Leader talk
Con đường giữ gìn bản sắc của 'nàng dâu triệu họ' Hội An
Hội An với dân số chỉ hơn 92.000 người nhưng mỗi năm đón tới hơn 3,2 triệu du khách, làm thế nào để giữ được mình?
Lấy cái tĩnh, vừa vừa, nhỏ nhỏ, đón nhận văn hoá các nước một cách bình tĩnh, đĩnh đạc, không vồ vập, Hội An tạo nên một quần thể làng xưa - phố cổ hoàn toàn sống để phát triển. Nhỏ bé, thân thuộc, sống động nhưng không vội vã, biết tự làm mới mình hàng ngày, sự bình yên và một chút chân quê khiến ai đã một lần tới Hội An là nhớ mãi, giống như được trở về nhà.
Một trong những thế hệ lãnh đạo tiếp nối được quyết sách của Hội An chính là ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An, người chịu trách nhiệm về mảng nông nghiệp, cũng là mảng đang chịu nhiều thách thức nhất khi giá đất Hội An đang tăng phi mã, và làn sóng cơ học về dân số đang dồn về.
Trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật, ông đã chia sẻ với TheLEADER những quyết sách “có một không hai” của chính quyền Hội An với tinh thần lấy dân làm gốc, lấy văn hóa làm nền tảng, biến đô thị thành ruộng lúa, để trả lại màu xanh nguyên bản cho đất mẹ.
Trong tốc độ đô thị hoá chóng mặt hiện nay, làm thế nào để Hội An có thể giữ được văn hoá làng và văn hoá thị cùng tồn tại song song, vừa bổ sung, kìm giữ nhau, để tạo nên thế cân bằng hơn cho cả kinh tế du lịch và đời sống nhân văn thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Quan điểm phát triển đô thị, con đường đi Hội An 20 năm nay về tinh thần chung vẫn giữ như thế, đó là gìn giữ môi trường lấy làng nuôi phố, lấy phố tạo sức bật cho làng.
Khi đất nước mở cửa, may mắn đầu tiên là người Hội An đã giữ được Hội An, kể cả di sản vật thể lẫn di sản phi vật thể, đặc biệt quần thể kiến trúc phố cổ gần như nguyên vẹn. Thứ hai là giữ được nền kinh tế ngư, nông nghiệp, kể cả tiểu thủ công nghiệp như các nghề dệt, nghề mành trúc, nghề mộc. Không gian tự nhiên vẫn giữ khá tốt, dân cư chủ yếu là bản địa, đặc biệt nếp sống Hội An từ bao đời vẫn được duy trì.
Qua thập niên 90, khi tiếp xúc với du lịch, Hội An thay đổi dần và du lịch thật sự trở nên mạnh mẽ sau khi Hội An được công nhận là di sản thế giới, trở thành kinh tế mũi nhọn từ 1990 đến nay.
Cùng với xoay hướng trong phát triển kinh tế, chính quyền thị xã lúc đó từ rất sớm đã thấy vấn đề lớn là cần giữ con đường đi Hội An sao đó cho phù hợp. Nếu giống đô thị khác chắc chắn không được vì dân số ít, diện tích nhỏ, nên chọn cách khác.
Ngay từ năm 1993-1994, đảng bộ thị xã đã có nghị quyết phát triển du lịch, sau đó là hàng loạt nghị quyết từ thị ủy, HĐND liên quan môi trường, xây dựng thị xã văn hóa đầu 1990.
Đến 2000 được Chủ tịch nước gửi thư khen mô hình xây dựng văn hóa đầu tiên ở Hội An. Văn hóa giữ được thì mọi thứ khác mới giữ được, sau đó là xây dựng môi trường sinh thái và văn hóa du lịch cách đây gần 10 năm. Từ đó, Hội An đã phát triển dựa trên 2 nền tảng quan trọng nhất là văn hóa và du lịch sinh thái.
