Con Cưng đạt doanh thu nghìn tỷ trước bê bối 'cắt mác, thay tem'

Việt Hưng - 18:24, 23/07/2018

TheLEADERNhờ mở rộng hệ thống cửa hàng thần tốc trong các năm gần đây, năm ngoái doanh thu của hệ thống Con Cưng đã tăng mạnh lên gần 1.000 tỷ đồng.

Được thành lập vào năm 2011, Công ty Cổ phần Con Cưng chuyên phân phối các sản phẩm thuộc ngành hàng dành cho trẻ em như: quần áo, thực phẩm, sữa, tã, đồ chơi... và đưa các sản phẩm này ra thị trường thông qua các chuỗi bán lẻ Con Cưng và Toy City.

Công ty đang vận hành 346 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, bao gồm 313 cửa hàng Con Cưng và 33 cửa hàng Toy City. Thị trường trọng điểm của Con Cưng là TP. HCM với 118 cửa hàng bán lẻ.

Ngoài ra, Công ty còn vận hành kênh bán hàng online có địa chỉ website là concung.com.

Đầu năm 2017, Con Cưng gây chú ý khi nhận được đầu tư từ quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II, do Daiwa và SSIAM cùng quản lý. Quy mô của khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng thông thường quỹ này rót từ 4 đến 6 triệu USD vào mỗi công ty trong danh mục. Ước tính giá trị của công ty khi đó là 25 triệu USD.

Ở giai đoạn mới đi vào hoạt động, Con Cưng từng nhận được đầu tư của Seedcom, một nhà đầu tư trong nước chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư của Kusto Việt Nam.

Sau khi nhận khoản đầu tư mới, hệ thống Con Cưng đã nhanh chóng phát triển về cả số lượng cửa hàng và quy mô hoạt động trong thời gian ngắn.

Từ mức doanh thu 114 tỷ đồng năm 2015, đến năm 2017 doanh thu của Con Cưng đã tăng lên 921 tỷ đồng. Tuy vậy công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn 18 tỷ đồng trong năm 2017, trước đó năm 2015 công ty lỗ 98 triệu đồng.

Con Cưng đạt doanh thu nghìn tỷ trước bê bối 'cắt mác, thay tem'

Tăng trưởng doanh thu của Con Cưng đến từ thuận lợi của thị trường kinh doanh sản phẩm “mẹ và bé”. Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình có con cao nhất ở Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1 - 2 tuổi.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Dân số, năm 2016, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em tuổi từ 0-4 và hơn 10 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Ngoài các tiêu chuẩn sống đang ngày một được nâng cao, phụ huynh ở Việt Nam có xu hướng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho con cái, nhất là về lĩnh vực thời trang, thực phẩm, đồ chơi... Điều này góp phần khiến cho ngành hàng sản phẩm dành cho trẻ em ngày một trở nên hấp dẫn.

Thế nhưng, không phải là thị trường này không có rủi ro. Các ngành hàng sản phẩm dành cho trẻ em luôn rất nhạy cảm, đặt nặng yếu tố an toàn, và cần nhiều thời gian để gây dựng niềm tin, uy tín.

Tham gia thị trường này, các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng của nguồn đầu vào, đồng thời, kiểm soát ngày hết hạn của sản phẩm. Mà cú "sảy chân" vừa qua của hệ thống siêu thị Con Cưng là minh chứng rõ ràng nhất.

Công ty đã phải thu hồi gần 6.000 sản phẩm của một lô hàng có sản phẩm không đạt yêu cầu trên toàn hệ thống. Con Cưng đã phải gánh chịu làn sóng phản đối gay gắt từ dư luận. Công ty đã thùa nhận lỗi không kiểm tra toàn bộ lô hàng trên và gửi lời xin lỗi khách hàng.

Hôm 22/7, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sau đó đã tiến hành kiểm tra từng dòng sản phẩm quần áo, thực phẩm, hóa mỹ phẩm về nguồn gốc tem nhãn, xuất xứ, chứng từ tại hệ thống Con Cưng. Cơ quan này tuyên bố, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm.

Con Cưng hiện đang phải cạnh tranh với những đối thủ cùng ngành như: Kids Plaza, BiboMart, Shoptretho, hay TutiCare trên thị trường sản phẩm dành cho trẻ em đã có gần 20 năm tuổi.

Trong đó BiboMart là doanh nghiệp quy mô doan thu lớn hơn đáng kể so với Con Cưng. Sau nhiều năm dẫn đầu tại thị trường miền Bắc công ty này đã mở rộng tại TP.HCM và nâng số cửa hàng lên 140.

Sức cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng tăng cao với sự góp mặt của các nhà bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điển hình như Socs & Brothers - một thương hiệu sản phẩm dành cho trẻ em đến từ Nhật Bản đã có 5 siêu thị tại Việt Nam.