Bóng ma lạm phát: Lựa chọn nào cho gói kích thích kinh tế

An Chi - 16:14, 10/12/2021

TheLEADERÁp lực lạm phát trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022 đang đặt ra thách thức lớn đối với những chương trình kích cầu, phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng.

Bóng ma lạm phát: Lựa chọn nào cho gói kích thích kinh tế
Áp lực gia tăng lạm phát là điều không tránh khỏi

Nguy cơ 'nhập khẩu' lạm phát

Trước những diễn biến trên thị trường giá cả thời gian gần đây, không ít chuyên gia lo ngại chỉ số giá tiêu dùng cuối năm 2021 sẽ tăng cao. Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2021, diễn biến lại không như vậy.

Theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 11 chỉ tăng 0,32% và tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 và còn thấp xa so với mục tiêu cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội là 4%.

Nhìn vào những số liệu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là những tín hiệu khả quan để dự báo lạm phát của cả năm 2021 sẽ tăng thấp. Tuy nhiên, mục tiêu giữ ổn định lạm phát sẽ không dễ dàng. Những rủi ro cho lạm phát Việt Nam xuất phát từ thị trường thế giới hiện đang rất lớn.

Trên thế giới, giá cả hàng hóa và lạm phát toàn cầu đã và đang tăng chóng mặt. Có thể kể đến như phân bón, năng lượng, dầu khí, kim loại, khoáng sản. Đà tăng của các mặt hàng này trong những tháng vừa qua rất cao, chỉ trừ những mặt hàng không thiết yếu.

Lạm phát tăng ở hầu hết các nền kinh tế lớn, với mức tăng đến hơn 4 lần so với đầu năm. 

Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát đã tăng từ 1,4% trong tháng 1 lên 6,2% vào tháng 10/2021. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/1990, vượt xa so với mức mục tiêu bình quân 2%/năm và cao hơn mức dự báo 5,8% trong năm 2021. Thực trạng này đã buộc Mỹ liên tục phải có các động thái kìm hãm đà tăng lạm phát bằng việc họp bàn cùng các nước tiêu thụ dầu để xuất kho dầu nhằm giúp hạ nhiệt giá dầu.

Tại châu Âu, lạm phát tăng từ mức 0,9% trong tháng 1 lên 4,1% trong tháng 10/2021. Đây là mức cao nhất kể từ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 7/2008 và cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu là 2%.

Theo nhiều chuyên gia, lạm phát của Việt Nam mặc dù đang ở mức an toàn nhưng sẽ chịu sự ảnh hưởng về giá cả của thế giới. Khi giá mọi loại hàng hoá tăng phi mã, áp lực lên lạm phát của Việt Nam là điều không tránh khỏi.

Thêm vào đó, Việt Nam có mức lạm phát thấp, thấp hơn xu hướng chung của các nước trên thế giới là do cầu của nền kinh tế đang rất thấp trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Sức sản xuất, sức cầu của nền kinh tế còn yếu khiến áp lực chi phí chậm chuyển thành áp lực lạm phát.

Hai năm vừa qua, hầu như các ngành kinh tế đều đang có mức độ sản xuất chậm lại. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 10 tháng đầu năm 2021 tăng 16%, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020 dù đã so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2020 (1,3%).

Trong khi đó, dòng tiền tập trung lớn vào chứng khoán và bất động sản mà không vào các lĩnh vực thiết yếu trong rổ tính CPI. Nhóm hàng hóa thiết yếu ngoài lõi (lương thực, thực phẩm, điện nước, nhà ở và vật liệu xây dựng…) không tăng mạnh như giai đoạn trước dịch, thậm chí một số mặt hàng còn giảm nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào. Đây là tác động trực tiếp khiến lạm phát tổng thể khó tăng mạnh.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, chỉ số CPI hiện đang chưa phản ánh đúng rủi ro lạm phát. Con số này hiện chưa đến 2%, song chỉ số giá của tất cả các loại hàng hóa (không tính riêng hàng tiêu dùng) lại tăng đến 23%. Thông thường 2 chỉ số này sẽ biến động cùng nhau nhưng hiện nay, lại có khoảng cách rất lớn, lên đến hơn 10 lần. Điều này cho thấy sức ép lạm phát trong nền kinh tế là không nhỏ.