Làm thế nào để hài hoà lợi ích giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư khi giá đất Hội An đang tăng phi mã, khi làn sóng di cư đang chảy về Hội An với tốc độ chóng mặt, lượng khách tới ngày một đông?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Về thực tiễn, đất lành chim đậu, các nhà đầu tư về đây tìm kiếm cơ hội là tốt nhưng trong quá trình đó tạo áp lực, gây khó khăn. Lượng khách tới ngày một đông, nhu cầu hạ tầng kể cả phục vụ du lịch cao hơn, sức ép vấn đề nảy sinh từ triều cường, nước thải, môi trường, giao thông rất lớn. Một ngày trung bình 10 ngàn khách tập trung ở trung tâm, giao thông rất khó khăn, kèm theo trật tự an toàn xã hội, tạo áp lực buộc Hội An phải tìm cách giải quyết
Bên cạnh đó, với khu vực nông nghiệp, nông thôn, xu hướng dịch chuyển phát triển du lịch ngày càng mạnh, giá bất động sản không ngừng tăng lên, tạo ra giá ảo, nảy sinh vấn đề phức tạp. Chuyển dịch đất đai lớn dần là nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác.
Ví dụ như khi con cái lập gia đình ra riêng, cha mẹ buộc phải tách thửa, chia đất, quyền tài sản phức tạp, phần nào ảnh hưởng đến giềng mối trong hàng xóm láng giềng, gia đình đang có biểu hiện tăng lên.
Vì nhu cầu đầu tư lớn, việc xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan du lịch như khối lưu trú, dân cư phát triển đô thị hình thành dần, sau khi đầu tư quy hoạch xong có mặt tốt về hạ tầng, giao thông, nhưng xét trong tổng thể không gian lại có sự bất hợp lý trong lựa chọn phát triển, cần thận trọng để đưa ra quyết định đúng…
Những giá trị lớn nhất cần giữ là văn hóa tryền thống của vùng đất này, giữ gìn sinh thái gồm các không gian thoáng, xanh, quỹ đất giành cho nông nghiệp cố gắng giữ tối đa. Làm sao giảm thiểu buộc phải chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng và mục đích khác, nhất là diện tích lúa, nếu tính giá trị kinh tế, 1 sào lúa chỉ lời 500 ngàn đồng, phải hỗ trợ nông dân nếu không chẳng ai làm.
Người ta có thể biến ruộng lúa thành đô thị chỉ với một chủ trương, nhưng trong lịch sử, chưa ai biến đô thị thành ruộng lúa như Hội An. Đất của dân phải để cho dân làm, như vùng biển Cửa Đại, An Bàng, Hội An không chủ trương lấy đất đầu tư, mà đầu tư tại chỗ và những người dân định cư tại chỗ, không dời dân.
Với nhà đầu tư, Hội An quy định rất rõ ràng: không xây quá ba tầng, mật độ xây dựng không quá 30%, không được xây tường rào che chắn, chính vì thế những nhà đầu tư giả, dỏm rất khó chịu, sẽ bật khỏi liền.
Khó nhất hiện tại của Hội An khi lượng khách đến quá đông, ngày xưa chỉ chủ yếu khách châu Âu, giờ cơ cấu thay đổi, khách châu Á tăng lên, phần nào liên quan đến sản phẩm du lịch khác nhau, lượng khách châu Âu giảm dần cũng là điều đáng suy nghĩ. Nếu mình lựa chọn con đường đúng, sản phẩm ra thị trường đúng sẽ đáp ứng lượng khách du lịch đúng, điều này cần cả Nhà nước, chính quyền và người dân cùng hợp tác.
Thứ hai, áp lực giao thông, môi trường, chất thải nước thải phải có bài toán giải quyết hiệu quả. Nhiều khi tôi gọi Hội An là “nàng dâu triệu họ” là vì vậy.
Vậy xét về tổng thể, con đường Hội An đang đi theo ông có phù hợp với mô hình phát triển đô thị bền vững của thế giới hiện nay?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Đúng, bởi nó phù hợp điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo của vùng đất này, chưa chắc cách đi của Hội An có thể áp dụng vào đô thị khác, phải hiểu kỹ vùng đất để đưa ra hướng đi phù hợp, cái gì tốt phát huy, cái gì xấu hạn chế.
Mô hình làng - phố phù hợp với Hội An, vì tự nhiên bao đời là thế, Hội An đã nhìn ra và cố gắng gìn giữ tự nhiên tối đa, đó là điểm chung cần nhân rộng. Nếu xây dựng nhà máy ở đây sẽ tổn hại quá lớn đến tự nhiên, càng nương tựa vào tự nhiên càng bền vững, còn can thiệp quá lớn vào tự nhiên thì câu chuyện thiên tai là vấn đề nhãn tiền. Lũ lụt trên dòng chảy thì Hội An là trọng điểm, nếu đưa ra quyết định ngược quy luật chắc chắn sẽ phải trả giá.
