Tại sao cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ khi lập kế hoạch kinh doanh?
Hường Hoàng
Thứ tư, 22/06/2022 - 10:45
Kế hoạch kinh doanh là cơ chế nhằm đảm bảo rằng các nguồn lực hoặc tài sản của một doanh nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả thông qua các hoạt động để phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Và sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất tích cực đến hoạt động lên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với doanh nghiệp đang thành lập, kế hoạch kinh doanh tạo ra một chiến lược tổng thể để đạt được thành công, trong khi đối với doanh nghiệp đang hoạt động thì kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp biết hiện tại mình đang ở đâu, làm thế nào để doanh nghiệp định hướng cho chính mình và làm thế nào để đạt được các mục tiêu để đạt và/hoặc duy trì được sự thành công.
Mặc dù để xây dựng một kế hoạch kinh doanh tốt sẽ tốn rất nhiều công sức nhưng lợi ích mà nó mang lại sẽ xứng đáng để doanh nghiệp dành thời gian và công sức để làm. Một kế hoạch kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp kiểm tra được tính khả thi của ý tưởng kinh doanh hoặc kế hoạch xuất khẩu.
Kế hoạch kinh doanh buộc doanh nghiệp phải suy nghĩ đến tất cả các vấn đề quan trọng. Ví dụ như nhu cầu tiềm năng của khách hàng dành cho sản phẩm hoặc dịch vụ, bản chất của cạnh tranh, rào cản thâm nhập thị trường, lợi điểm bán hàng độc nhất (ưu thế bền vững của một thương hiệu hay sản phẩm được xác định với mục đích tạo sự khác biệt rõ rệt, khiến khách hàng quyết định chọn thương hiệu/sản phẩm này thay vì thương hiệu/sản phẩm khác) của sản phẩm và dịch vụ mới hoặc những sản phẩm, dịch vụ đã được nâng cấp; những nguồn lực cần thiết, các nhân viên giỏi, các công nghệ có liên quan và đối tác chiến lược, thu hút nguồn vốn, chi phí cho các dự án mới, chiến lược tiếp thị và các vấn đề tương tự.
Một kế hoạch kinh doanh tốt cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ và nguồn tài chính để khởi nghiệp. Các nhà đầu tư và cho vay tiềm năng yêu cầu một kế hoạch kinh doanh được chuẩn bị tốt và có tính khả thi. Nhưng không phải lúc nào kế hoạch kinh doanh cũng đáp ứng được các yêu cầu như vậy, do đó, có tới 80% kế hoạch kinh doanh bị các nhà đầu tư và các vườn ươm doanh nghiệp (một công ty, một tổ chức trợ giúp những người muốn lập doanh nghiệp, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp phát triển) từ chối.
Kế hoạch kinh doanh cũng giúp cung cấp các định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Kế hoạch kinh doanh là một tài liệu tham khảo cung cấp cho nhân viên và đội ngũ quản lý của của doanh nghiệp các mục tiêu cơ bản nhằm xem xét liệu doanh nghiệp có đang đi đúng hướng hay không để đạt được các mục tiêu trong thời hạn đã định với nguồn lực sẵn có.
Kế hoạch kinh doanh giúp doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn hoặc các điểm chuẩn để đánh giá các quyết định hoặc kết quả kinh doanh trong tương lai, trong đó những tiêu chuẩn hoặc điểm chuẩn này có thể được phát triển đồng thời cùng với doanh nghiệp. Kế hoạch kinh doanh là một tài liệu linh hoạt, có thể được sửa đổi dựa trên những hoàn cảnh mới.
Kế hoạch kinh doanh quốc tế
Để xây dựng được một kế hoạch kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp cần có một kế hoạch và cam kết cẩn trọng. Đối với bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào thì quyết định liên quan đến xuất khẩu phải được coi là sự đầu tư kinh doanh dài hạn thay vì mục tiêu ngắn hạn.
Trước khi cam kết tham gia các thỏa thuận kinh doanh quốc tế, việc phát triển kế hoạch kinh doanh quốc tế là yếu tố quan trọng để chuẩn bị sự sẵn sàng cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm. Một kế hoạch kinh doanh được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp cho doanh nghiệp đánh giá được tiềm năng của sản phẩm trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nguồn vốn và giúp doanh nghiệp xác định được liệu sản phẩm đó bán ra có thị trường hay không và chi phí để xuất khẩu sản phẩm là bao nhiêu.
