Coca-Cola: Công thức bí mật được lưu giữ trong hơn một thế kỷ
Hường Hoàng
Thứ hai, 27/06/2022 - 10:58
Coca-Cola là một trong những hãng nước ngọt có ga có giá trị lớn nhất trên thế giới. Và công cuộc bảo vệ công thức bí mật của loại đồ uống này cũng hết sức li kỳ. Vụ án về việc đánh cắp bí mật thương mại của Coca-Cola là một trong những vụ việc nổi tiếng nhất về xâm phạm sở hữu trí tuệ trên thế giới.
Theo bảng xếp hạng Forbes, với giá trị thương hiệu trị giá 64,6 tỷ đô la, Coca-Cola là thương hiệu có giá trị đứng thứ 6 trên thế giới vào năm 2020. Đây là một trong những thương hiệu nước giải khát có ga bán chạy nhất trên thế giới. Còn theo Companiesmarketcap, tính đến ngày 24 tháng 6 năm 2022, vốn hóa thị trường của Coca-Cola là 273,28 tỷ đô la, đứng thứ 30 trên thế giới.
Công thức của Coca-cola được một người đàn ông tên là John Pemberton sáng tạo ra vào cuối thế kỷ 19. Ông là một nhà sáng chế thuốc, đồng thời là một người nghiện morphin, chính vì vậy trong thành phần ban đầu của Coca-cola có chất cocaine (có trong ma túy).
Nhưng Coca-Cola chỉ thực sự thống trị ngành đồ uống thế giới khi doanh nhân Asa Griggs Candler tiếp quản loại đồ uống này và sử dụng những chiến thuật tiếp thị mới lạ và sáng tạo để tiếp cận thị trường. Với chiến lược kinh doanh của ông, Coca-Cola đã trở thành thương hiệu đồ uống lớn nhất thế kỷ 20 và hơn thế nữa.
Với công thức của loại nước giải khát đặc biệt sảng khoái này, Coca-cola đã trở thành doanh nghiệp có giá trị hàng tỷ đô la. Toàn bộ hoạt động kinh doanh của Coca-Cola đều tập trung vào công thức độc đáo này của hãng.
Vì vậy, Coca-Cola đã rất nỗ lực trong việc giữ bí mật về công thức này. Cho đến nay, công thức của Coca-Cola là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất trong thế giới kinh doanh.
Thay vì sử dụng văn bằng độc quyền sáng chế để bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình, Coca-Cola đã chọn coi công thức của hãng như một loại bí mật thương mại để bảo vệ lợi thế của mình so với các đối thủ cạnh tranh khác. Và ý tưởng tuyệt vời này đã đem đến cho công ty một vận may theo cách rất ít người có thể đoán biết được vào thời điểm đó.
Phạm vi của bí mật thương mại rộng hơn nhiều so với phạm vi của bằng sáng chế. Để được cấp bằng độc quyền sáng chế, doanh nghiệp sẽ phải nộp đơn và trải qua quá trình thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền, trong khi đó khi bất kỳ thông tin nào có lợi cho doanh nghiệp và chưa được công chúng biết đến thì đều có thể được bảo vệ dưới dạng bí mật kinh doanh. Và mặc dù điều 39 của Hiệp định TRIPS 1995 đã có những quy định về việc bảo hộ bí mật thương mại, luật pháp vẫn có nhũng quy định chặt chẽ hơn trong việc bảo hộ độc quyền sáng chế.
Không giống như việc bảo hộ độc quyền sáng chế, doanh nghiệp không cần phải nộp đơn cho bất kỳ văn phòng chính phủ nào để giữ bí mật thương mại. Tuy nhiên, trong trường hợp này, doanh nghiệp vẫn phải tuân theo một số thủ tục nhất định. Doanh nghiệp phải duy trì và nỗ lực đủ để giữ bí mật kinh doanh. Một trong những thủ tục thông thường trong số đó là doanh nghiệp cần phải thực hiện những thỏa thuận không tiết lộ với nhân viên về bí mật thương mại đó.
