Chỉ dẫn địa lý - công cụ hữu hiệu nâng cao giá trị sản phẩm

Hường Hoàng - 11:07, 05/06/2022

TheLEADERChỉ dẫn địa lý là những dấu hiệu được sử dụng đối với những hàng hoá có xuất xứ địa lý cụ thể. Chất lượng hoặc danh tiếng của những loại hàng hóa này có được là nhờ địa điểm xuất xứ.

Chỉ dẫn địa lý - công cụ hữu hiệu nâng cao giá trị sản phẩm
Một số chỉ dẫn địa lý nông sản ở Việt Nam (Ảnh: Chất lượng Việt)

Thông thường, chỉ dẫn địa lý sẽ có chứa tên địa điểm xuất xứ của hàng hoá. Chất lượng của những sản phẩm nông nghiệp điển hình thường được tạo ra bởi các yếu tố địa phương như khí hậu và đất đai. Một dấu hiệu có thể trở thành chỉ dẫn địa lý hay không sẽ phụ thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia và nhận thức của người tiêu dùng.

Những tên gọi như “Champagne", "Tequile", "Darjeeling", "Requefort", "Chianti", "Pilsen", "Porto", "Sheffield", hay "Havana" là đều là các ví dụ điển hình của những sản phẩm có những phẩm chất và chất lượng nhất định trên toàn thế giới. Đặc điểm chung của tất cả những tên gọi này đó là ý nghĩa địa lý của chúng, nghĩa là người nghe có thể biết rằng sản phẩm đó đến từ một vùng, thành phố, khu vực hay từ một đất nước nào. Tuy nhiên, khi nghe đến những tên gọi này, chúng ta thường nghĩ đến sản phẩm nhiều hơn là những địa điểm mà chúng chỉ dẫn.

Từ những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng chỉ dẫn địa lý có thể mang đến danh tiếng cho sản phẩm, và bản thân chúng cũng là những tài sản thương mại có giá trị. Do đó, chỉ dẫn địa lý thường dễ bị sử dụng trái phép, làm giả hoặc giả mạo. Chính vì vậy, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một nhu cầu thiết yếu ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.

Chỉ dẫn địa lý không chỉ được sử dụng cho những sản phẩm nông nghiệp. Người ta còn sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với những sản phẩm có chất lượng cụ thể gắn với các yếu tố về con người, chẳng hạn như kỹ năng của người lao động hoặc quy trình sản xuất truyền thống chỉ có ở một khu vực nhất định. Ví dụ, “Thụy Sĩ” là một chỉ dẫn địa lý được sử dụng rất phổ biến cho những sản phẩm được sản xuất tại Thuỵ Sỹ nói chung và đồng hồ nói riêng.

Tên gọi xuất xứ là một dạng đặc biệt của chỉ dẫn địa lý. Tên gọi xuất xứ được sử dụng trên những sản phẩm có chất lượng đặc biệt hoặc do môi trường địa lý mà sản phẩm đó được tạo ra. Khái niệm chỉ dẫn địa lý bao hàm cả tên gọi xuất xứ.

Chỉ dẫn địa lý chỉ ra địa điểm hoặc khu vực sản xuất có tính quyết định đến chất lượng đặc thù của sản phẩm, do chất lượng và danh tiếng của sản phẩm bắt nguồn từ khu vực sản xuất đó. Vì khu vực sản xuất ảnh hưởng đến các đặc tính của sản phẩm nên giữa sản phẩm và địa điểm sản xuất ban đầu luôn tồn tại mối “liên hệ” nhất định.

Sự khác nhau giữa chỉ dẫn địa lý và quy tắc xuất xứ

"Quy tắc xuất xứ" là những điều kiện được sử dụng để xác định nơi sản xuất của sản phẩm. Quy tắc xuất xứ là một bộ phận thiết yếu của những quy tắc thương mại do chính sách phân biệt đối xử giữa các nước xuất khẩu như: hạn ngạch, ưu đãi thuế quan, bán phá giá, nghĩa vụ đối kháng (được tính để chống lại trợ cấp xuất khẩu) và hơn thế nữa.

