Chậm giải ngân vốn đầu tư công đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế

An Chi - 17:52, 20/10/2017

TheLEADERChậm giải ngân vốn đầu tư công được xem như một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế năm 2017 nếu không có giải pháp kịp thời.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế

Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), mặc dù ngày 03/08/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vốn của khu vực này trong quý III/2017 vẫn chưa được cải thiện, khi chỉ đạt 159,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với quý III/2016 (5,7%) nhưng thấp hơn quý II/2017 (7,5%), .

Điều này phản ánh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2017 ước đạt 46,7% so kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội, thấp hơn so cùng kỳ năm 2016.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách nhận định, tình trạng này vừa tác động tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Cũng theo ông Thành, tốc độ giải ngân chậm như hiện nay sẽ làm giảm hiệu quả của giải pháp tăng đầu tư công trong gói giải pháp vừa ban hành của Chính phủ, gây ách tăng thanh khoản cho các nhà thầu trong khu vực tư nhân. Đây được xem như một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một cách hữu hiệu và thực chất, đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính, đặt thời hạn hoàn thành tiến độ phù hợp, ông Thành cho biết.

Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, tình trạng giải nhân vốn đầu tư công chậm trễ khiến nhiều công trình đầu tư cơ sở hạ tầng bị chậm tiến độ gây tăng chi phí, đội vốn dự án…, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng mức đầu tư, một mặt gây khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Chính vì vậy, giải ngân vốn đầu tư công từ nay cho đến cuối năm được coi là nhiệm vụ quyết liệt mà các bộ ngành địa phương cần phải thực hiện. Trên thực tế, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của năm 2017 đợt I rất sớm, nhưng những thống kê trên cho thấy tốc độ giải ngân vốn ngân sách vẫn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do giao vốn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà phức tạp.

Việc chậm triển khai đầu tư công sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công thường là đầu tư vào hạ tầng. Khi chậm đầu tư những lĩnh vực này, tác động lan tỏa để thu hút đầu tư tư nhân hoặc đầu tư ngoài ngân sách nhà nước bị giảm và chậm lại.

Loại bỏ những chủ đầu tư thiếu năng lực

Nhận định về nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, GS, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, mỗi bộ đều có các điều kiện tham gia, xét duyệt vốn đầu tư công. Như vậy là quá phức tạp. Khi phức tạp như vậy tất yếu sẽ khiến động lực phát triển giảm đi.

Cùng với đó, Luật đầu tư công còn lúng túng trong ban hành văn bản thực hiện, xây dựng hướng dẫn chưa rõ, văn bản hướng dẫn thẩm định phê duyệt thiết kế dự toán chưa hoàn thiện hoặc chưa phù hợp gây khó khăn cho triển khai giải ngân vốn. Phạm vi quyền hạn giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án chưa được cụ thể hóa bằng ban bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.

Do đó, giải pháp ngắn hạn hiện nay để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là Chính phủ phải khẩn trương rà soát lại từ cấp độ bộ ngành cho tới địa phương, những điểm ngẽn hiện nay trong quy trình trong thủ tục để gỡ nút thắt.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cần phải sửa đổi thêm những quy định đặc biệt trong cơ chế phân bổ nguồn lực để các bộ, các địa phương lựa chọn những dự án tốt nhất, hiệu quả nhất.

"Bên cạnh đó, theo tinh thần của Luật đầu tư công 2014, chúng ta đã có nghị định nhưng vẫn thiếu thông tư hướng dẫn. Luật đầu tư công có rất nhiều quy định mới siết chặt việc thực hiện vốn đầu tư công nên các bộ ngành cần khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể. 

Chính phủ cần phải rà soát lại những dự án này để dành nguồn lực cho những dự án cấp thiết hơn, hiệu quả hơn về mặt kinh tế - xã hội.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, đối với các nhà thầu yếu kém năng lực dẫn đến việc chậm trễ trong việc thực hiện tiến độ các dự án đầu tư mà kéo theo đó là chậm trễ trong giải ngân vốn thì phải có chế tài xử nghiêm, sẵn sàng loại bỏ và thay thế bằng nhà thầu có năng lực hơn.