Cha đẻ Bphone: Việt Nam có thể tạo ra thương hiệu lấn thị phần của Apple, Samsung

Mạnh Linh - 16:48, 14/05/2019

TheLEADER“Những thương hiệu như Samsung, Apple mất dần thị phần tại Trung Quốc và thậm chí trên thị trường thế giới bởi sự chiếm lĩnh của các thương hiệu mới. Câu chuyện đó có thể làm lại ở Việt Nam”, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV khẳng định.

Tháng 1/2015, chiếc Bphone lần đầu tiên xuất hiện tại Hội chợ điện tử tiêu dùng quốc tế (CES 2015) tổ chức ở Las Vegas, gây bất ngờ với giới công nghệ trong nước khi chiếc điện thoại thông minh (smartphone) này được sử dụng trong việc điều khiển Smart Home.

Không chỉ vậy, Bphone còn gây ấn tượng với dòng chữ Designed by Bkav – Made in Vietnam như khẳng định vị thế của một sản phẩm thuần Việt.

Dự án Bphone được ông Nguyễn Tử Quảng – người từng được biết đến với chương trình diệt virus có tiếng BKAV khởi động từ tháng 9/2010 với sự tham gia của 200 nhân viên, thực hiện từ khâu thiết kế, hoàn thiện tới xây dựng các ứng dụng riêng dành cho smartphone này.

Sự chú ý ngày càng lớn hơn dành cho mẫu điện thoại mới này khi ông Quảng giới thiệu sản phẩm với những tuyên bố chấn động như “điện thoại đẹp nhất thế giới”, “đẹp hơn cả iPhone”.

Trong buổi ra mắt cuối tháng 5/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông Quảng còn gây ấn tượng cho rất nhiều người một thời gian dài sau đó với câu nói “Không thể tin nổi”.

"Thật tuyệt vời", "Thật không thể tin nổi" dường như là những cảm xúc tận đáy lòng phát ra từ sự kìm nén của người đàn ông ấy trong 6 năm, là sự tổng hợp của sự tự hào cá nhân và lớn hơn nữa là sự khẳng định người Việt Nam có thể tạo ra sản phẩm di động thuần Việt.

Sản phẩm rẽ ngang của một cái tên vốn chỉ có thế mạnh về phần mềm diệt virus đã tạo ra không ít ý kiến trái chiều lúc bấy giờ và thậm chí, cho đến tận bây giờ. Nhiều người cho rằng việc giới thiệu sản phẩm có phần hơi thái quá, mức giá cao so với một sản phẩm mới.

Sự thiếu lòng tin từ nhiều người đã khiến chàng trai Bách Khoa một thời rơi vào trầm cảm hai năm sau đó, trước khi ông có thể tìm ra cách giải quyết những trăn trở của mình.

Tuy nhiên, không ít người ủng hộ chiếc điện thoại Made in Vietnam, tin vào một sản phẩm công nghệ Việt có thể cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Nguyễn Tử Quảng BKAV: Khó khăn lớn nhất của Bphone là định kiến
Sự rẽ ngang của ông Quảng vào thị trường điện thoại thông minh tạo ra không ít sự nghi ngờ.

Tinh thần dân tộc, khát vọng về một sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam vẫn cháy rực trong người con của mảnh đất Ninh Bình khi ông Quảng xuất hiện tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam cách đây vài ngày.

Cầm trên tay chiếc điện thoại Made in Vietnam với gương mặt đầy hy vọng, Chủ tịch, CEO Tập đoàn Công nghệ BKAV chia sẻ về khó khăn của Bphone trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu lớn ngay trên thị trường nội địa.

“Cái khó khăn nhất chính là định kiến”, ông nhấn mạnh với TheLEADER.

Từ trước đến nay, người dùng sử dụng điện thoại của nước ngoài và rõ ràng, những chiếc điện thoại này có chất lượng tốt.

“Thế thì hiển nhiên mọi người sẽ thấy của nước ngoài là tốt trong khi Việt Nam chưa có truyền thống làm sản phẩm công nghệ nhất là điện thoại thông minh. Vậy thì chỉ cần nghe đến thôi là người ta đã thấy khó tin, khó tin là có thể làm được”.

