Quốc tế
Chiến tranh thương mại: Cơ hội hiếm có nhưng khó nuốt với Việt Nam
Giữa bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn còn bế tắc, Việt Nam tiếp tục nổi lên là thị trường đạt được nhiều lợi ích nhưng đó không phải là món quà “từ trên trời rơi xuống”.
Dòng dịch chuyển kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam
Ông Lê Duy Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuân Hòa cho biết một lượng lớn khách quốc tế đã đến nhà máy tại ngoại thành Hà Nội thời gian qua. Nhiều khách hàng của Xuân Hòa, bao gồm cả hãng sản xuất nội thất của Thụy Điển là Ikea đã chuyển hướng một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Bloomberg đưa tin.
Ít nhất 10 khách hàng mới tiềm năng từ nước ngoài đã đến Xuân Hòa chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay. Doanh số bán hàng của doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ tăng ít nhất gấp đôi trong vòng 5 năm tới.
“Chiến tranh thương mại chắc chắn đang mang đến thêm nhiều công việc kinh doanh. Ngày càng nhiều doanh nghiệp liên lạc để chuyển đổi từ hàng Trung Quốc sang hàng của chúng tôi”, Bloomberg dẫn lời.
Tại hội thảo xúc tiến đầu tư “Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án liên kết USAID cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho biết 35% công ty Mỹ tại Trung Quốc được AmCham phỏng vấn trong năm 2018 đã hoặc dự định rời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.
Điều tra UBS của Bloomberg hồi tháng 2 vừa qua thậm chí còn cho thấy mức độ cao hơn với 62% doanh nghiệp Mỹ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã, đang hoặc xem xét việc dời cơ sở sản xuất ra khỏi Bắc Kinh.
Ông Ron Ashkin cho biết một số lĩnh vực có động cơ di chuyển nhiều hơn các lĩnh vực khác và tỷ lệ bị ảnh hưởng bởi thuế cũng khác nhau. 90,6% lĩnh vực Thiết bị điện tử và 88,4% lĩnh vực điện tử và máy tính bị ảnh hưởng – hai khu vực có lượng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cho thấy cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt từ chiến tranh thương mại.
Chiến tranh thương mại như một cú huých kéo nhiều doanh nghiệp tới Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh.
Theo Bloomberg, hai nhà cung cấp của Apple là GoerTek của Trung Quốc và tập đoàn Đài Loan Hon Hai Precision Industry (hay còn được biết đến là Foxconn) cũng như một số đối thủ khác đã di chuyển sang Việt Nam giữa căng thẳng thương mại.
Nhà cung cấp đồ gia dụng của Mỹ Haverty Furniture cũng đang tăng cường sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này do áp lực thuế quan.
Địa điểm đầu tư hấp dẫn
Sức hấp dẫn của Việt Nam được nhận định đến từ mức chi phí thấp. Lương lao động tại Việt Nam hiện chỉ chưa bằng một nửa so với lao động của Trung Quốc và giá điện tại đây cũng rẻ hơn nhờ vào chính sách trợ cấp từ Chính phủ.
Lương nhân công tại Việt Nam hiện nay rẻ hơn một chút so với Ấn Độ, Philippines và rẻ hơn nhiều so với Malaysia hay Thái Lan năm 2017, phân tích theo số liệu được đưa ra tại hội thảo xúc tiến đầu tư “Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.
Vị trí địa lý sở hữu biên giới với Trung Quốc giúp việc vận chuyển nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện để phục vụ cho công việc sản xuất thuận lợi và rẻ hơn.
Sự xuất hiện của căng thẳng thương mại càng làm rõ và đẩy nhanh xu thế không ngừng phát triển ở Việt Nam kể từ khi mở cửa và hiện đại hóa kinh tế những năm 1980. Việt Nam hiện đang trở thành một trong những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại thế giới với hàng loạt các hiệp định thương mại.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không ngừng gia tăng trong nhiều năm qua và thực sự khởi sắc khi năm 2014, gã khổng lồ của Hàn Quốc Samsung Electronics thông báo kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI quý I/2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ kể từ năm 2016.
Năm 2017, Việt Nam chiếm tới 1/5 tổng số vốn FDI vào khu vực ASEAN (trừ Singapore), theo dữ liệu của Maybank Kim Eng Research.
