trước tới nay thường được dịch từ phương Tây hoặc do người Việt Nam viết, thiên về kỹ năng quản lý là chính. Người ta thường nói lãnh đạo không ai dạy được, phải là quá trình tự đúc kết, tự trui rèn mình. Nội luyện từ bên trong, tạo động lực chính từ bên trong để tạo sức hút… Nhưng chúng ta có thể rèn luyện mình thông qua Băng Giám, Trường đoản kinh.

Khi dịch, tôi quyết định giữ lại tên gốc, vì rất khó chuyển ngữ qua tiếng Việt. Băng giám là của Tăng Quốc Phiên, nhà quân sự lỗi lạc của nhà Thanh, người đào tạo phát hiện nhiều nhà lãnh đạo quân sự, đúc kết kinh nghiệm nhìn người. Băng là băng tuyết, giám là giám định con người. Ngày xưa không có gương, người ta tự mài tuyết làm gương.

Trường đoản kinh là trước tác của thầy nhà thơ Lý Bạch, nói về những ưu khuyết, sở trường, sở đoản con người, tập hợp đầy đủ kinh nghiệm về chính trị, ngoại giao, kinh tế…Trong quá trình thực hiện cuốn sách, ban đầu tôi bị ngợp bởi tính đồ sộ và tầm vóc của nó, tập hợp những tư tưởng lớn của Trung Quốc, không biết mình có đủ khả năng…”

Trao đổi với nhiều doanh nhân có mặt trong buổi ra mắt bộ sách này, TS. Dương Ngọc Dũng chia sẻ: “Thường các doanh nghiệp nước ngoài quản lý nhân viên theo kiểu công nghiệp, cuốn sách này có theo kiểu đó không? Dịch giả Lê Tiến Thành có ngầm ý phê bình cách quản lý của phương Tây, quá đi vào kỹ năng lãnh đạo, tính toán dựa trên lý tính, theo kiểu trả lương bao nhiêu phải làm ra lợi nhuận nhiều hơn gấp bao nhiều lần như thế. Đó là tư duy mang tính kinh tế học.

Bộ sách Trí tuệ lãnh đạo - Cẩm nang sống cho những nhà quản trị
TS. Dương Ngọc Dũng trong buổi ra mắt bộ sách Trí tuệ lãnh đạo

Còn người phương Đông nhìn theo đường dài, người này có giúp ta đi đến cuối con đường hay không? Chúng ta không nên hy vọng có những hướng dẫn quá chi tiết, nhưng đó là cần thiết, mang tính toàn diện, vừa có lý vừa có tình”.

Vậy theo ông, nhân tướng học, tâm linh… trong quản trị liên quan gì đến nhà lãnh đạo?

TS. Dương Ngọc Dũng: Yếu tố nhân tướng học là ngành rất gần với khoa học, người Việt Nam rất thích bộ môn này. Người phương Tây cũng quan sát tướng diện nhưng mục tiêu là để đánh giá tư cách con người, còn người phương Đông thích nghiên cứu nhân tướng học để xem tương lai, hậu vận thế nào

Quan trọng là phải coi được cái khí, cái thần, phong cách của người đó thế nào, có thể người bên ngoài nhìn yếu đuối, nhưng bên trong ánh mắt có thần khí, tỏa sáng. Coi về thần khó hơn phần hình. Khó thứ hai là coi ẩn tướng, Mạc Đĩnh Chi có ẩn tưởng, dù bên ngoài ông rất xấu xí…

Người phương Tây không có ẩn tướng gì hết, đối chiếu một ngàn gương mặt để tìm ra điểm chung, cơ sở nhân tướng học của phương Tây dựa trên so sánh, đối chiếu khoa học rất nhiều, còn phương Đông hơi huyền bí chút xíu, nên người trí thức nhiều khi khó chấp nhận. Nên hài hòa cả hai trường phái.

Làm thế nào hiểu sâu hơn người làm việc với mình? Bộ sách này có chỉ ra những kỹ thuật, hay chỉ đưa ra câu chuyện để mình tự hiểu?

TS. Dương Ngọc Dũng: Liên quan đến triết lý phương Tây, họ muốn vạch ra phương pháp cụ thể để bạn làm việc dễ dàng, như trong Bộ quy tắc của McDonald’s, họ hướng dẫn rất chi tiết cả cách chùi toilet thế nào. Nhưng người phương Đông thì quan niệm càng chi tiết bao nhiêu càng dễ lầm lẫn, còn gì sáng tạo nữa, nếu lệch đi một chút sẽ dẫn đến sai sót rất lớn. Nhưng đôi khi chúng ta không chi tiết cũng rất nguy hiểm, vấn đề của người phương Đông là phải hiểu vấn đề, tùy nghi sử dụng…

Ví dụ như Trường đoản kinh, bộ sách kinh điển nói về sử dụng nhân lực. Lãnh đạo khác quản lý, người quản lý tập trung điều hành doanh nghiệp, người lãnh đạo phải có tầm nhìn lớn hơn, phát triển công ty cỡ nào, có ra ngoài đất nước hay không? Phải có chiến lược, có tầm nhìn, còn cứ xen vào công tác của người quản lý thì vô tình ta đã hạn chế công việc của người quản lý.

