Công ty quản lý sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất có thể hoạt động như trung tâm thương mại

Trần Anh - 15:46, 21/05/2018

TheLEADERNgoài thu phí dịch vụ vay và phí cất cánh, hạ cánh, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) có thể hoạt động như một Trung tâm thương mại (TTTM), với nguồn thu đến từ bán lẻ, thực phẩm đồ uống và dịch vụ phụ trợ.

Năm 2012, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không hàng đầu là Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Trung.

Hiện tổng công ty này đang quản lý và khai khác 22 cảng hàng không từ Bắc đến Nam, trong đó có những Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng Nội Bài, Cảng Cần Thơ,… Trong tương lai, ACV còn có thể tham gia quản lý các sân bay mới quy mô lớn như Long Thành trị giá hàng chục tỉ USD.

Ước tính quý 1, các cảng hảng không của ACV đã cung cấp dịch vụ cho 25,4 triệu lượt hành khách. Trong đó, số lượng khách nội địa tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 16,1 triệu lượt còn khách quốc tế tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 9,3 triệu lượt.

Tình hình chung tốt giúp hoạt động kinh doanh của ACV được cải thiện rõ rệt. Doanh nghiệp này thông báo đạt doanh thu thuần 3.923 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 975 tỷ đồng, tăng tới 85% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng trưởng nhanh hơn doanh thu đến nhờ vào việc tăng phí dịch vụ sân bay, giúp ACV cải thiện được biên lợi nhuận.

Bởi hàng không là ngành kinh doanh đặc thù, đòi hỏi kiểm soát cao, vị thế của ACV trong lĩnh vực quản lý sân bay gần như là độc quyền. Chỉ cần ngành du lịch trong nước còn phát triển, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục gặt hái lợi nhuận. Trong bối cảnh Chính phủ đang tích cực thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước, ACV cũng được xếp vào một trong những “con gà đẻ trứng vàng”.

Sau khi ACV tiến hành IPO vào năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đang có lộ trình thoái 20% vốn Nhà nước trong năm nay, dự kiến thu về gần 40.000 tỷ đồng. Năm ngoái, ACV đã thất bại trong đàm phán liên doanh với Aéroports de Paris và đang lên phương án thay thế với một đối tác chiến lược khác là sân bay Zurich của Đức. Doanh nghiệp này cũng dự kiến sẽ chuyển từ sàn Upcom lên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) để tạo thanh khoản cho cổ phiếu.

Công ty quản lý sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất có thể hoạt động như trung tâm thương mại
ACV quản lý một diện tích sàn thương mại rộng lớn trên các sân bay cả nước

Vấn đề lớn nhất hiện tại ảnh hưởng tới quá trình thoái vốn và chuyển sàn của ACV đó là quá trình đám phán cho thuê hoạt động đối với các tài sản trong khu bay.

Các tài sản trong khu bay là nhiều tài sản khác nhau được sử dụng trong một phần diện tích cảng hàng không dùng cho máy bay cất, hạ cánh và lăn, (trừ phần sân đỗ máy bay) như đường băng, đường lăn, thiết bị chiếu sáng, thiết bị định vị. Các tài sản này đã được chuyển giao cho Nhà nước và Nhà nước cho ACV thuê lại. Hiện các điều khoản thuê đang chờ nhà nước chấp thuận.

Tài sản khu bay đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của ACV thông qua doanh thu từ phí dịch vụ cất hạ cánh trong khi chi phí đi kèm gồm chi phí nhân công, chi phí thuê, chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí khấu hao, chi phí điện nước và chi phí thuê ngoài.

ACV đã trình lên Chính phủ đề xuất 3 phương án để xử lý đối với các tài sản trong khu bay.

Phương án A, theo đề án cổ phần hóa của ACV, sau cổ phần hóa, các tài sản trong khu bay sẽ được bàn giao cho Nhà nước và sau đó cho ACV thuê lại để phục vụ hoạt động. Như đàm phán, ACV sẽ nhận toàn bộ doanh thu từ các tài sản này và trả phí thuê cho Nhà nước và chịu mọi chi phí sửa chữa. ACV đề xuất trả 270 tỷ đồng phí thuê hàng năm và trích lập 727 tỷ đồng dự phòng dài hạn hàng năm cho sửa chữa.

Phương án B, tài sản trong khu bay thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng được bàn giao cho ACV và ACV chịu trách nhiệm đối với toàn bộ lợi nhuận và chi phí phát sinh liên quan. Quyết toán thu chi đối với các tài sản trong khu bay giữa ACV và Nhà nước sẽ được thực hiện định kỳ.

Phương án C, Nhà nước sẽ dùng các tài sản làm vốn góp cho ACV thay cho phần vốn góp khi ACV huy động vốn mới từ cổ đông hiện hữu. 

Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, giá trị của các tài sản trong khu bay là khoảng 8.000 tỷ đồng. ACV có thể huy động một khoản vốn khoảng 8,386 nghìn tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu bằng cách phát hành 838,6 triệu cổ phiếu (39% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn là 95,4%.

Lợi ích của ACV trong 3 phương án này là rất khác nhau. Dễ thấy, phương án bàn giao lại tài sản cho ACV là tốt nhất cho doanh nghiệp này. Nếu ACV sở hữu tài sản, doanh nghiệp này sẽ không phải hạch toán chi phí thuê và dự phòng sữa chữa cho tài sản khu bay vốn rất lớn, có thể lên tới 1.000 tỷ đồng.

Giải quyết được bài toán này, ACV sẽ rộng đường phát triển. Trong dài hạn, doanh nghiệp này có thể mở rộng vai trò của mình, không chỉ là đơn vị vận hành sân bay thuần túy với phần lớn doanh thu là từ phí dịch vụ khách hàng và phí dịch vụ cất hạ cánh. 

Thay vào đó, ACV có thể hoạt động như một Trung tâm thương mại (TTTM), với nguồn thu đến từ bán lẻ, thực phẩm đồ uống và dịch vụ phụ. HSC dự báo, trong 18 tháng tới, lợi nhuận sẽ tăng trưởng nhờ phí dịch vụ sân bay tăng cộng với lượng hàng hóa và hành khách tăng.

Tuy nhiên về lâu dài, tăng trưởng sẽ chủ yếu từ lượng hàng hóa và hành khách tăng nhanh và tối ưu mức chi tiêu của hành khách nhờ cải thiện sản phẩm bán lẻ, thực phẩm đồ uống. Đây là con đường mà các công ty tương tự ACV trên thế giới đã làm.

Chẳng hạn, trong năm 2017, 27% doanh thu của Airport of Thailand Plc là từ bán lẻ nói chung, gồm hoạt động mua sắm, thực phẩm đồ uống, đổi ngoại tệ, đỗ xe và các dịch vụ khác.

Như vậy ACV cũng có thể dễ dàng tăng gấp đôi tỷ trọng doanh thu từ bán lẻ trong tổng doanh thu trong vài năm tới; theo đó sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng. ACV có thể tiếp tục là một đơn vị cho thuê diện tích bán lẻ hoặc tham gia vào hoạt động bán lẻ và/hoặc nắm cổ phần của các đơn vị bán lẻ & bán thực phẩm đồ uống tại sân bay.