Là người chịu trách nhiệm chính trong việc hiện thực hóa các chính sách trong nông nghiệp cho Hội An từ 2014 đến giờ, ông có thể cho biết trở ngại lớn nhất là gì?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Quyết sách của Hội An là giúp người dân có thu nhập một cách văn hoá. Lâu nay chúng ta thường dựng làng nghề theo kiểu biểu diễn. Muốn hấp dẫn du khách, làng nghề phải thực sự sống được bằng nghề. Tâm hồn của người dân Trà Quế tạo nên mùi hương sâu đậm của rau húng, rau thơm. Muốn phục hồi làng nghề phải có đội ngũ làm nghề ngay tại làng. Hội An kiên trì đào tạo lớp trẻ sống chết với nghề, cha truyền con nối. Người dân không chỉ sống được nhờ trồng rau mà còn khá lên nhờ những dịch vụ du lịch từ nghề rau.
Nhiều năm kiên trì thuyết phục bà con cùng với các quyết sách như giao thêm đất, hỗ trợ tiền trồng rau, làm gốm… đến nay chúng tôi đã phục hồi được làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà. Du khách được trồng, thu hoạch rau, chăn trâu, tắm trâu, nuôi trâu đi cày, sống, ăn ở trong nhà dân có khi cả tháng trời, và trả tiền một cách thích thú. Mỗi người nông dân Hội An đang trở thành một sứ giả văn hoá thông qua con đường kinh tế du lịch, họ biết giữ cho môi trường sạch hơn, yêu động vật hơn, và cũng văn minh hơn.
Hay chuyện giúp cho nông dân trong du lịch cũng được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Hội An đi theo con đường làm organic bắt đầu từ 2014, đến 2016 thành phố phê duyệt một số xã, phường về đất đai không ổn như Cẩm Kim, Cẩm Châu, Cẩm Hà… Vận động người dân đi theo hướng sản phẩm sạch, trước hết là tốt cho nông dân, về sức khỏe cải thiện, chi phí y tế giảm đi. Thành phố hỗ trợ hàng năm cho Cẩm Thanh, đưa học sinh cấp 1, cấp 2 đến trải nghiệm thực tiễn về cách làm nông, giáo dục về môi trường, nông nghiệp, ẩm thực, phần nào đánh động nhận thức lớp trẻ.
Nhưng quả thực để vận động người dân làm organic là chuyện không dễ dàng, phải thay đổi từ nhận thức nên phải làm từ từ, không kiểm soát chắc chắn thất bại. Để giữ được những cánh đồng lúa bạt ngàn với những con đường quanh co cho du khách có thể đạp xe thư thả tận hưởng mùi lúa chín và những con đường hoa dại nở ngoài chính sách của tỉnh, Hội An có đề án riêng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, có cơ chế hỗ trợ nông dân liên quan đến hoạt động sản xuất như giống, máy móc, làm nghề cũng có cơ chế riêng…
Khi Luật tổ chức chính quyền thay đổi, cấp huyện không được ban hành chính sách nữa, chúng tôi thông qua chương trình nông thôn mới, hỗ trợ làng nghề, tạo nguồn lực giúp nông dân. Từ giáo dục tập huấn kiến thức, kỹ năng khôi phục sản xuất nghề truyền thống, hạ tầng cơ bản. Làm rau hữu cơ cũng được hỗ trợ về hệ thống lọc nước, chuyển giao kiến thức. Vừa lấy kinh phí từ nhà nước, vừa xã hội hóa, để giúp cho nông dân quảng bá thị trường.
Trong điều kiện cuộc sống của người làm chính quyền còn eo hẹp, làm thế nào để giữ được sự đồng thuận, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, để tiếp lửa cho người dân?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Chỉ cần chính quyền có chính sách đúng, sẽ huy động được mọi nguồn lực, từ vai trò của Nhà nước, của doanh nghiệp, nhà chuyên môn, đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kỹ năng tốt liên quan sản xuất tiêu dùng và người dân để cùng ngồi lại được với nhau ngay từ đầu.