Nguyên nhân của chỉ số CPI thấp trong quý III vừa qua là do sức cầu yếu, người dân không tiêu dùng được do giãn cách xã hội, doanh nghiệp sản xuất không đưa được hàng hóa đến tay người tiêu dùng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Trong khi đó, chi phí sản xuất gia tăng do dịch bệnh đều được dồn cả vào giá cả hàng hóa. Ông Thế Anh dự báo nguy cơ lạm phát trong nền kinh tế thời gian tới rất lớn. Giá cả hàng hóa trong thời điểm cuối năm sẽ tăng mạnh trở lại khi nguồn cầu hồi phục.

Lựa chọn nào cho các gói hỗ trợ kinh tế?

Được biết, Bộ Kế hoạch đầu tư đang trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế, trong đó các chuyên gia đề xuất về gói hỗ trợ với quy mô có thể lên tới trên 800.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trong năm 2022 là một trong những lý do cần nghiên cứu, xem xét kỹ về quy mô gói kích thích. Một trong những mục tiêu căn bản nhất trong chính sách điều hành của Chính phủ là lấy đảm bảo vĩ mô là ưu tiên số một, sau đó mới đến yếu tố tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia lo ngại, việc cung tiền lớn ra nền kinh tế trong từ nay đến năm 2022 sẽ khiến rủi ro lạm phát tăng cao. Theo ông Thế Anh, việc mở rộng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh thấp, dòng tiền trong nền kinh tế đang dần chuyển sang chứng khoán, bất động sản sẽ không chỉ khiến Việt Nam đối mặt với chính sách lạm phát mà còn là cả bong bóng tài sản.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ngày 5/12/2021, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam và nhiều nước trên toàn cầu đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” do phải tính toán vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải thu hẹp một số chính sách hỗ trợ để hạn chế rủi ro lạm phát.

Tuy vậy, theo ông Lực, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi hình chữ U, cảnh báo nguy cơ lỡ nhịp và tụt hậu nếu không kịp thời có chương trình hỗ trợ đặc biệt. Do đó, chương trình hỗ trợ nền kinh tế là rất cấp thiết lúc này. Đặt giả thiết GDP năm 2021 là 2%, nếu thực hiện chương trình hỗ trợ đặc biệt, GDP năm 2022 có thể đạt 6-7,5%, nếu không thực hiện thì GDP có thể chỉ đạt 3,5-4%.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc thiết kế gói chính sách hỗ trợ nền kinh tế lớn, đủ rộng để bao phủ các đối tượng là hết sức cần thiết.

Các chính sách này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tập trung để vượt qua khó khăn, bắt nhịp xu hướng mới, đồng thời kích cầu cho thị trường, giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Theo TS Thành, nếu thực hiện được những yếu tố trên, thì gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có thể đóng góp tăng trưởng thêm khoảng 1,5%.

Theo tính toán, trường hợp nếu không có gói hỗ trợ thì GDP chỉ tăng 4-4,5%, nhưng nếu triển khai chương trình này ngay trong năm sau thì GDP có thể tăng từ 6-6,5%. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh cải thiện tốt hơn sẽ giúp tăng trưởng của năm 2023 cao hơn, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp được cải thiện.

Với những chính sách này, nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát sẽ khó tránh khỏi nhưng sẽ vẫn trong tầm kiểm soát. Mức lạm phát thấp như hiện nay chính là dư địa cho chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới, nhất là khi Chính phủ đã có kinh nghiệm trong chính sách điều hành vĩ mô và nền kinh tế Việt Nam đang có một nội lực phát triển nhất định.

Mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2022 là CPI tăng khoảng 4%. Đây là quyết tâm cao của Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô.