CPI tháng 6 tăng cao nhất trong một thập kỷ

Nhật Hạ - 11:51, 29/06/2022

TheLEADERMục tiêu tăng CPI năm 2022 khoảng 4% như Quốc hội đề ra ngày càng khó đạt được khi CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay đã tăng 2,44%. Trong khi đó, tác nhân lớn nhất gây ra lạm phát là giá xăng dầu vẫn được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm nay tăng 0,69% so với tháng trước, theo Tổng cụ Thống kê.

Đây là mức tăng cao nhất của tháng 6 trong một thập kỷ qua.

CPI tháng 6 tăng cao nhất trong một thập kỷ

Cụ thể, so với tháng trước, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62% (làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 01/6/2022, 13/6/2022 và 21/6/2022 làm cho giá xăng tăng 8,23%; giá dầu diezen tăng 8,5%.

Bên cạch đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,98% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 13,38%; bằng đường bộ tăng 3,02%; taxi tăng 2,91%; đường sắt tăng 2,67%; xe buýt tăng 1,69%.

Giá xe ô tô mới, giá xe máy tăng lần lượt 0,62%, 0,86% do thiếu nguồn cung linh kiện bán dẫn khi Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid" khiến nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,8% (tác động CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm), trong đó: lương thực tăng 0,16% (tác động tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 0,98% (tác động tăng 0,21 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65% (tác động tăng 0,06 điểm phần trăm).

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,52% chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 2,11%; du lịch ngoài nước tăng 1,29% và khách sạn, nhà khách tăng 0,63% do nhu cầu du lịch nội địa tăng cao vào mùa hè. Đồng thời, giá thiết bị văn hóa trong tháng tăng 0,05% so với tháng trước; giá dịch vụ thể thao tăng 1,52%, thiết bị cụng cụ thể thao tăng 0,29% do nhu cầu tăng trong dịp hè.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,35% do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng, cụ thể: Giá nước khoáng tăng 0,77% so với tháng trước; giá nước giải khát có ga tăng 0,49%; nước quả ép tăng 0,24%; nước uống tăng lực đóng chai 0,66%; rượu bia tăng 0,35% và thuốc hút tăng 0,24%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa hè. Như giá máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,28% so với tháng trước; giá quạt điện tăng 0,47%; giá giường, tủ, bàn ghế tăng 0,47%... Ở chiều ngược lại, giá máy đánh trứng, trộn đa năng giảm 0,28%; lò vi sóng giảm 0,11%, ấm phích nước điện giảm 0,1% so với tháng trước.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân như máy dùng điện chăm sóc cá nhân tăng 0,32%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,23%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,54%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,18%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí vận chuyển và nhu cầu mua sắm vào mùa hè tăng. Trong đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,14%; mũ nón tăng 0,34%; giày dép tăng 0,2%; dịch vụ may mặc tăng 0,26%.

Nhóm giáo dục tăng 0,07%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,03%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%, trong đó dịch vụ y tế tăng 0,01%.

Mặt khác, hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01% chủ yếu do giá gas giảm 6,17% so với tháng trước vì từ ngày 01/6/2022, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 31.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 105 USD/tấn (từ mức 855 USD/tấn xuống mức 750 USD/tấn).

Ở chiều ngược lại, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,24% ; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,3% ; giá dầu hỏa tăng 10,26% ; giá điện và nước sinh hoạt lần lượt tăng 0,38% và tăng 0,7% do nhu cầu sử dụng tăng trong mùa hè.

Bên cạnh đó, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,16%.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 6 năm nay tăng 3,18% và so với cùng kỳ năm trước đã tăng 3,37%. CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước.

CPI tháng 6 tăng cao nhất trong một thập kỷ 1

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chủ yếu do 4 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm); giá gas tăng 25,92% (làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm);

Thứ hai, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm) do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng;

Thứ ba, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm);

Thứ tư, giá gạo tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2022:

Đầu tiên, giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm).

Tiếp đến, giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% (làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cuối cùng, giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.