Chính sách thuế hiệu quả trước thuế suất tối thiểu toàn cầu

Phạm Sơn - 09:03, 26/04/2023

TheLEADERViệt Nam cần sớm áp dụng cơ chế thuế suất bổ sung tối thiểu nội địa (QDMTT) để đảm bảo giành quyền đánh thuế, không thu thừa thuế của doanh nghiệp khi thế giới triển khai thực hiện chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Hội nhập hóa hệ thống thuế

Cơ chế thuế suất bổ sung tối thiểu nội địa (QDMTT) là cơ chế nội luật hóa tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu tương đương với các quy định về thuế suất tối thiểu nội địa toàn cầu theo trụ cột 2 của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng.

Nói cách khác, nếu thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng thấp hơn so với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, phần thuế chênh lệch có thể được quốc gia tiếp nhận đầu tư thu bổ sung thông qua cơ chế QDMTT. Hiện tại, OECD đã cung cấp các công thức và hướng dẫn áp dụng, dễ dàng cho cả doanh nghiệp và nhà nước khi thực hiện QDMTT.

Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, QDMTT là cơ chế tối ưu nhằm vừa giữ được quyền đánh thuế cho Việt Nam, vừa đảm bảo không thu thừa thuế cao hơn mức sàn 15% theo cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, các chi phí tuân thủ, chi phí sản xuất cũng được tiết kiệm bởi có sự đồng nhất với các chi nhánh khác của doanh nghiệp trên thế giới.

Thực tế, nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới đang nghiên cứu áp dụng QDMTT, ví dụ như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hồng Kông… Ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cần áp dụng QDMTT để vừa thực thi hiệu quả chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, vừa đưa hệ thống thuế hội nhập hóa theo chuẩn quốc tế.

Việt Nam cần áp dụng QDMTT để vừa thực thi hiệu quả chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, vừa đưa hệ thống thuế hội nhập hóa theo chuẩn quốc tế.
Ông Bùi Ngọc Tuấn
Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam

Cùng quan điểm về sự cần thiết áp dụng QDMTT, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách để áp dụng QDMTT khó có thể kịp thời hạn 1/1/2024, là thời hạn nhiều quốc gia bắt đầu đưa chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu vào áp dụng.

Vì vậy, ông Hiển đề nghị cần chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, ngay trước mắt cần có một nghị quyết thí điểm về việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu. Nghị quyết sẽ nhìn nhận tổng thể các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế cũng như cấu trúc quản lý vốn FDI tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2 mới tiến hành sửa đổi các luật cũng như các văn bản liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Hoàng Thùy Dương, Trưởng bộ phận tư vấn thuế, KPMG Việt Nam, cũng nhìn nhận cần phải có nghị quyết từ Quốc hội. Nhắc lại điểm b, khoản 2, điều 15, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định “Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”, ông Dương khẳng định, hoàn toàn có căn cứ pháp lý để Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm về thuế suất tối thiểu toàn cầu cũng như áp dụng QDMTT.

Điều chỉnh ưu đãi phù hợp

Thuế suất tối thiểu tối thiểu toàn cầu là một thành tựu lịch sử, phản ánh nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu về một hệ thống thuế công bằng
Carolyn Turk
Giám đốc quốc gia WB Việt Nam

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) Việt Nam, nhận xét, thuế suất tối thiểu tối thiểu toàn cầu là một thành tựu lịch sử, phản ánh nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu về một hệ thống thuế công bằng. Chính sách này tạo ra thách thức nhưng cũng tiềm ẩn cơ hội cho Việt Nam.

Tận dụng cơ hội này, theo bà Carolyn Turk, Việt Nam có thể xem xét lại một cách toàn diện, tiếp cận quan điểm tổng thể hơn về thu hút FDI đối với đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là về chính sách ưu đãi thuế.

Trao đổi với Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đại diện các cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu và doanh nghiệp FDI đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI trực tiếp hoặc gián tiếp, phù hợp với thông lệ quốc tế và không gây ra tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Trong khi doanh nghiệp đề xuất về những gói hỗ trợ bằng tiền mặt, một số chuyên gia đưa ra giải pháp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở công nhân, nghiên cứu phát triển…

Bà Nguyễn Vân Chi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nhìn nhận, hệ thống ưu đãi đầu tư của Việt Nam cần được rà soát và đánh giá tổng thể để có những điều chỉnh, cải cách phù hợp. Trên cơ sở đó, các biện pháp thu hút đầu tư hậu thuế suất tổi thiểu toàn cầu sẽ được cân nhắc ban hành, có thể là tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả; ưu đãi cho doanh nghiệp lớn tạo nhiều tác động…