Cởi bỏ chiếc áo chật cho Phú Quốc

Phương Linh - 10:27, 24/09/2020

TheLEADERĐảo Ngọc đứng trước cơ hội lớn khi trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước.

Cởi bỏ chiếc áo chật cho Phú Quốc
Diện mạo mới của phía Nam đảo Phú Quốc

Chiếc áo cũ đã quá chật

Việt Nam có hơn 3.260km đường bờ biển cùng với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ nhưng đến nay mới chỉ có 12 huyện đảo và chưa có thành phố biển đảo. 

Trong đó, Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất với diện tích khoảng 589km2, tương đương với diện tích của quốc đảo Singapore. Những năm gần đây, huyện đảo này đã trở thành một trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng rất phát triển, nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Theo UBND huyện Phú Quốc, trong giai đoạn 2010 – 2019, huyện đảo đạt tốc độ tăng trưởng GDP lên tới trên 38%/năm, cao gấp 6 lần mức bình quân chung của cả nước. Lĩnh vực du lịch - dịch vụ chiếm tới 70% GDP với 70% dân số trên đảo đang làm việc chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ du lịch và các ngành nghề liên quan.

Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng lượt du khách và doanh thu từ du lịch của Phú Quốc khoảng 20 - 30% mỗi năm. Nếu như năm 2010, lượng du khách khiêm tốn ở con số khoảng 300.000 lượt thì đến năm 2019, đã tăng lên mức kỉ lục hơn 4 triệu lượt, trong đó có hơn 600 nghìn lượt khách quốc tế, mang về doanh thu du lịch trên 5.700 tỉ đồng, chiếm trên 90% tổng doanh thu du lịch toàn tỉnh Kiên Giang.

Tính đến tháng 6/2020, Phú Quốc đã thu hút 321 dự án của các nhà đầu tư, với 340.000 tỷ đồng vốn đăng ký, phần lớn là các dự án du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí. 

Sự phát triển mạnh mẽ của Phú Quốc cho thấy tiềm năng lớn của huyện đảo này và hứa hẹn trong tương lai nơi đây sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng và giải trí tầm cỡ thế giới. Song, vấn đề lớn đối với Phú Quốc hiện nay đang trở thành lực cản sự phát triển của địa phương này là bộ máy hành chính địa phương vẫn là chính quyền cấp huyện, nông thôn, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu quản lý.

Theo đó, huyện Phú Quốc có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm hai thị trấn là Dương Đông, An Thới và tám xã là Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Hòn Thơm và Thổ Châu. 

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho hay trên báo Tuổi trẻ rằng, do sự phát triển mạnh mẽ của Phú Quốc trong thời gian gần đây, số lượng, khối lượng công việc của cán bộ địa phương hiện nay quá nhiều, đặc biệt ở những lĩnh vực như an ninh, trật tự xã hội; quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên - môi trường, đầu tư, xây dựng, du lịch, dịch vụ. 

Phú Quốc đang rất thiếu nhân sự trong bộ máy hành chính công, nhất là cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Trừ lãnh đạo huyện, các phòng, ban chuyên môn của huyện chỉ có 1 trưởng phòng và 1 - 2 phó trưởng phòng, biên chế cán bộ phòng nào cao nhất cũng khoảng 11-12 người. Chỉ văn phòng UBND huyện và phòng tài chính có hơn 10 người, còn lại đều dưới 10 người. Chính điều này đã gây áp lực công việc rất lớn đối với cán bộ và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. 

Chính vì bộ máy "quá tải", nên từ nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn phải cử cán bộ "tăng cường" cho đảo Phú Quốc trên mọi lĩnh vực từ quản lý đất đai, an ninh - trật tự cho tới bảo vệ rừng.

Trước thực trạng này, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc giải quyết các bất cập trong bộ máy hành chính hiện tại, phát huy tốt hơn tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Mới đây, tỉnh Kiên Giang đã trình Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở là huyện đảo Phú Quốc cùng với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ. Nếu được thông qua, đây sẽ là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, mở ra cơ hội rất lớn đối với sự phát triển của huyện đảo này.

