Chuyên gia chỉ cách phát huy tối đa vai trò thị trường vốn

Minh Khôi - 08:58, 23/02/2022

TheLEADERSau nhiều kết quả tích cực giữa bối cảnh khó khăn vì Covid-19, thị trường vốn Việt Nam đứng trước nhiều thách thức cần giải quyết trong những năm tới để có thể phát huy hết vai trò.

Thị trường vốn là nơi “đãi cát tìm vàng”

Trao đổi tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2021, Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven, Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn VBF, tin rằng thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Theo đó, Chính phủ có thể quản lý nguồn thu và chi của ngân sách nhà nước thông qua thị trường trái phiếu chính phủ. Đây là công cụ tài chính để Chính phủ huy động nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng và giải quyết các nhu cầu ngân sách khác.

Hơn thế nữa, trái phiếu nhính phủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập các chính sách tiền tệ và là cơ sở cho lãi suất phi rủi ro – vốn là một yếu tố nền tảng trong việc quản lý chi phí vốn trên toàn quốc.

Trong khi đó, các ngân hàng đang cần kiểm soát việc sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi) để cho vay trung – dài hạn (chủ yếu là khoản vay cho doanh nghiệp, hộ gia đình), và buộc phải hạn chế tăng trưởng tín dụng. Do đó, thị trường vốn sẽ là kênh huy động các khoản vay thay thế cho các ngân hàng thương mại.

Đối với khối kinh tế tư nhân, thị trường vốn là nguồn tài chính chủ lực cho sự phát triển của công ty, là kênh giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận các đối tác chiến lược thông qua các giao dịch, đồng thời tìm ra mức định giá phù hợp cho doanh nghiệp, bao gồm cả việc nâng cao vị thế thương mại.

Ngoài ra, ông Dominic Scriven đánh giá thị trường vốn là một kênh sàng lọc – nơi có thể “đãi cát tìm vàng” để tìm ra các doanh nghiệp tốt, và loại bỏ đi các doanh nghiệp yếu kém.

Thông qua việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, các công ty sẽ xây dựng được cơ chế để giữ chân nhân tài và lập kế hoạch kế nhiệm, phát triển thương hiệu và triển khai việc mua bán sáp nhập.

“Minh chứng cho vai trò của thị trường vốn với sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân chính là sự gia tăng gấp 10 lần số lượng công ty có định giá trên 1 tỷ USD trong 10 năm qua”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, thị trường vốn giúp xác định giá trị doanh nghiệp nhờ cơ chế xử lý và đánh giá thông tin liên tục, cũng như thúc đẩy tính minh bạch trong quản lý doanh nghiệp thông qua quy định về công bố thông tin và lợi ích của người có liên quan.

Chủ tịch Dragon Capital cho biết thêm thị trường vốn còn là sản phẩm tiết kiệm và đầu tư dài hạn cho các cá nhân trong nước thông qua quỹ hưu trí hay các hình thức khác, giúp giảm gánh nặng an sinh xã hội.

Việt Nam cũng có thể dựa vào các công cụ của thị trường vốn để tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển bền vững và định giá việc phát thải carbon, tiến tới thực hiện cam kết đầy tham vọng như đã đưa ra tại COP26.

Làm gì để phát huy tối đa vai trò của thị trường vốn?

Theo Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn VBF, thị trường vốn sẽ phát huy hết tiềm năng nhờ các yếu tố sau.

Thứ nhất là sự hợp tác chặt chẽ và liên thông giữa các cơ quan ban ngành. Mỗi cơ quan đều có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và phát triển thị trường vốn, và ông luôn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ ngày càng nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng hoàn thiện, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

Theo đó, Việt Nam có hệ thống pháp luật vững chắc nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm, để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật áp dụng cho thị trường nợ, thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, cần triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán hiệu quả và đáng tin cậy, xây dựng cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm, thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và trên hết là nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý.

Thứ ba là bảo vệ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Ông Dominic Scriven nhấn mạnh sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư, và điều này chỉ được gây dựng thông qua nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.

Điều này càng cần chú ý tại Việt Nam khi thị trường có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân.

Thứ tư là thể chế hoá và đa dạng hoá đối tượng tham gia thị trường vốn.

Giống như bất kỳ hệ sinh thái nào, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ nhờ sự đa dạng của các đối tượng tham gia, bao gồm các định chế lớn, nâng cao mức độ quan tâm của họ và mở rộng các giao dịch mà họ có thể thực hiện.

Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay còn bị giới hạn, khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân.

“Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác”, ông Dominic Scriven khuyến nghị.

Thứ năm là tiếp cận quốc tế. Mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được.

“Giải quyết tất cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu chúng ta nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả ấn tượng hơn so với tình hình hiện tại. Trước mắt, chúng ta nên đẩy nhanh việc biến TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hồng Kông và Singapore”, ông khuyến nghị.

Thứ sáu là vấn đề Môi trường, Xã hội, Quản trị doanh nghiệp (ESG) và khí hậu. Để thực hiện những tuyên bố của Việt Nam tại COP26 về các chủ đề phá rừng, than và không phát thải khí carbon, thị trường vốn có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ và khuyến khích sự phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt là ban hành quy định pháp luật và tạo động lực cho sự tham gia của các doanh nghiệp.

Thứ bảy, đổi mới nhờ hỗ trợ và khuyến khích phù hợp để phát triển mảng công nghệ tài chính (fintech), và tạo ra cơ chế hỗ trợ vốn khởi nghiệp.

Thứ tám là quản trị rủi ro.

Các nhà hoạch định chính sách nên nhận thức rõ việc quản trị các rủi ro trong và ngoài biên giới Việt Nam, bao gồm sự gia tăng tổng dư nợ quốc gia của hầu hết các nền kinh tế toàn cầu, sự tồn tại của lãi suất âm, lạm phát gia tăng và bất bình đẳng thu nhập, chưa có kế hoạch chuyển tiếp để giảm phát thải carbon, và biến động giá năng lượng toàn cầu, dân số già và nhu cầu chăm sóc an sinh xã hội ngày càng tăng.