Trước đó, ông cũng chia sẻ về định kiến cho rằng Việt Nam là nước chưa phát triển nên không thể cạnh tranh với các nước hàng đầu cũng như không thể theo kịp thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Quảng, trước tiên cần giải quyết định kiến này dù khó và sẽ mất thời gian, giống như việc nhân loại cần hơn 1000 năm để thay đổi định kiến con người coi Trái Đất là trung tâm của vũ trụ bằng học thuyết Mặt trời là trung tâm và Trái đất quay xung quanh.

Tuy nhiên, nếu như phá bỏ được định kiến thì sẽ rất tuyệt vời và “chúng ta có thể trở thành những người dẫn đầu”.

Ông Quảng lấy câu chuyện về thương hiệu của Trung Quốc là Huawei làm ví dụ để minh chứng cho tính khả quan trong sản phẩm của ông. Cách đây chỉ vài năm, không mấy ai biết đến cái tên Huawei nhưng hiện giờ, đây là thương hiệu đứng đầu Trung quốc khi làm chủ công nghệ, có được lợi thế tại thị trường nội địa.

Những thương hiệu như Samsung, Apple mất dần thị phần tại Trung Quốc và thậm chí trên thị trường thế giới, Huawei cũng dần tiến lên khi mới đây đã đánh bại Apple để giành vị trí á quân.

“Câu chuyện đó có thể làm lại ở Việt Nam. Các bạn sẽ thấy nó dịch chuyển từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản rồi Hàn Quốc, Trung Quốc và sẽ bao gồm cả Việt Nam”.

Khát vọng “Make in Vietnam”

Nói về chiếc điện thoại Bphone 3 thường trực trên tay, ông Quảng giới thiệu đó là dòng cao cấp, cấu hình tương đương với sản phẩm của Apple nhưng giá chỉ bằng một nửa.

“Cách làm giống hệt Samsung hay Apple và tất cả do đội ngũ kỹ sư của người Việt Nam làm”, ông chia sẻ. “Chúng tôi không có hàng tỉ USD, chúng tôi chỉ có tỉ tiền Việt nhưng chúng tôi có thể làm như vậy và nhiều doanh nghiệp khác cũng vậy”.

Nguyễn Tử Quảng BKAV: Khó khăn lớn nhất của Bphone là định kiến 1
Bên trong nhà máy sản xuất Bphone.

Ông khẳng định nguồn lực của người Việt Nam có thể làm tất cả những thứ tốt nhất như trên thế giới hiện nay nhưng vấn đề là cách tổ chức ra sao và quyết tâm như thế nào. “Tất cả phụ thuộc vào cái đầu của mình, suy nghĩ của mình có dám làm hay không”.

Ông Quảng cho rằng khẩu hiệu Make in Vietnam nhấn mạnh việc người Việt làm chủ công nghệ, không phải là để “tự sướng” mà là để dẫn đầu.

Trong công cuộc ấy, bản thân doanh nghiệp cần nỗ lực đầu tiên và chưa thể kỳ vọng nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước bởi Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển.

Tuy nhiên, CEO BKAV cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ cho khoảng 5 doanh nghiệp mũi nhọn, giống như ví dụ của Hàn Quốc đã từng làm, đủ để tạo nên vị thế đất nước như hiện nay.

Ông cũng nhấn mạnh trong lĩnh vực công nghệ, không phải chỉ những doanh nghiệp có vốn lớn mới có thể tạo đà phát triển.

“Những doanh nghiệp như Facebook bắt đầu từ một cậu sinh viên hay Google cũng là từ các bạn vừa tốt nghiệp đại học hay Microsoft của Bill Gate có từ khi còn sinh viên. Họ không có tiền nhiều nhưng vấn đề là họ có trí tuệ”.

Nhìn chiếc Bphone trên tay, ông Quảng trầm ngâm nhưng không thiếu phần hy vọng khi nói về sứ mệnh của chiếc điện thoại thông minh ấy.

“Chúng tôi làm ra một sản phẩm là chúng tôi nhận sứ mệnh tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất smartphone của Việt Nam và tạo ra động lực phát triển kinh tế cho Việt Nam. Chúng tôi bỏ rất nhiều tiền, đến 1000 tỉ đồng cho việc sản xuất smartphone rồi và chưa thu về một đồng lãi nào”.

Sự ra đời của chiếc điện thoại cộp mác Việt Nam không đơn giản chỉ xuất phát từ động lực kiếm tiền mà còn từ sứ mệnh cao cả mà chàng trai với khát vọng mơ những giấc mơ lớn vác trên vai.