Thực tế, từ năm 2004, tỉnh Kiên Giang đã có định hướng phát triển đảo Phú Quốc là thành phố trực thuộc tỉnh, đồng thời định hướng xây dựng Phú Quốc trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là cú hích lớn cho sự phát triển của huyện đảo này.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc đưa Phú Quốc trở thành đặc khu vẫn chưa được thực hiện. Các ý kiến cho rằng, việc hoàn thành đề án Đặc khu Phú Quốc sẽ còn rất lâu, vì liên quan nhiều đến cơ chế chính sách và pháp luật, tất cả đều rất phức tạp và phải có lộ trình.

Trong khi đó, mô hình chính quyền nông thôn của Phú Quốc hiện tại được ví như “chiếc áo đã quá chật”, không đáp ứng được sự phát triển của địa phương. Thay vì thụ động “ngồi chờ” có mô hình đặc khu phải mất nhiều năm để hoàn thành đề án này, khả năng thành lập thành phố Phú Quốc sẽ nhanh hơn nhiều, vì cơ bản huyện đảo này đã đủ điều kiện. 

Theo đó, hiện Phú Quốc đã đạt trên 100% tiêu chí của Bộ Xây dựng về đô thị loại 2 thuộc đô thị biển đảo. Trong đó, nhiều tiêu chí quan trọng như hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đều đạt, như tiêu chí về chức năng đô thị, mật độ dân cư (hiện trên 101.000 dân), tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, số hộ dân sử dụng điện. Đến thời điểm này, điều kiện và thời cơ để Phú Quốc trở thành một thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang đã chín muồi.

Đáng chú ý, mới đây Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc về đề án thành lập TP Phú Quốc. Đây là bước tiếp theo sau khi huyện đảo Phú Quốc hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri để chuẩn bị triển khai những công việc nhằm sớm đưa "đảo ngọc" lên vị thế mới, đáp ứng đúng mục tiêu "xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á" theo Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Muộn còn hơn không

Theo đề án, thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên là 589km2, quy mô dân số là 179.480 người với chín đơn vị hành chính cấp xã, gồm hai phường (Dương Đông, An Thới) và bảy xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu). 

Với đề án thành lập thành phố Phú Quốc, xã Hòn Thơm sẽ được nhập vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới. Việc xắp xếp đơn vị hành chính cấp xã này nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, phù hợp với thực tế phát triển, đảm bảo bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Phân khu đô thị Dương Đông rộng 2.519ha được xác định là đô thị trung tâm của đảo Phú Quốc. Dự kiến đến năm 2030 đô thị Dương Đông sẽ có dân số 240.000 người, trong đó dân di cư từ đất liền ra khoảng 183.000 người, khách du lịch lưu trú khoảng 12.000 người.

Đô thị Dương Đông được quy hoạch phát triển với ý tưởng là đô thị năng động và ấn tượng. Nơi đây sẽ tạo ra cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của toàn đảo. Điểm nhấn quan trọng nhất của đô thị Dương Đông sẽ là đại lộ mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Con đường này sẽ là trục Đông - Tây có điểm đầu là trung tâm hành chính và quảng trường. Đại lộ Võ Văn Kiệt trong tương lai còn là chuỗi cung cấp dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng tạo ra những giá trị mới nhờ vào sự khôi phục dọc sông Dương Đông và mạng lưới du lịch kết nối hài hòa các yếu tố tự nhiên - đô thị - du lịch.

Toàn bộ đô thị Dương Đông sẽ được chia thành 6 phân khu đặc trưng là: Khu vực trung tâm đô thị rộng 467,4ha, khu vực cửa ngõ ven hồ Dương Đông rộng 387ha, khu vực ven biển Tây Bắc rộng 522,2ha, khu vực ven biển Tây Nam rộng 400,1ha, khu vực ven biển Đông Bắc rộng 513,4ha và khu vực ven biển Đông Nam rộng 228,8ha.

Còn phân khu đô thị An Thới rộng 1.022ha được định hướng trở thành đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật và trung tâm tiếp vận phi thuế quan, đồng thời là trung tâm thương mại, du lịch. Ngoài ra còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Dự báo đến năm 2030, đô thị An Thới sẽ có trên 70 ngàn dân.

