Câu chuyện kinh doanh tài sản trí tuệ Việt Nam: Truyện cổ tích tử tế

Trâm Nguyễn* - 10:12, 05/05/2023

TheLEADERLà một tác giả sách nổi tiếng, đồng thời là chuyên gia khai vấn phụ huynh và tâm lý trẻ em người Việt, có chứng chỉ cấp quốc tế ở Anh, năm 2022, chị Alicia Vu đã cho ra đời cuốn sách “Truyện cổ tích tử tế”, nhằm đem đến cho thể giới trẻ thơ những câu chuyện cổ tích kinh điển với góc nhìn hiện đại, nhân văn và không có nhân vật phản diện.

Câu chuyện kinh doanh tài sản trí tuệ Việt Nam: Truyện cổ tích tử tế
Chuyên gia khai vấn phụ huynh Alicia Vu cho ra mắt cuốn sách Truyện cổ tích tử tế vào năm 2022 (Ảnh: Hường Hoàng)

Trong thế giới đó, trẻ em không cần phải sợ hãi nhưng vẫn nhận được những bài học sâu sắc. Tất cả đến từ sự thấu hiểu trẻ em, tôn trọng trẻ em như một người trưởng thành thực thụ: chịu trách nhiệm với việc mình làm, tôn trọng người khác, tự lập, kiên trì để đạt được mục đích...

Trong quá trình xuất bản cuốn sách, chị Alicia Vu cũng đồng thời nhận ra giá trị của sở hữu trí tuệ và đã xây dựng được cho mình một chiến lược cụ thể để có thể bảo vệ những tài sản trí tuệ của riêng mình.

Khám phá sự giao thoa hấp dẫn giữa sáng tạo và bảo vệ về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong thế giới văn học trong bài phỏng vấn dưới đây giữa chuyên gia sở hữu trí tuệ Trâm Nguyễn (Văn phòng luật IPCOM) và tác giả Alicia Vu.

Mời Alicia giới thiệu một chút về bản thân và cuốn sách “Truyện cổ tích tử tế”.

Mình là Alicia Vu, mình là tác giả sách. Bên cạnh sách, mình còn có các sản phẩm khác như podcast, khoá học, blog…

Tình yêu viết lách của mình bắt đầu từ khi còn rất nhỏ. Ban đầu mình chỉ viết cho bản thân, viết để giải toả những nỗi niềm, vô tình nó lại chạm đến tâm tư của nhiều người khác. Không biết từ khi nào, mình không còn viết cho một mình mình nữa, mà mình viết cho rất nhiều người đang có cùng nỗi đau giống như mình.

"Truyện cổ tích tử tế"  là tuyển tập những câu chuyện cổ tích được viết lại nội dung để phù hợp hơn với tư duy nuôi dạy trẻ trong thời đại mới. Trong truyện không có những yếu tố hù doạ, gây sợ hãi cho trẻ nhỏ, nhưng vẫn để lại bài học sâu sắc. Bản thân là một chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em, mình hiểu rằng có rất nhiều cách nuôi dạy hiệu quả hơn mà không cần dùng đến sự trừng phạt khắc nghiệt, hay những yếu tố gây sợ hãi.

Trọng tâm của các câu chuyện là lòng tốt, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Mỗi câu chuyện được tạo ra không chỉ để giáo dục thế hệ mầm non, mà còn nhằm mục đích thay đổi tư duy nuôi dạy con cái của cha mẹ.Trong "Truyện cổ tích tử tế", bạn sẽ khám phá ra một dàn nhân vật vô cùng gần gũi. Đó là những cô bé, cậu bé rất thật, với sự hồn nhiên, nghịch ngợm và những “lỗi lầm" rất con trẻ. Không có đứa trẻ nào ngoan hay hư, tất cả chúng đều đang trong giai đoạn quan sát và học hỏi.