Việt Nam đã có những bước tiến dài trong chỉ số khảo sát điều kiện kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cũng như tính cạnh tranh theo tính toán của World Economic Forum. Bên cạnh đó, Việt Nam xếp thứ 60 về chỉ số đổi mới của Bloomberg.
Nỗ lực để tận dụng lợi ích lớn
Dù vậy, Việt Nam được cho vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến môi trường kinh doanh như cải thiện, mở rộng cơ sở hạ tầng và đảm bảo sản xuất đi lên trong chuỗi giá trị.
Theo ông Ron Ashkin, mặc dù Việt Nam có lợi thế về tiền lương thấp, năng suất lao động tại đây cũng thấp, dưới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Campuchia.
“Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 của Singapore, 1/16 của Malaysia và bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc”, ông cho biết. Nếu năng suất bằng 1/3 cùng giá thành 1/3 đồng nghĩa với việc Việt Nam có cùng mức giá thành lao động với Trung Quốc.
Không chỉ vậy, lao động chỉ là một trong nhiều yếu tố sản xuất. Xét tổng thể, việc Việt Nam có chi phí sản xuất thấp hơn Trung Quốc là điều chưa chắc chắn khi doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí thị trường khác (nguyên vật liệu, chi phí vốn, vận chuyển và logistic, thuế, phí cả chính thức và không chính thức).
Hiện chỉ có khoảng 21% DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn nhiều của Thái Lan (trên 30%) và Malaysia (46%).
Ông Ron Ashkin nhấn mạnh mức độ nội địa hóa ở Việt Nam còn thấp khi tỷ lệ nhập khẩu đầu vào so với giá trị sản phẩm phần lớn trên ngưỡng 50%.
Chỉ tính riêng mức nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam cũng đang đi sau rất nhiều địa điểm đầu tư khác. Nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đạt hơn 33% năm 2017, chưa bằng một nửa con số 67,3% của Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều Thái Lan (56,8%) hay Đài Loan (55,4%).
“Chỉ khi nội địa hóa tăng đến chuẩn quốc tế, Việt Nam mới có thể thu được đầy đủ các lợi ích của FDI hiện nay và xuất khẩu mới phát triển”, ông Ron Ashkin nhấn mạnh.
Trao đổi với TheLEADER trước đó, GS.TS Bùi Xuân Tùng, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh cấp cao tại Việt Nam, Đại học Hawaii (Chương trình VEMBA) cho rằng chiến lược của Nhà nước là làm sao giúp đỡ những khu vực gặp khó khăn và hỗ trợ những khu vực đang tăng trưởng.
“Chúng ta cần nhìn hướng về tương lai, do đó những ngành nào, khu vực nào có tiềm năng thì nên hỗ trợ phát triển, lợi dụng nguồn FDI. Ngược lại, cần bỏ qua những khu vực được đánh giá không nên duy trì nữa vì không có tương lai cạnh tranh”.
Tại hội thảo, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) khuyến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu lựa chọn sản phẩm dự kiến cung ứng phù hợp năng lực cạnh tranh của Việt Nam, có sự phù hợp/cam kết với định hướng của các công ty đầu chuỗi.
Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cung ứng trong nước theo từng giai đoạn, ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài và nội địa vào sản xuất cũng như hỗ trợ chuyển giao sang các doanh nghiệp nội địa được lựa chọn.
Chiến tranh thương mại là cơ hội để sửa lại mô hình kinh doanh với Trung Quốc
Doanh nghiệp Việt khó vào được chuỗi cung ứng toàn cầu do thiếu năng lực quản trị
Theo các chuyên gia quốc tế thuộc Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp Việt Nam (SDP), thiếu năng lực quản trị, quản lý từ xây dựng chiến lược dài hạn cho đến kế hoạch cụ thể triển khai công việc là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp Việt khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Làm sao để đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng lớn?
Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu, nhưng trong nhiều năm qua, thị trường tiêu thụ luôn là một rào cản lớn với nông sản Việt Nam. Do vậy tìm và mở rộng tiêu thụ nông sản đang là bài toán không chỉ người nông dân, doanh nghiệp mà cả Chính phủ cũng rất quan tâm tìm lời giải.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.