Chờ đón những thương vụ M&A bom tấn trong năm 2022

Trần Anh - 15:13, 17/02/2022

TheLEADERVới triển vọng dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, các thương vụ M&A, mua bán cổ phần chiến lược hay cổ phần hóa DNNN dự báo sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong năm nay.

Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong năm 2021 Việt Nam có khoảng 500 thương vụ M&A với tổng giá trị tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2020. Bước sang năm 2022, với triển vọng dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, việc di chuyển trở lại bình thường, các kế hoạch M&A, mua bán cổ phần chiến lược và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dự báo sẽ được tiếp tục và thậm chí còn được đẩy nhanh.

Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam (MBKE) tin rằng các hoạt động M&A sẽ giúp Việt Nam phục hồi trong 5 năm tới, phản ánh tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng, dẫn dắt bởi các đặc điểm nhân khẩu hấp dẫn và vị thế tăng lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Còn CMAC Institute trong một báo cáo gần đây dự báo giá trị các giao dịch M&A tại Việt Nam có thể phục hồi lên 7 tỷ USD trong năm 2022, gấp đôi giá trị năm 2020 và 2021.

Các động lực thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong 5 năm sắp tới phải kể đến thị trường tiêu thụ lớn và đang mở rộng, phản ánh tiềm năng tăng trưởng các ngành chủ chốt như bán lẻ, F&B, dịch vụ tài chính, bất động sản, vận tải, y tế và giáo dục.

Cùng với đó, nhu cầu vốn và chuyên môn của các công ty trong nước trong giai đoạn đang phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam đã qua giai đoạn hoàn thiện nền tảng (2000-2010) và giai đoạn tái cấu trúc (2011-2018). Hiện tại, Việt Nam đang củng cố nền tảng kinh doanh và phát triển chiến lược phát triển rõ ràng hơn cho chu kỳ tiếp theo. 

Nhu cầu về vốn và chuyên môn, đặc biệt trong việc xây dựng mạng lưới và kỹ thuật số hoá được chú trọng. Điều này mở ra các cơ hội M&A trong các ngành như bán lẻ, dịch vụ tài chính, công nghiệp và vận tải.

Hoạt động M&A cũng được thúc đẩy nhờ quá trình đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Hiện tại đang có 93 doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch IPO và 209 doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch thoái vốn, bao gồm những doanh nghiệp lớn trong ngành ngân hàng, viễn thông, bán lẻ, dịch vụ, và vận tải.

Quá trình cổ phần hoá đang bị trì trệ đáng kể trong giai đoạn 2018 đến nửa đầu 2021, do nhiều yếu tố, trong đó có tác động đáng kể từ dịch Covid-19. MBKE hy vọng khi dịch Covid-19 được đẩy lùi vào năm 2022, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các rào cản pháp lý để đẩy nhanh bước cuối quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu chính nhằm tăng hiệu suất toàn bộ kinh tế .

Việc đẩy nhanh tiến độ và thành công hoàn thành quá trình M&A, IPO, thoái vốn và kế hoạch cổ phần hoá sẽ thành công cải thiện định giá các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến thúc đẩy nhu cầu và tái định giá các doanh nghiệp này

Những thương vụ điển hình trong năm 2021 giúp định giá lại các doanh nghiệp mạnh mẽ có thể kể đến VPBank với thương vụ bán cổ phần tại FE Credit, hay Masan Group bán cổ phần The CrownX cho Alibaba.

Trong năm 2022, MBKE nhận thấy kỳ vọng tốt với các thương vụ có thể diễn ra tại các doanh nghiệp lớn. Trong nhóm tài chính, có thể kể đến kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược của VPBank, Martime Bank, Vietcombank, BIDV.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, những công ty đầu ngành cũng có kế hoạch thoái vốn, IPO các tài sản vàng của mình như Masan với The CrownX, Thế Giới Di Động với Bách hóa Xanh, Vingroup với Vinfast hay Techcombank với TCBS.

Riêng lĩnh vực bất động sản, các giao dịch quy mô lớn liên tục diễn ra với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết có kế hoạch lên sàn và có thể chào đón thêm các cổ đông chiến lược mới. Có thể kể đến Ecopark, Đại Quang Minh, Hưng Thịnh Land...

Với hoạt động cổ phần hóa, trong năm 2022, nhà nước cũng có kế hoạch thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp đầu ngành như FPT, Tập đoàn Bảo Việt hay Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)…