Vận động nông dân không dễ, dù mình giúp cho họ, phải có những buổi Chủ tịch TP và các cán bộ lãnh đạo chủ chốt xuống nói chuyện với dân trong cuộc họp, có khi trên bàn nhậu, hoặc xuống nhà tận nhà dân, càng sát với dân càng gỡ ngay được rắc rối, tỷ lệ được việc sẽ cao hơn..
Tôi nhớ mãi khi vận động nông dân làm làng rau hữu cơ Thanh Đông, phải sau 1 năm dân mới thông đó. Sau đó mới dồn điền, đổi thửa, mời thầy ở Hà Nội về dạy chuyên về hữu cơ. Hội An có Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị, họ có nguồn lực từ bên ngoài để làm giáo dục, môi trường, sản xuất sạch. May mắn là khi trang trại rau sạch Thanh Đông ra đời kết nối với du lịch có doanh nghiệp tham gia cùng, không đơn thuần là nỗ lực của chính quyền.
Người nông dân ngoài thu nhập du lịch, sản phẩm làm ra giá bán cũng cao hơn. Khách tham quan mua vé 30 ngàn được trải nghiệm làm nông, bơi thuyền thúng, dạy nấu ăn… Có rất nhiều bạn trẻ là con của nhà nông sau khi học hành đỗ đạt cũng trở về quê cùng cha mẹ làm du lịch.
Để chính sách đi vào đời sống, đầu tiên phải phù hợp, thứ hai chính quyền phải theo đuổi, đi cùng, theo sát người dân sẽ tốt hơn. Còn nguồn lực thì không thể chờ đợi quá lớn từ nhà nước, cố gắng chủ động trong tầm tay, còn trông chờ lẫn nhau và trông chờ cấp trên sẽ ảnh hưởng hiệu quả cuối cùng, nếu không chỉ dừng lại trên giấy.
Kỷ niệm nào ông nhớ nhất trong cuộc đời làm quan của mình?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Tôi nhớ nhất là những mùa bão lũ, khi lũ tới sản phẩm hoa mầu của bà con gần như hư hết, nhìn cánh đồng xanh tươi giờ xơ xác, lòng ai cũng quặn đau. Mỗi khi nghe tin bão tới là thấy phập phồng lo sợ cho Hội An. Tổng kết thiệt hại mỗi đợt lũ cảm giác mất mát thật khó tả, những trải nghiệm ấy chắc tôi nhớ suốt đời. Những năm gần đây Hội An còn bị xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng.
Còn những kỷ niệm với dân thì vô vàn, chẳng có gì to tát. Hồi 2013, để vận động dân làm oganic, mình ngồi nhậu với dân dài dài để họ hiểu chính quyền. Bên Cẩm Kim cũng vậy, phải qua ngồi nói chuyện chơi với từng gia đình, từ đó bắt vào công việc, việc đó với tôi như cuộc sống hàng ngày vậy, không phải cố gắng gì hết.
Do khối lượng công việc quá nhiều, phải làm đủ thứ không chỉ nông nghiệp, nhưng tôi vẫn ưu tiên hàng ngày gặp gỡ dân. Độ trễ chính sách chắc chắn có, rất tốn thời gian, làm sao giải thiểu đưa vào đời sống sớm chừng nào hay chừng đó là điều tôi băn khoăn nhất.
Theo ông, làm thế nào tăng nội lực quản trị và sự hiểu biết của người làm chính quyền?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Bây giờ trình độ phát triển xã hội thay đổi từng ngày, người làm chính quyền phải tự học, còn giáo dục nhà trường chỉ là nền tảng, phải học từ sách vở, học từ thành công và thất bại, học từ dân để hình thành kỹ năng làm việc.
Làm gì thì làm, sự đam mê, yêu thích công việc phải có, đam mê mới bỏ qua những nhọc nhằn khác, làm chính quyền vừa là trách nhiệm, vừa là yêu thích thì công việc mới tốt
Vấn đề thứ ba, khi người làm Nhà nước nhiều thành phần có thể cùng ngồi với người làm chuyên môn, khoa học, doanh nghiệp, người dân thì công việc mới tốt. Còn đơn phương ra quyết định thì lực cản sẽ lớn và hiệu quả không cao.