Tại sao sở hữu trí tuệ quan trọng trong việc lập kế hoạch kinh doanh?
Tri thức gốc, tri thức mới và những hình thức thể hiện ý tưởng sáng tạo là động lực cho sự thành công của các doanh nghiệp trong thế kỷ 21. Do đó, việc bảo vệ những tri thức và hình thức thể hiện sáng tạo khỏi bị bộc lộ vô ý và khỏi bị các đối thủ cạnh tranh sử dụng trái phép ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong việc phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Việc thành lập doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều loại nguồn lực khác nhau, bao gồm hệ thống các mối quan hệ và nguồn tài chính. Hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ cung cấp một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tránh xa những đối thủ không trung thực; xây dựng mối quan hệ với nhân viên, các nhà tư vấn, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, các đối tác kinh doanh và khách hàng; và giúp doanh nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư.
Để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp cần phải có một kế hoạch kinh doanh có chất lượng, thể hiện được triển vọng trong kinh doanh. Để thuyết phục các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chỉ ra rằng thị trường có nhu cầu lớn đối với sản phẩm mà họ đang cung cấp; sản phẩm phải có chất lượng vượt trội hơn so với các sản phẩm cạnh tranh (nếu có); doanh nghiệp đã áp dụng đầy đủ những biện pháp để ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh không trung thực “chiếm đoạt” thành quả sáng tạo của họ.
Hầu hết các nhà kinh doanh đều cho rằng sản phẩm họ cung cấp sáng tạo, độc đáo hoặc vượt trội so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, sự thật có đúng là như vậy? Nếu tin là như vậy, doanh nghiệp cần phải chứng minh được sự sáng tạo, độc đáo đó. Và nếu doanh nghiệp đang nắm trong tay những sáng chế (hoặc kết quả tra cứu sáng chế tin cậy), thì đây có thể là bằng chứng tốt nhất về tính mới trong sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Tên thương mại, nhãn hiệu và tên miền có thể là những yếu tố quan trọng giúp khách hàng phân biệt sản phẩm của một doanh nghiệp với những sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp phải lựa chọn kỹ càng những cái tên và các bước thực hiện đăng ký những tên gọi đó phải được đề cập trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, những nhà cung cấp dịch vụ khởi nghiệp (start-up) và các nhà đầu tư muốn bảo đảm rằng những sản phẩm mà doanh nghiệp bán sẽ không được sản xuất, kinh doanh dựa trên những bí mật thương mại, tài liệu được bảo hộ quyền tác giả, sáng chế hoặc các quyền sở hữu trí tuệ khác của các công ty khác nếu chưa được những doanh nghiệp đó cho phép, vì điều này có thể làm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên tồi tệ do những vụ kiện tụng tốn kém.
Đối với các lĩnh vực công nghệ cao, nguy cơ khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba là rất cao. Các nhà cung cấp dịch vụ khởi nghiệp và các nhà đầu tư có thể sẽ không sẵn lòng chấp nhận những rủi ro đó trừ khi doanh nghiệp có thể chứng minh được rằng không có những rủi ro như vậy khi đầu tư vào doanh nghiệp đó (ví dụ, thông qua tra cứu sáng chế hoặc nhãn hiệu).
Nhiều nhà xuất khẩu tin rằng bằng cách nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp ở nước sở tại là họ sẽ tự động nhận được sự bảo hộ trên toàn thế giới. Nhưng rõ ràng, đây là một hiểu lầm lớn.
Mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ của các nước đã có sự hài hoà đáng kể nhưng vẫn còn những điểm khác biệt đáng kể trong việc vận hành hệ thống sở hữu trí tuệ mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi kinh doanh quốc tế.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thường chỉ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đã quá muộn, nghĩa là khi họ đối mặt với việc các công ty làm hàng giả, hàng nhái sản phẩm của họ hoặc khi họ bị cáo buộc xâm phạm quyền của người khác.
Ở nước ta, sở hữu trí tuệ đang trở thành một chủ đề được rất nhiều thành phần trong xã hội quan tâm. Và trong quá trình hội nhập và phát triển, doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu và rộng vào các hiệp định kinh tế thế giới.
Không phải ai cũng biết rằng, một sản phẩm có thể có nhiều quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để có thể tận dụng được quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả nhất?
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.