Câu chuyện kinh doanh tài sản trí tuệ Việt Nam: Truyện cổ tích tử tế
Alicia Vu - Tác giả sách "Truyện cổ tích tử tế"

Dù không có nhân vật phản diện, mỗi nhân vật vẫn có những cuộc đấu tranh và bài học độc đáo của riêng mình. Mình thực sự biết ơn vì đã có cơ hội chia sẻ những câu chuyện này trong tập sách, truyền cảm hứng để mọi người tin vào sức mạnh của lòng tốt trong việc làm chủ cuộc sống của chính họ.

Trong thế giới ngày nay, chúng ta liên tục bị tấn công bởi sự tiêu cực và vô vàn nỗi sợ, đặc biệt là nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) và áp lực đồng trang lứa (peer pressure). Những áp lực này khiến cho chúng ta đôi khi không đủ tỉnh táo để tin vào bản thân lẫn đứa trẻ bên cạnh mình, mà luôn cảm thấy mình không đủ tốt. Tôi tin rằng điều cần thiết là thúc đẩy lòng tốt, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, cũng như sự tự tin nội tại của mỗi cá nhân.

Truyện cổ tích tử tế là một món ăn tinh thần mà cả gia đình có thể cùng lắng lại tận hưởng với nhau, cùng nhau tạo nên những giây phút kết nối sâu sắc. Kết nối gia đình và niềm tin vào bản thân là những giá trị bền vững mỗi em bé sẽ mang theo suốt cuộc đời. Đó là lý do mình chú trọng phát triển sản phẩm này tại thời điểm hiện tại.

Alicia có thể chia sẻ thêm về công việc, cũng như kết quả hoạt động xuất bản của bạn được không?

Vận hành business cá nhân là công việc full time của mình, tuy nhiên mình có thể chủ động sắp xếp thời gian theo ý muốn. Mình thường làm việc từ 3-6h sáng và từ 9h sáng đến 1h chiều.

Mình ở Anh nhưng sản phẩm & dịch vụ của mình chủ yếu phục vụ khách hàng tại thị trường Việt Nam. Để đánh giá chung chung là tốt hay chưa thì mình không dám khẳng định. Tuy nhiên mình có một vài con số như:

Trong năm 2022 mình nhận được 2 lời mời cộng tác từ 2 NXB và có một sản phẩm đã ra mắt là Truyện cổ tích tử tế. Bản thảo còn lại mình vừa bàn giao vào tháng 3/3023 và đang trong quá trình biên tập.

"Truyện cổ tích tử tế" bán hết 1000 bản trong 15 ngày pre-order và bán hết 2000 bản chỉ trong 4 tháng.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, mình tiếp tục nhận được 2 lời mời cộng tác viết sách thiếu nhi từ 2 NXB gạo cội, nhưng thôi, lúc nào sách được xuất bản thì mình khoe sau nhé. Profile của mình hiện tại đang có 24k followers và chủ yếu sản phẩm của mình sẽ phục vụ cho tệp cộng đồng này.

Duy trì sự sáng tạo (như tạo ảnh và video cho TikTok và Facebook…) theo yêu cầu của doanh nghiệp có khó không? Tại sao/ Tại sao không?

Theo mình, làm công việc sáng tạo sẽ không khó nếu mình được tự do và không phải làm dưới yêu cầu của người khác. Ví dụ như việc viết sách. Mình không gặp khó khăn với những bản thảo được khai thác dựa vào những vấn đề tệp khách hàng của mình đang gặp phải. Mình được thoải mái sáng tạo và tự tin với nó bởi mình được lựa chọn ngách mà mình mạnh, sử dụng giọng văn và cá tính của mình để đưa ra sản phẩm phục vụ khách hàng.

Tuy nhiên khi phải viết bản thảo theo đơn đặt hàng từ nhà xuất bản, mình thường khá lúng túng nếu phải viết theo chủ đề họ yêu cầu, ngay cả khi chủ đề đó thuộc lĩnh vực của mình. Bạn biết đấy! Lĩnh vực nào cũng chia nhánh thành các lĩnh vực nhỏ hơn. Riêng truyện thiếu nhi cũng đã có rất nhiều thể loại và văn phong khác nhau. Vì vậy, mình thấy việc đó khó khi làm theo “đơn đặt hàng”.