Coca-Cola đã nỗ lực rất nhiều trong việc giữ bí mật về công thức loại độ uống này. Có tin đồn rằng chỉ có hai giám đốc điều hành của Coca-Cola biết công thức bí mật của loại nước giải khát nhưng mỗi người chỉ biết một nửa và họ không bao giờ được phép đi cùng một máy bay. Mặc dù Coca-Cola không tiết lộ số người biết công thức bí mật của họ nhưng với số lượng sản phẩm mà họ làm ra, chưa chắc chỉ có hai người biết được về bí mật này.
Ban đầu, công thức của Coca-Cola chỉ được lưu hành trong một nhóm nhỏ và không bao giờ được viết ra. Chỉ đến khi doanh nhân Ernest Woodruff và một nhóm các nhà đầu tư mua lại công ty từ Candler và gia đình ông vào năm 1919, Woodruff mới yêu cầu con trai của Candler viết ra công thức để ông có thể sử dụng công thức này để làm tài sản thế chấp cho một khoản vay.
Công thức này đã được đặt trong két sắt bảo mật của Ngân hàng Bảo lãnh ở New York cho đến khi khoản vay được hoàn trả. Sau đó, vào năm 1925, Coca-Cola đã đặt công thức bí mật của mình trong két sắt bảo mật của Ngân hàng SunTrust. Và vào tháng 12 năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập, chiếc két sắt chứa công thức bí mật của hãng đã được chuyển đến World of Coca-Cola tại Atlanta để công chúng có thể được chiêm ngưỡng trong một cuộc triển lãm của công ty.
Lí do Coca-Cola không xin cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế đó là: nếu công thức của hãng được cấp văn bằng độc quyền sáng chế, độc quyền sáng chế này chỉ được bảo hộ trong vòng 17 năm theo Đạo luật Bằng sáng chế năm 1836 theo Bộ luật 35 Hoa Kỳ và chỉ được gia hạn đến 20 năm theo Hiệp định vòng đàm phán Uruguay (năm 1995) về việc khiến cho thỏa thuận TRIPs trở nên phù hợp hơn.
Nhưng nếu bảo vệ công thức bí mật dưới dạng bí mật thương mại, Coca-Cola có thể lưu giữ công thức này vĩnh viễn. Ngoài ra, trong trường hợp muốn được bảo hộ công thức bằng độc quyền sáng chế, Coca-Cola bắt buộc phải mô tả chi tiết về sáng chế. Vì vậy, Coca-Cola sẽ buộc phải tiết lộ công thức bí mật của mình. Và sau khi hết thời hạn bảo hộ, bất kỳ công ty nào khác cũng có thể sử dụng công thức này để sản xuất đồ uống và bán trên thị trường.
Do đó, với dự đoán rằng công ty sẽ có nhu cầu sử dụng công thức này vĩnh viễn, Coca-Cola đã giữ công thức này dưới dạng bí mật thương mại để phục vụ tốt nhất cho mục đích của họ. Công thức của Coca-Cola là trong những một bí mật thương mại lớn trong hơn một thế kỷ qua và hiện là một trong những bí mật thương mại được giữ kín tốt nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, để giữ bí mật này, Coca-Cola cũng đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Năm 1977, Coca-Cola quyết định ngừng sản xuất sản phẩm tại Ấn Độ khi nước này ra Đạo luật Quy định Ngoại hối Ấn Độ (FERA) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải tiết lộ công thức và hợp tác với một công ty Ấn Độ trong quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Và sau 17 năm dài vắng bóng, doanh nghiệp này mới quay trở lại thị trường này khi Ấn Độ quyết định thay đổi chính sách thương mại của mình.
Tuy vậy, vụ lùm xùm lớn nhất liên quan đến bí mật thương mại của Coca-Cola đó là vào năm 2006, khi một số nhân viên của Coca-Cola đã cố gắng bán công thức bí mật này cho công ty đối thủ - PepsiCo.