Quy tắc xuất xứ còn được sử dụng để thu thập số liệu thống kê thương mại và số nhãn "sản xuất tại ..." gắn trên sản phẩm. Hoạt động này ngày càng trở nên phức tạp hơn do quá trình toàn cầu hóa và thực tế các quy trình sản xuất sản phẩm ngày càng được thực hiện ở nhiều nước hơn trước khi được đưa ra thị trường.

Mặt khác, chỉ dẫn địa lý là những dấu hiệu được sử dụng trên hàng hóa có xuất xứ địa lý cụ thể, trong đó chất lượng và uy tín sản phẩm được tạo nên nhờ khu vực địa lý đó. Chỉ có những sản phẩm đáp ứng được các điều kiện nêu trên và đã được đăng ký làm chỉ dẫn địa lý mới có thể mang những dấu hiệu đó. Phần lớn chỉ dẫn địa lý chứa tên gọi địa danh xuất xứ của hàng hoá.

Sự khác biệt giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu

Nhãn hiệu được doanh nghiệp sử dụng để phân biệt hàng hoá và dịch vụ của mình với những hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cấm nguời khác sử dụng nhãn hiệu đó. Chỉ dẫn địa lý chỉ ra cho người tiêu dùng biết được hàng hoá được sản xuất ở một khu vực cụ thể và có những đặc tính nhất định là nhờ khu vực sàn xuất đó. Tất cả những nhà sản xuất ở khu vực được chỉ dẫn địa lý với chất lượng sản phẩm tương đồng đều có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý đó.

Tại sao cần bảo hộ chỉ dẫn địa lý?

Người tiêu dùng cho rằng chỉ đẫn địa lý chỉ ra xuất xứ và chất lượng của hàng hoá. Nếu không được bảo hộ đầy đủ, nhiều chỉ dẫn địa lý danh tiếng và giá trị có thể bị sử dụng trái phép bởi những đối tác thương mại không trung thực.

Việc các bên thứ ba sử dụng sai trái chỉ dẫn địa lý sẽ gây hại cho người tiêu dùng và những nhà sản xuất hợp pháp. Khi đó, người tiêu dùng sẽ bị lừa dối và họ tin rằng mình đã mua được hàng thật với những đặc tính và chất lượng nhất định trong khi thực tế họ đã mua phải một món hàng giả vô giá trị. Cùng với đó, các nhà sản xuất hợp pháp sẽ chịu thiệt hại do bị tước đi những cơ hội kinh doanh có giá trị, đồng thời uy tín sản phẩm của họ cũng sẽ bị tổn hại.

Cách thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo pháp luật quốc gia và hàng loạt những quy định khác, chẳng hạn như pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hoặc pháp luật đặc biệt về bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ.

Điều cốt lõi của những quy định này đó là bên thứ ba không được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý để tránh việc công chúng có thể bị lừa dối về xuất xứ thật của hàng hoá. Pháp luật có nhiều chế tài để bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ lệnh cấm sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý của tòa án, những quy định về việc bồi thường thiệt hại đến việc nộp phạt hoặc phạt tù trong những trường hợp nghiêm trọng.

Trên phạm vi quốc tế, một số hiệp định do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý quy định về việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong số đó, Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883 và Thoả ước Lisbon về bảo hộ tên gọi xuất xứ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ là những quy định đáng chú ý. Ngoài ra, những điều từ 22 đến 24 của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) cũng giải quyết về vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở phạm vi quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế Giới (WTO).

Chỉ dẫn địa lý đã trờ thành tên gọi "chung"

Khi thuật ngữ địa lý được sử dụng để chỉ một loại sản phẩm mà không phải là chỉ dẫn về nơi xuất xứ của sản phẩm thì thuật ngữ này không còn có chức năng làm chỉ dẫn địa lý nữa. Nếu tình huống này xảy ra tại một quốc gia trong một thời hạn nhất định thì quốc gia đó có thể công nhận rằng người tiêu dùng có thể sử dụng thuật ngữ địa lý chỉ nơi xuất xứ của sản phẩm để chỉ một loại sản phẩm mà không cần biết đến nơi sản xuất của sản phẩm đó.