Bạn đã biết và đã sở hữu loại quyền sở hữu trí tuệ nào?

Trong lĩnh vực của mình thì mình có biết tới quyền tác giả, bản quyền nội dung, bản quyền hình ảnh nhân vật (đối với sách tranh), bản quyền thương hiệu. Với sản phẩm "Truyện cổ tích tử tế" mình đã đăng ký thương hiệu TCTTT, bản quyền nội dung và bản quyền nhân vật.

Là một tác giả sách,mình cũng cần tìm hiểu nhiều loại hình sở hữu trí tuệ khác nhau. Việc này vô cùng quan trọng để vừa bảo vệ tác phẩm của mình vừa tôn trọng tác phẩm của người khác. Các hình thức sở hữu trí tuệ chính mà mình quan tâm tìm hiểu là quyền tác giả, nhãn hiệu và quyền nhân thân.

Câu chuyện kinh doanh tài sản trí tuệ Việt Nam: Truyện cổ tích tử tế 1
Cuốn sách Truyện cổ tích tử tế của Alicia Vu (Ảnh: Lazada)

Quyền tác giả có liên quan nhất đến nghề nghiệp của mình bởi nó bảo vệ ý tưởng ban đầu trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật và các tác phẩm sáng tạo khác. Bằng cách giữ quyền tác giả đối với sách và nhân vật trong tác phẩm của mình, mình có thể ngăn việc sao chép, phân phối hoặc chuyển thể trái phép các câu chuyện và hình minh họa thuộc sở hữu của mình. Việc này đảm bảo rằng mình có thể duy trì quyền kiểm soát công việc và được chi trả xứng đáng.

Mặt khác, nhãn hiệu bảo vệ tên, logo và các biểu tượng đặc biệt khác liên quan đến nhãn hiệu hoặc sản phẩm. Mặc dù không liên quan trực tiếp đến nội dung sáchnhưng nhãn hiệu rất cần thiết để xây dựng và duy trì thương hiệu tác giả. Bằng cách đăng ký nhãn hiệu cho tên cá nhân hoặc tiêu đề bộ truyện, mình có thể ngăn người khác khai thác thành công của tên tuổi và khiến người đọc nhầm lẫn với các sản phẩm tương tự hoặc giả mạo.

Quyền nhân thân là một khía cạnh khác của sở hữu trí tuệ mà mình lưu tâm với tư cách là một tác giả. Những quyền này bảo vệ lợi ích cá nhân và danh tiếng của người sáng tạo, chẳng hạn như quyền được công nhận là tác giả của tác phẩm và quyền bảo toàn tính toàn vẹn của tác phẩm. Quyền nhân thân đảm bảo rằng những đóng góp của mình cho thế giới văn học thiếu nhi được tôn trọng và tầm nhìn nghệ thuật của mình được thừa nhận. Quan tâm đến sở hữu trí tuệ không chỉ bảo vệ những nỗ lực sáng tạo của riêng mình mà còn thúc đẩy văn hóa tôn trọng và đánh giá cao các tác phẩm của người khác.

Bạn sẽ thực hiện những bước cụ thể nào để bảo vệ sản phẩm của công ty mình nếu phát hiện vi phạm?

Khi truyện của mình được đăng trên nền tảng online, ngay lập tức đã có người bắt chước và thậm chí bê nguyên concept cũng như cách triển khai nội dung của mình. Ở thời điểm đó mình suy nghĩ rất đơn giản rằng khi đã đăng tải tác phẩm online thì đó là mặt trái mình phải chấp nhận.