May mắn thay, PepsiCo đã ngay lập tức thông báo cho Coca-Cola và FBI về hành vi vi phạm này. PepsiCo đã nhận được một lá thư từ một người có tên là 'Drik' trong một phong bì thư có in nhãn hiệu của Coca-Cola. Drik cho biết anh ta đang nắm trong tay những thông tin rất chi tiết và bí mật về một sản phẩm mới của Coca-Cola và sẵn sàng trao cho PepsiCo bí mật đó. Sau khi điều tra, FBI đã bắt giữ ba người liên quan đến việc tiết lộ bí mật thương mại. Trong vụ án, ba nhân viên của Coca-Cola gồm Ibrahim Dimson , Edmund Duhaney và Joya Williams đã bị bắt và bị buộc tội trong vụ việc này.
Một video giám sát đã đưa ra những bằng chứng cho thấy Williams đã cố gắng tìm kiếm thông tin mật, và đồng thời cô cũng bị bắt quả tang khi đang bỏ mẫu sản phẩm đang phát triển của Coca-Cola vào trong túi. Joya Williams đã phải nhận án tù 8 năm, trong khi đó Ibrahim Dimson phải nhận án tù 5 năm. Và bị cáo thứ ba, Edmund Duhaney đã bị kết án hai năm tù vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Coca-Cola và bán chúng cho công ty đối thủ PepsiCo Inc.
Sau vụ việc, trong một bản ghi nhớ với các nhân viên của công ty, ông Neville Isdell, Giám đốc điều hành của Coca-Cola, cho biết: “Mặc dù chúng ta khó mà chấp nhận được sự vi phạm lòng tin lần này. Nhưng sự việc này đã nhấn mạnh rằng mỗi chúng ta cần phải có trách nhiệm cảnh giác trong việc bảo vệ bí mật thương mại của doanh nghiệp mình. Thông tin chính là mạch máu của công ty.”
Vì vậy, khi uống một ly Coca-Cola, chúng ta không chỉ đơn giản là đang tận hưởng hương vị sảng khoái của một loại nước ngọt nổi tiếng thế giới, mà còn đang chiêm ngưỡng một trong những bí mật mang tính huyết mạch đã được doanh nghiệp này bảo vệ trong hơn một thế kỷ qua.
Để thành công, các nhà xuất khẩu phải đánh giá thị trường thông qua các nghiên cứu thị trường. Các nhà xuất khẩu tham gia nghiên cứu thị trường nhằm tìm hiểu các cơ hội tiếp thị và những khó khăn ở từng thị trường nước ngoài, cũng như để nhận biết người mua và khách hàng tiềm năng. Và các cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ có thể đóng vai trò lớn trong hoạt động này.
Kiểm toán sở hữu trí tuệ mang đến cho doanh nghiệp cái nhìn rõ ràng về tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp sở hữu. Từ đó, doanh nghiệp có thể xác định được những cơ hội mới và tiềm năng cho các sản phẩm mới.
Kế hoạch kinh doanh là cơ chế nhằm đảm bảo rằng các nguồn lực hoặc tài sản của một doanh nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả thông qua các hoạt động để phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Và sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất tích cực đến hoạt động lên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Liên doanh được coi là một biện pháp hữu hiệu và cần thiết để thâm nhập vào thị trường mới. Ở những thị trường hạn chế về đầu tư từ bên ngoài thì liên doanh có thể là cách duy nhất để tiếp cận thị trường. Khi tham gia liên doanh, vị trí của các thành viên tham gia thường được thể hiện rất rõ ràng thông qua tỷ lệ góp vốn.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.
Được xướng tên trong “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024” là minh chứng cho cam kết hiện thực hóa mục tiêu ESG, hướng tới tương lai bền vững của Alphanam.
Khu công nghiệp sinh thái có mục đích cao nhất là nâng cao hiệu suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đem lại tác động tích cực cho môi trường, xã hội.