Cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng kể từ năm 2024 có thể khiến Việt Nam đánh mất lợi thế ưu đãi thuế trong thu hút FDI, tuy nhiên cũng là cơ hội để thay đổi chiến lược tiếp cận và thu hút FDI chất lượng cao.
Với cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng vào năm 2024, doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (khoảng hơn 815 triệu USD) và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu sẽ phải áp mức thuế suất tối thiểu 15% trên lợi nhuận. Nếu thuế thu nhập doanh nghiệp các quốc gia tiếp nhận đầu tư dưới mức 15%, phần thuế chênh lệch sẽ được doanh nghiệp đóng về cho nước đầu tư.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho biết, trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã sử dụng công cụ ưu đãi thuế, phí để thu hút FDI, cụ thể là chính sách “miễn 4 giảm 9” (miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm), ưu đãi thuế cho 23 lĩnh vực, trong đó có 7 lĩnh vực được ưu đãi đặc biệt.
Ước tính, thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế mà doanh nghiệp FDI phải đóng ở Việt Nam trung bình là 12,3%, trong đó có một số tập đoàn lớn chỉ phải đóng thuế ở mức dưới 6%. Như vậy, nếu không có thay đổi gì về chính sách, Việt Nam sẽ đánh mất quyền thu một lượng lớn thuế thu nhập doanh nghiệp.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng đưa ra nhận định Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài thông qua ưu đãi và hỗ trợ, trong đó ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng. Do đó, việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tác động lớn đến hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Cụ thể, khi doanh nghiệp FDI không còn được hưởng lợi từ ưu đãi thuế, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn. Ông Lịch nhìn nhận, Việt Nam cần sớm có giải pháp ứng phó với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu cũng như tìm kiếm biện pháp mới để thu hút vốn FDI.
Trong nguy có cơ
Biện pháp thu hút FDI bằng ưu đãi thuế được không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới áp dụng, thậm chí áp dụng triệt để đến mức tạo ra những “thiên đường thuế” cho doanh nghiệp như Hồng Kông, Macao, Qatar, Bahamas, Luxembourg…
Tại khu vực ASEAN, ưu đãi thuế trong nhiều năm qua đã trở thành vũ khí quan trọng trên chiến trường cạnh tranh thu hút đầu tư, được giới chuyên gia gọi là “cuộc đua xuống đáy”. Trong bối cảnh Covid-19 và biến động địa chính trị, “cuộc đua xuống đáy” là một phần nguyên nhân gây ra thâm hụt tài khóa ở các nước ASEAN, từ đó góp phần làm giảm mức chi cho hàng hóa công.
Chi phí cho biện pháp ưu đãi thuế là rất lớn bởi cắt giảm trực tiếp phần thu ngân sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Trong khi đó, đối tượng hưởng lợi lại là nhóm doanh nghiệp FDI vốn có nhiều tiềm lực về nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm thị trường…, còn doanh nghiệp trong nước không nhận được lợi ích đáng kể.
Nhận xét về biện pháp thu hút FDI, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cho biết, ưu đãi thuế, phí không quan trọng bằng chất lượng của môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó, cần nâng cao năng lực của nền kinh tế thông qua phát triển hạ tầng, tăng cường tính minh bạch…
Ông Hiếu nhìn nhận, như vậy, tuy thuế suất tối thiểu toàn cầu là thách thức nhưng lại đem đến cơ hội lớn để Việt Nam quyết tâm cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây cũng là biện pháp để Việt Nam thu hút được FDI chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nhận xét, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế. Thay vào đó, cần những chính sách thu hút đầu tư bằng nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đều đồng tình rằng, Việt Nam cần áp dụng cơ chế thuế suất tối thiểu nội địa (QDMTT) để giành được quyền đánh thuế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận phương pháp tính toán thuế được OECD hướng dẫn, từ đó vận hành hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả theo chuẩn quốc tế.
Nếu không kịp thời có giải pháp ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ phải đối diện với gánh nặng thuế, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh.
Nếu Việt Nam không có hành động kịp thời, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không chỉ gây ảnh hưởng tới thu hút vốn FDI mà còn làm mất đi quyền đánh thuế, thiệt hại về lợi ích.
Các lãnh đạo doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho rằng, chìa khóa quan trọng nhất để Việt Nam đẩy mạnh quá trình số hoá, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững nằm ở việc thay đổi tư duy của các bên liên quan.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.