Tuy nhiên, mình vẫn thấy không cam tâm lắm, việc cải biên truyện cổ tích là điều không hề mới, ai cũng có quyền làm điều đó. Nhưng cách kể chuyện, bố cục truyện, nội dung và cách chuyển tải thông điệp vẫn là của mình, của một mình mình. Mình không đồng ý khi người khác đạo nhái điều đó.

May mắn là mình đã sáng suốt tìm đến luật sư chuyên về SHTT để tham vấn. Kết quả là các tác phẩm của mình đã được đăng ký bảo hộ kịp thời để tránh những tranh chấp không đáng có sau này. Công việc sáng tạo cũng vì thế mà suôn sẻ hơn vì mình không còn phải lo lắng việc bị đạo nhái nữa, chỉ tập trung vào sáng tạo thôi. Mình nghĩ điều quan trọng là phải hỏi ý kiến luật sư sở hữu trí tuệ của bạn càng sớm càng tốt khi xuất hiện các bản sao hoặc khi có dấu hiệu rằng ai đó có thể ăn cắp các tác phẩm sáng tạo của bạn.

Bạn cần hành động ngay lập tức để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, ngăn chặn người khác việc tiếp tục sử dụng trái phép và ảnh hưởng tới công việc kinh doanh. Luật sư sở hữu trí tuệ có thể cung cấp lời khuyên chuyên môn về các bước pháp lý phù hợp cần thực hiện, giúp bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm và duy trì giá trị cho các cống hiến của bạn..

Việc đăng ký nhãn hiệu, bản quyền và tư vấn luật sư SHTT giúp ích cho bạn như thế nào trong việc mở rộng thị phần?

Một điều khiến mình cảm thấy rất may mắn đó là luôn có một luật sư theo sát sản phẩm này, hướng dẫn mình những bước đi cụ thể không chỉ về mặt luật pháp mà còn về thương mại hóa chất xám của mình. Nếu không có sự chỉ dẫn thường xuyên và có chuyên gia kề cận như vậy, có lẽ mình sẽ rất hoang mang và chán nản trước sự ồ ạt của “hàng nhái”. Việc bảo hộ tác phẩm chặt chẽ ngay từ khi mới hình thành, thậm chí trước khi nó được ra mắt, mang đến cho mình sự an tâm rất lớn để thực hiện tiếp những kế hoạch lớn hơn.

Luật sư sở hữu trí tuệ của mình đã, đang và sẽ tiếp tục đưa ra lời khuyên đáng giá trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp, đảm bảo các chiến lược phát triển kinh doanhcủa mình với những phương án khả thi và tiết kiệm nhất. Cách tiếp cận chủ động này có thể giúp duy trì tính toàn vẹn của thương hiệu, đồng thời mang lại cho mình lợi thế cạnh tranh.

Bạn có dự định như thế nào về hoạt động xuất động xuất bản và giáo dục trong năm 2023 này?

Dự định năm 2023 của mình là cho ra mắt một sản phẩm giáo dục tập trung vào việc nuôi dạy các bé gái trong bối cảnh xã hội hiện tại. Làm sao để cởi bỏ những xiềng xích tư tưởng khi nuôi dạy con gái mà không trở nên cực đoan hay sa đà sang nữ quyền độc hại. Các bé gái sẽ được tập trung nuôi dưỡng sức mạnh nội tại, sự tự tin, có chính kiến, dám khác biệt và dám là chính mình.

Bên cạnh đó, mình vẫn tiếp tục phát triển dòng sách thiếu nhi có cùng thông điệp trên, nhưng tất nhiên không chỉ dành cho bé gái. Các bé trai vẫn hoàn toàn phù hợp. "Truyện cổ tích tử tế" là một đầu sách trong dòng sách thiếu nhi mà mình phát triển thôi. Trong năm nay, mình cũng sẽ cho ra mắt tập 2 của "Truyện cổ tích tử tế".

Xin chân thành cảm ơn bạn!

*Thực hiện phỏng vấn: Trâm Nguyễn, công tác tại văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ IPCOM Việt Nam.