Tín hiệu tích cực của kinh tế từ số lượng doanh nghiệp mới tăng kỷ lục

An Chi - 12:56, 02/08/2022

TheLEADERSố lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng kỷ lục trong 7 tháng đầu năm 2022 là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế bất chấp những khó khăn sau đại dịch.

Tín hiệu tích cực của kinh tế từ số lượng doanh nghiệp mới tăng kỷ lục
Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lập kỷ lục mới

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 7 tháng năm 2022 đạt mốc mới là 133.708, vượt xa số 105.425 doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới là 89.407, mức cao nhất trong giai đoạn 7 tháng của năm từ trước đến nay, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu vẫn thuộc nhóm ngành dịch vụ, với 65.700 doanh nghiệp, chiếm 73,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 22.468 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 25,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2022 là 3.335.810 tỷ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Không chỉ số doanh nghiệp thành lập mới, lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng đầu năm 2022 cũng cao nhất trong 6 năm qua. Theo đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, con số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tính trong 7 tháng năm nay đã cao hơn số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong một năm của giai đoạn trước đây. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 26.448, 34.010, 39.421, 44.096 và 43.116 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó phải kể đến các lĩnh vực đã chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua như hoạt động dịch vụ khác (1.264 doanh nghiệp, tăng 212,9%), giáo dục và đào tạo (1.108 doanh nghiệp, tăng 68,4%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.575 doanh nghiệp, tăng 54,9%).

Cũng trong 7 tháng qua, có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.

Theo nhiều chuyên gia, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng kỷ lục trong thời gian gần đây đã minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế bất chấp những khó khăn sau đại dịch.

Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện các hoạt động kinh doanh đều đã được mở lại. Mặc dù, cả nước đã mất đi một số lượng khá lớn doanh nghiệp dừng hoạt động, bỏ thị trường; rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kể cả sản xuất đã thay đổi và bị triệt tiêu, song, lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm 2022 đã cho thấy Việt Nam đã có lực lượng doanh nghiệp mới kế cận, giúp kinh tế phục hồi.

Để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển trước những thách thức

Niềm tin của các doanh nghiệp đối với nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại tích cực sau thời gian dài dịch bệnh, tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn rất lớn trong từ nay đến nửa cuối năm 2022.

Theo đó, đáng chú ý nhất là khó khăn về nguồn vốn. Hiện nay, để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý là rất khó. Mặt khác, ở góc độ thị trường, thị trường nội địa đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, quản trị, khả năng về thương mại quốc tế cao.

Một yếu tố khác liên quan đến lạm phát. Nguy cơ lạm phát đang hiện hữu do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao. Trong khi đó, khi hàng hóa leo thang khiến người dân và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Điều này dẫn đến khả năng mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp lại, lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm. 

Đó là chưa kể đến việc lạm phát, giá nguyên liệu, logistics tăng cao khiến chi phí vận hành đầu vào cũng như đầu ra bị ảnh hưởng, gây thêm ghánh nặng cho doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, ông Quốc Anh cho rằng, việc điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ phải ổn định linh hoạt trong thời gian dài. Các chính sách về giảm thuế, phí cần tiếp tục được duy trì. 

Chính phủ cần có giải pháp về vốn hợp lý để các doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để cung cấp cho những doanh nghiệp khu vực quan trọng để mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất-kinh doanh. 

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, làm cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.

Các bộ, cơ quan, địa phương cần theo dõi, dự báo sát tình hình, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Về phía các doanh nghiệp, theo ông Long, các doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và chủ động trong phát triển.