Ông nghĩ gì về vai trò của người thị trưởng trong sự phát triển của một đô thị, quy tụ được nhân tài từ khắp thế giới đổ về?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Bản chất vùng đất này là hội nhân, hội thủy, hội văn, vùng đất mở. Thể hiện gia tăng dân số cơ học càng ngày càng nhiều hơn, trong đó cả Việt Nam và nước ngoài. Sự lan tỏa của người đứng đầu thành phố là yếu tố quan trọng nhất về tư duy, về đạo đức, về sự quy tụ nhân tài.
Hội An là nơi đất lành chim đậu cũng nhờ sự thân thiện của con người nơi đây, không gian nhẹ nhàng, tạo ra sự an tâm. Có nghĩa là du khách hay người chọn sống ở đây đều thú vị, đều không còn cảm thấy áp lực đô thị, đó là sức hút chính.
Tôi không giải thích rõ ràng được, nhiều anh chị về đây sống thích lắm. Trong xu thế nhập cư, đối với những ai muốn về sống thật ở luôn vùng đất này đa phần rất hay, họ góp thêm về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kỹ thuật giúp cho người dân bản địa, nhưng với điều kiện chọn đây là quê hương để sống, còn lựa chọn ngắn hạn, mục đích thuần túy kinh doanh thì tôi không rõ.
Có khoảng trên 200 gia đình chồng Tây vợ Việt, hoặc vợ Tây chồng Việt định cư nơi đây, họ cũng kết nối với địa phương, trở thành một nguồn lực, nhưng nguồn lực tri thức từ họ chưa được khai thác hiệu quả.
Ông có lo ngại không khi ra phố bây giờ du khách rất ít cơ hội để mua sắm, vì sản phẩm toàn hàng rẻ tiền, chất lượng thấp, mẫu mã cũ, trong đó rất nhiều hàng Trung Quốc?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Nếu xem xét sản phẩm làng nghề, thì làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế phát triển rất tốt so với điều kiện thực tế bây giờ nhưng làng lụa Mã Châu từng nổi tiếng giờ cũng lụi, ngày xưa Mộc Kim Bồng chủ yếu làm dân dụng, nhưng nguyên liệu gỗ tự nhiên ngày càng khó khăn. Sản phẩm phải có thiết kế kiểu dáng cao cấp hơn, bớt tiêu tốn nguyên liệu mà tăng giá trị, nếu không rất khó phát triển.
Tốt nghiệp đại học Luật TP. HCM, lý do gì khiến ông trở về quê hương để theo đuổi sự nghiệp “làm dâu triệu họ”?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Trước hết đây là quê hương của tôi, tôi gốc phường Thanh Hà, sống ở phường Cẩm Châu, còn làm việc có lẽ là số phận. Mình học Luật, con đường đẩy đưa mình không làm luật sư, lại làm chính quyền. Làm gì cũng xác định là phục vụ, cho dù sau nay nếu có thể làm ở lĩnh vực khác thì quan điểm phục vụ vẫn là chính, còn năng lực trình độ mình hạn chế, khả năng tới đâu cố gắng phục vụ tới đó.
Điều gì giúp ông có được sự an yên, để chiều chiều trở về nhà có thể giong thuyền ra khơi câu cá, ngắm hoàng hôn?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Có được sự bình yên trong tâm hồn là điều rất khó, cũng là nhờ học được từ cách sống của cha mẹ, từ đồng nghiệp, bạn bè và học từ sách vở. Sau này, khi lập gia đình, lại học được từ con cái. Tôi có hai đứa con gái, đứa 12 tuổi, đứa 4 tuổi thời gian sống bên con dù rất ít cũng giúp mình sống tốt hơn.
Từ khi có con tôi thay đổi cực kỳ lớn. Khi chưa có con mình sống bạt mạng, giờ có con rồi, mỗi việc làm đều suy nghĩ hậu quả, cố gắng làm sao tạo đức cho con, cố gắng cho con có được cuộc sống nhẹ nhàng. Vì hơn ai hết, tôi hiểu luật nhân quả, đời mình gieo gì thì đời con sẽ gắt hái điều đó.
Hạnh phúc lớn nhất với tôi là được sống ở quê hương, sống có ích bao nhiêu thì giá trị mình cảm thấy càng nhiều, lại càng phải cố gắng sống tốt hơn.
Xin cám ơn ông!
Hội An vào mùa vắng khách du lịch, vì sao?
Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.