Đô thị An Thới cũng được chia thành 6 phân khu chức năng gồm: cảng hành khách, khu đô thị mới phía Nam với nhiều dự án hỗn hợp dọc trục chính Nam - Bắc đảo, khu đô thị mới phía Bắc, khu resort dạng trải nghiệm phức hợp, khu cảng vận tải hàng hóa và khu quy hoạch phát triển hiện hữu.

Đô thị An Thới sẽ bố trí điểm nhấn tại ba nút giao thông của các đường trục chính, tạo ra cảnh quan mang đặc trưng riêng. Tại đây cũng sẽ bố trí khu bãi tắm công cộng, dịch vụ du lịch cộng đồng.

Cũng theo tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc phát huy tốt hơn tiềm năng và lợi thế sẵn có. Phú Quốc đang từng bước trở thành thành phố đảo với chức năng chính là trung tâm du lịch - thương mại - công nghệ cao.

Đồng thời việc thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang phù hợp với quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế địa chính trị, địa kinh tế của huyện Phú Quốc.

Nhận định về cơ hội phát triển của Phú Quốc khi lên thành phố, ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản đặc khu cho rằng, hiện nay Phú Quốc được tổ chức hình thức chính quyền cấp huyện trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Mô hình quản lý chính quyền nông thôn này không thể đáp ứng nhu cầu phát triển cao về mọi mặt của Đảo Ngọc.

Đặc biệt, Phú Quốc đã thu hút và cấp phép hàng trăm dự án đầu tư nên khối lượng công việc quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, tình trạng người dân bao chiếm, tái chiếm đất dự án của doanh nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp do lực lượng cán bộ giám sảt mỏng, nhân sự thiếu.

Qua đó có thể thấy xây dựng đề án thành lập thành phố Phú Quốc là chủ trương đúng đắn, kịp thời để chuyển mô hình quản lý từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị. Đây cũng là nguyện vọng của nhân dân huyện đảo Phú Quốc khi có trên 96% cử tri trên địa bàn huyện đã đồng ý với đề án này.

Đồng quan điểm, Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Alpha Real, cho rằng, bên cạnh bộ máy hành chính cấp huyện không đáp ứng được nhu cầu phát triển, một trong những vướng mắc rất lớn đối với hoạt động đầu tư tại Phú Quốc hiện nay là hệ thống hạ tầng còn nhiều hạn chế, không theo kịp sự phát triển nên đang gây khó khăn rất lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp đến Phú Quốc đã bỏ ra rất nhiều tiền của để đầu tư dự án nhưng cơ sở hạ tầng tại địa phương này còn hạn chế khiến hiệu quả đầu tư không cao. Mặt khác, điều này cũng khiến lượng khách du lịch không được như kỳ vọng, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của Phú Quốc.

Một vấn đề bất cập khác tại Phú Quốc được vị lãnh đạo doanh nghiệp này chỉ ra là vấn đề quy hoạch. Thời gian vừa qua, nhiều dự án, công trình xây dựng tại Phú Quốc đã xây dựng sai phép, gây phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến cảnh quan của Đảo Ngọc, thậm chí gây lên tình trạng nhập lụt tại huỵện đảo này - điều mà chưa từng xảy ra trước đây.

Trước thực trạng này, với việc Phú Quốc lên thành phố, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư nhiều hơn cho công tác quy hoạch, triển khai hạ tầng. Đây sẽ là cơ hội rất lớn giúp Phú Quốc phát triển, thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư lớn và hấp dẫn hơn nữa khách khu lịch. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung, ông Sơn nhận định.

Còn theo bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phân phối DTJ, khi trở thành thành phố, bộ máy hành chính, hạ tầng kinh tế, xã hội tại Phú Quốc sẽ được phát triển lên một bậc cao mới. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Phú Quốc, bởi mặc dù tỷ lệ dân số cơ hữu tại đây không cao nhưng lượng khách du lịch tăng mạnh qua từng năm.

Do đó, với việc lên thành phố, Phú Quốc sẽ được nhà nước "chăm chút" đầu tư, đón được các dự án lớn và dòng vốn đầu tư nhiều hơn để khai thác tốt hơn những tiềm năng sẵn có, phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch. "Đối với việc thành lập thành phố Phú Quốc ở thời điểm này đã là hơi muộn nhưng có còn hơn không", bà Hiền nhấn mạnh.