Khi sử dụng con người, nhân vô thập toàn, có tài có tật, vấn đề là bạn nhìn nhận cái tật đó có chấp nhận được không? Tật nhỏ thôi không ảnh hưởng sự nghiệp thì được, chứ mang cái tật lớn đó vào công ty thì không được. Khi quan sát nhân viên phải lưu ý điểm này.

Tôi nghĩ người làm sách nên tóm tắt lại, in từng cuốn nhỏ, dễ đọc, vì doanh nhân ít thời gian, giúp họ phần nào quan trọng nhất để nắm được tinh thần của nó.

Theo ông, làm thế nào quản trị được sếp cao hơn và nhân viên thấp hơn?

TS. Dương Ngọc Dũng: Tư tưởng phương Đông vi diệu nhưng cũng có khuyết điểm, giới hạn bởi tư tưởng có tôn ti trật tự, đó là thiên lý bất khả xâm phạm, bên trên có trời, bên dưới có đất phải có người tối thượng và phải trung thành tuyệt đối với người sếp của mình.

Trong mối quan hệ tương tác giữa cấp trên với cấp dưới, nếu cấp trên xứng đáng là vua, thì bề tôi mới xứng đáng bề tôi, “Vua sáng tôi hiền” mới có nhân tài. Băng giám giúp người lãnh đạo nhìn vào tấm gương, để thấy rõ mình là ai. Tăng Quốc Phiên đã từng sử dụng bọn thổ phỉ. Người sếp tốt theo quan niệm của tôi phải có sự công bằng. Bộ sách hướng dẫn cả hai hướng, triết lý người lãnh đạo và triết lý của người chịu sự lãnh đạo.

Đạo làm quan nội dung chắc chắn không hiện đại, vì viết mấy trăm năm rồi, nhưng vẫn bàn tương đối chi tiết về cách ứng xử người làm quan với cấp dưới, cấp trên, để xử lý hài hòa mối quan hệ này. Học làm lãnh đạo không phải là chuyện dễ dàng, người có tố chất lãnh đạo rất hiếm hoi, bất cứ làm việc gì nho nhỏ cũng cần năng lực lãnh đạo.

Ông vua của ngành thép Mỹ là người phát hiện ra những người giỏi để làm việc cho mình. Nếu có óc quan sát người khác đúng thì đó là năng khiếu, và thường có sự rộng lượng, đừng quá chấp nhặt những tiểu tiết làm mình buồn lòng, phải có sự bao dung. Cái tâm là khó rèn luyện nhất, còn tất cả điều khác có thể rèn luyện được.

Một người sẽ thành công hơn người kia nếu bạn hiểu rõ người khác. Quan hệ của bạn với sếp cũng vậy, kiến thức không bao giờ vô ích. Quan hệ giữa lãnh đạo và cấp dưới cũng là quan hệ giữa người và người. Cho dù bạn là bất kỳ ai trong xã hội, nếu chịu học hỏi thì có thể trở thành nhà lãnh đạo”

Nhà báo, nhà văn Lê Minh Quốc đề xuất đầy tâm huyết: “Bộ sách đúc kết kinh nghiệm quý báu của tinh hoa nhân loại, của Trung Quốc. Vậy tư duy lãnh đạo của người Việt nằm ở đâu? Ai là người đúc kết trí tuệ lãnh đạo của vua Quang Trung, Lý Thường Kiệt. Tôi không ngờ Trung Quốc có những người đúc kết giỏi như thế. Còn người Việt vận dụng thế nào trong bối cảnh đất nước mình?

Câu trả lời thuộc về các bạn trẻ. Thế hệ chúng tôi đã không làm được điều ấy. Các bạn trẻ phải mạnh dạn hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn, dám trình bày suy nghĩ của mình nhiều hơn... để một ngày không xa chúng ta có được bộ sách trí tuệ lãnh đạo của người Việt”.

Xin cám ơn ông!

Bộ sách Trí tuệ lãnh đạo - Cẩm nang sống cho những nhà quản trị 1
Dịch giả Lê Tiến Thành (ngoài cùng bên trái) và ông Vũ Đình Hòa (ngoài cùng bên phải) trong buổi ra mắt bộ sách Hộp thư đến