Cần cơ chế để doanh nghiệp lớn ‘dẫn dắt cuộc chơi’

Phạm Sơn - 16:46, 12/08/2022

TheLEADERNhững doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước cần liên kết chặt chẽ hơn đối với khu vực FDI để nhận chuyển giao công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cũng phải liên kết với doanh nghiệp vừa và nhỏ để dẫn dắt nhóm này phát triển.

Gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng phát triển năng động và đóng vai trò tích cực trong bức tranh kinh tế đất nước. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 97% là doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Theo báo cáo 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) phối hợp thực hiện, doanh nghiệp quy mô nhỏ tại Việt Nam đang gặp phải nhiều trở ngại, do đó khó mở rộng quy mô, tốc độ tăng trưởng khá chậm. Có nhiều doanh nghiệp mất 10 – 20 năm để đạt đến quy mô vừa.

Trong đó, 3 nguyên nhân khách quan phổ biến nhất phải kể đến là sự phân biệt đối xử doanh nghiệp tư nhân so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; khó khăn về tiếp cận vốn, thị trường, đất đai, khách hàng, thuế và hải quan; rủi ro thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh.

Thực tế, trong suốt thời gian qua, nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã được ghi nhận nhưng chủ yếu chỉ hướng tới thuận lợi hóa việc gia nhập thị trường, chưa chú trọng đến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Cũng phải nhắc đến nguyên nhân chủ quan là doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ có năng lực quản trị chưa cao, công nghệ thấp, thiếu nguồn lực đầu tư, dẫn đến chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, hạn chế khả năng đổi mới sáng tạo.’

Một số doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã phát triển tương đối mạnh mẽ, lọt vào top doanh nghiệp trên 1 tỷ USD như Tập đoàn Masan, Thế Giới Di Động, Vingroup… nhưng vẫn chưa đạt được tầm cỡ lớn trên thế giới, thậm chí chưa phải là lớn ở khu vực Đông Nam Á.

“Khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng”, nhóm tác giả báo cáo VPE500 nhận xét.

Liên kết để ‘nuôi lớn’ doanh nghiệp

Trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được triển khai, có thể kể đến như tiếp cận vốn vay, miễn giảm thuế phí, phối hợp với các tổ chức phát triển đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng chuyển đổi số…

Tuy nhiên, một điểm yếu trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam là chưa có cơ chế thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp lớn. Báo cáo VPE500 cho biết, 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam nhìn chung có liên kết tốt với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trong nước hơn so với nhóm FDI. Tuy nhiên, liên kết này vẫn tương đối mờ nhạt.

Nhóm tác giả VPE500 đề xuất, thay vì hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp nhỏ, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp lớn hình thành hệ sinh thái, thu hút doanh nghiệp nhỏ tham gia vào hệ sinh thái ấy. Các doanh nghiệp nhỏ từ đó sẽ được thúc đẩy thông qua yêu cầu thay đổi cấu trúc, quy trình quản trị cũng như nhận được chuyển giao tri thức, kinh nghiệm, công nghệ và có cơ hội tiếp cận tài chính tốt hơn. Theo kinh nghiệm quốc tế, giải pháp này mang lại hiệu quả và tính thiết thực cao.

Để thực hiện được điều này, nhóm tác giả VPE500 đề nghị cần xây dựng chính sách riêng cho doanh nghiệp lớn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để quản lý thị trường, đầu tư nghiên cứu cho công nghệ mới. Đây sẽ là những “người dẫn đầu trong sân chơi chung”, dẫn dắt những doanh nghiệp bé hơn cùng phát triển.

Một mối liên kết khác cần được đẩy mạnh là liên kết giữa nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong liên kết này, vai trò của doanh nghiệp lớn cũng đặc quan trọng bởi đây là nhóm doanh nghiệp có tiềm năng nhận chuyển giao công nghệ và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của FDI.