Cửa hàng tạp hóa chuyển mình thời công nghệ

Việt Hưng - 16:26, 16/11/2020

TheLEADERViệt Nam đang xuất hiện ngày một nhiều hơn các nền tảng số hóa ngành tạp hóa. Thị trường này không chỉ thu hút các startup, mà còn hấp dẫn cả các doanh nghiệp lớn trong nước.

Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm.

Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Điều này cho thấy, các cửa hàng tạp hoá lại không hề lép vế, thậm chí còn có phần phát triển mạnh hơn.

Lợi thế của mô hình kinh doanh cửa hàng tạp hoá là tiện lợi, ngay sát trong hẻm nhỏ dễ đi lại. Một khảo sát của Nielsen cho thấy có đến 9/10 người được hỏi thích mua nhu yếu phẩm tại tiệm tạp hoá vì giá rẻ và gần nhà. Kênh bán lẻ truyền thống nói chung hiện nay gồm chợ và cửa hàng tạp hoá chiếm tới 80% doanh thu ngành bán lẻ.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), gần 30 năm liên tục phát triển, song đến thời điểm hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được khoảng 25-26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hoá.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang rất sôi động và tiềm năng, bởi khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, họ có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm thuộc nhóm tiêu dùng và thực phẩm hàng ngày.

Đáng chú ý, thời gian qua các cửa hàng bán lẻ truyền thống đã bắt đầu kết hợp cả những công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo đó, việc sử dụng thanh toán điện tử, bán hàng online với offline qua nhiều kênh, tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày… là những xu hướng cửa hàng tạp hoá cần cập nhật để có thể phục vụ nhanh nhất những khách hàng bận rộn.

Tạp hóa trực tuyến lên ngôi tại Việt Nam
Doanh nghiệp Việt đua nhau làm tạp hóa trực tuyến

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, cửa hàng tạp hoá là mô hình phổ biến ở Đông Nam Á. Theo nghiên cứu mới đây từ hãng tư vấn Bain & Company và Facebook, tạp hoá trực tuyến đang có xu hướng trở nên phổ biến hơn.

Điều này lý giải tại sao thời gian gần đây, Việt Nam đang xuất hiện ngày một nhiều hơn các nền tảng số hóa ngành tạp hóa. Thị trường này không chỉ thu hút các startup, mà còn hấp dẫn cả các doanh nghiệp lớn trong nước.

Đầu tháng 10/2020, Công ty cổ phần One Distribution trực thuộc Tập đoàn Vingroup đã ra mắt ứng dụng VinShop - sản phẩm công nghệ kết nối cung ứng hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất tới chủ cửa hàng tạp hóa. 

VinShop là ứng dụng di động ra đời nhằm hỗ trợ các chủ cửa hàng tạp hoá tiếp cận nguồn hàng phong phú, giá cả minh bạch cùng các chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Các chủ cửa hàng tạp hóa có thể ngồi tại nhà thông qua ứng dụng để đặt một lần được cả trăm mặt hàng đa dạng và chỉ phải nhận một lần duy nhất, phục vụ 24/7, được giao hàng siêu tốc ngay trong ngày hôm sau kể cuối tuần.

Giải pháp này kỳ vọng nâng cao hiệu quả của toàn chuỗi cung ứng, giúp khắc phục những yếu điểm hiện tại trong luồng phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến tiệm tạp hóa và giúp khách hàng cuối không phải chịu các chi phí bất hợp lý trên các sản phẩm họ tiêu dùng hàng ngày.

Trước đó, vào tháng 3/2020, ứng dụng GT Link - một nền tảng B2B đã được ra mắt, nhằm kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng tạp hoá giúp các bên mua bán hàng hoá nhanh gọn hơn, đồng thời giúp quản lý doanh thu.

"Việc áp dụng một nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất hàng hoá với nhà phân phối và các cửa hàng tạp hoá giúp các bên quản lý chuỗi cung ứng minh bạch, chặt chẽ, có hệ thống hơn. Khi sử dụng nền tảng GT Link, doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí ít nhất từ 5%, đồng thời gia tăng doanh thu", đại diện GT Link chia sẻ.

Trong năm 2020, GT Link đặt mục tiêu kết nối với 45.000 cửa hàng (trên tổng số 80.000 cửa hàng theo kế hoạch phát triển thị trường của GT Link) cùng 200 doanh nghiệp là các đơn vị sản xuất, nhà phân phối sản phẩm tại Việt Nam.

Để thực hiện kế hoạch, công ty sẽ làm việc với 600 nhà phân phối để các nhà phân phối này thuyết phục cửa hàng tạp hoá trong mạng lưới của họ cài đặt ứng dụng. Đặc biệt là ở thị trường nông thôn đang bị bỏ trống, công ty sẽ khai thác mạnh mẽ ở mảng này.

Hay gần đây, FELIX store - một nền tảng liên kết giữa tạp hoá truyền thống với nhà sản xuất cùng với những tiện ích về quản lý và thanh toán đã được ra mắt.

FELIX store là một mô hình kết hợp giữa mô hình điểm bán lẻ truyền thống và sự tiện lợi và chuyên nghiệp của mô hình MT (CircleK, Bs’mart, GS25…) và hệ sinh ngành hàng đa dạng giúp tăng cường nguồn lợi cho người dùng.

Đại diện FELIX gọi đây là các tạp hoá 3 trong 1 - có thể cung cấp thêm dịch vụ trả tiền điện, tiền nước, nhận hàng hóa khi mua hàng online, mua hàng giá gốc và được tích điểm, ngoài ra còn có thể thanh toán dưới nhiều hình thức.

Đặc biệt với hệ sinh thái của FELIX các thành viên còn được nhận thêm thu nhập từ giới thiệu hoặc bán các sản phẩm tài chính, bảo hiểm và vé máy bay có liên kết trên nền tảng.