Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang quá chậm

Phạm Sơn - 18:04, 15/10/2021

TheLEADERTheo ông Brendan Edgerton, Giám đốc Chương trình kinh tế tuần hoàn, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD), hiện nay chỉ có 8,6% nguyên vật liệu trên toàn thế giới được lưu hành trong các chuỗi giá trị tuần hoàn, ít hơn so với mức 9,1% được ghi nhận vào năm 2019.

Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang quá chậm
Ông Brendan Edgerton, Giám đốc Chương trình kinh tế tuần hoàn, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới.

Thế giới ngày càng “ít tuần hoàn”?

Thế giới ngày càng phát triển khiến nhu cầu tiêu dùng của con người cũng ngày càng tăng cao. Nếu vào năm 1970, trung bình mỗi người sử dụng khoảng 7,4 tấn tài nguyên mỗi năm thì con số đã tăng lên đến 12,2 tấn mỗi người vào năm 2017.

Tiêu dùng tài nguyên tăng nhanh hơn so với tốc độ gia tăng của hiệu suất sử dụng tài nguyên là tác nhân chính gây ra những hệ lụy về môi trường. Theo ông Brendan Edgerton, Giám đốc Chương trình kinh tế tuần hoàn thuộc WBCSD, việc khai thác, xử lý nguyên vật liệu chịu trách nhiệm cho 90% hiện tượng giảm đa dạng sinh học; 90% tác động tiêu cực tới nguồn nước; 50% lượng khí thải nhà kính và 33% vấn đề ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Với tốc độ tăng trưởng trong nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu như hiện nay, ước tính của WBCSD, đến năm 2060, lượng tài nguyên thiên nhiên được sử dụng sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015.

Trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn và đang dần cạn kiệt, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững (VBCSD) nhận định, nhu cầu của con người “phải cần đến 4 hành tinh như Trái Đất mới đáp ứng được”.

Mô hình kinh tế tuần hoàn được xem như giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề này, với việc giúp tài nguyên được sử dụng triệt để và tồn tại trong chuỗi giá trị lâu nhất có thể, thay vì thải bỏ ra môi trường.

“Tính cấp bách của mô hình kinh tế tuần hoàn là rất lớn, bởi mô hình này không chỉ tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải mà còn gắn liền với nhiều mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi như chống biến đổi khí hậu, bảo tồn và phục hồi thiên nhiên, tạo ra giá trị kinh tế mới”, ông Edgerton nhận xét.

Tuy nhiên, ông Edgerton cho biết, hiện nay chỉ có khoảng 8,6% nguyên vật liệu đang được tuần hoàn trong các chuỗi giá trị, một con số quá thấp để ngăn chặn những tác động tiêu cực của việc tiêu thụ quá mức và đáng ngạc nhiên là còn thấp hơn cả mức 9,1% được ghi nhận vào năm 2019.

Đây là minh chứng rõ nét cho thấy dù được khuyến khích, thúc đẩy bởi truyền thông, chính sách từ các nhà nước hay nguồn tài chính từ nhiều quỹ đầu tư nhưng quá trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn vẫn còn quá chậm, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn nữa, sáng tạo và thực tiễn hơn nữa của các bên liên quan.

5 giái pháp cho kinh tế tuần hoàn

Theo dõi và nghiên cứu hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn, ông Edgerton đúc kết lại 5 giải pháp phổ biến và hiệu quả nhất.

Giải pháp đầu tiên đi sâu vào việc thay thế, sử dụng những nguyên vật liệu đầu vào chất lượng, an toàn và thân thiện với môi trường. Giái pháp thứ hai là thay đổi thiết kế của sản phẩm sao cho vòng đời được kéo dài tối đa.

Giái pháp thứ ba tập trung vào việc nâng cao giá trị và tăng mức độ sử dụng của sản phẩm, làm sao để sản phẩm phát huy được hiệu quả cao nhất, tạo ra nhiều giá trị nhất trong vòng đời. 3 giải pháp này nhằm mục đích hạn chế lượng rác thải phát sinh ra môi trường.

Giải pháp thứ tư là phục hồi nguyên vật liệu, hướng tới đưa sản phẩm sau khi thải bỏ quay trở lại làm đầu vào cho sản xuất mới, tạo ra giá trị mới. Giải pháp cuối cùng là ứng dụng công nghệ để tăng cường chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm tái chế, nguyên vật liệu thứ cấp.

Theo đại diện WBCSD, doanh nghiệp có thể áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp nhiều giải pháp phù hợp nhất với sản phẩm của mình. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi phải được diễn ra một cách đồng bộ và bài bản, từ khâu thiết kế cho tới công đoạn bán hàng và chăm sóc sau bán hàng.

Tài chính là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi thực hiện sự chuyển đổi, tuy nhiên ông Edgerton cho biết, về lâu dài, các khoản đầu tư cho kinh tế tuần hoàn sẽ sinh lời tốt.

“Khi áp dụng kinh tế tuần hoàn, dòng tiền sẽ thay đổi nhưng có một điều chắc chắn là dòng tiền sẽ tăng lên trong tương lai”, lãnh đạo kinh tế tuần hoàn của WBCSD nhấn mạnh.