Cửa nào cho tư nhân đầu tư, vận hành lưới truyền tải điện?

Nguyễn Cảnh - 09:23, 24/12/2021

TheLEADERViệc cho tư nhân tham gia đầu tư, vận hành lưới truyền tải điện cần có tính toán kỹ lưỡng để vừa có hiệu quả, vừa đảm bảo tính ổn định và an ninh năng lượng.

Cửa nào cho tư nhân đầu tư, vận hành lưới truyền tải điện?
Với đường trục quốc gia và khu vực muốn nhà đầu tư tư nhân tham gia cần có cơ chế pháp luật rõ ràng, cụ thể như trong câu chuyện thoả thuận đấu nối (ảnh minh họa)

Về quan điểm tư nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành lưới truyền tải điện, ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNPT) cho biết, nhìn tổng thể lưới truyền tải có 3 khúc. 

Một là đường trục chính, là xương sống hệ thống điện quốc gia với đường dây 500Kv. Hai là trục khu vực và ba là đường dây truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy vào hệ thống.

Trên góc độ an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo tính ổn định, ông Kiên cho rằng nên để quyền quản lý đường trục chính quốc gia, khu vực cho doanh nghiệp nhà nước, có thể là EVN, hoặc Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí; nên chỉ định rõ doanh nghiệp nào đầu tư tại Quy hoạch điện VIII để sau này không vướng đấu thầu chủ đầu tư.

Về đường truyền tải đấu nối nhà máy điện, các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia đầu tư. Còn nếu, với đường trục quốc gia và khu vực muốn nhà đầu tư tư nhân tham gia cần có cơ chế pháp luật rõ ràng, cụ thể như trong câu chuyện thoả thuận đấu nối... vì sẽ có nhiều vướng mắc.

Đại diện EVNNPT cho rằng, Nhà nước cần lưu tâm (khi sửa Luật Điện lực) tính tới khía cạnh cho nhà đầu tư tham gia thì tham gia thế nào, tới đâu, để khi thực hiện khả thi, đảm bảo lợi ích của nhà nước, an ninh năng lượng quốc gia, lợi ích người mua điện. Kiến nghị quy hoạch điện VIII sớm được ban hành, vì nhiều công trình của NPT hiện đang chờ quy hoạch.

Liên quan thủ tục đầu tư, ông Kiên thông tin, tháng 1/2021 yêu cầu dự án có thu hồi đất phải trình cấp có thẩm quyền, khi qua 2 tỉnh phải trình Chính phủ. Như vậy, sẽ có khoảng 100 dự án đường dây lưới điện phải trình Thủ tướng và nhanh phải 6 tháng mới có thể phê duyệt đầu tư. Quy hoạch điện VIII nên làm rõ có cần trình lại Thủ tướng khi dự án đã có trong quy hoạch.

Bên cạnh đó, theo Luật Điện lực thì EVNNPT đầu tư, quản lý lưới truyền tải từ 220Kv trở lên. Thời gian vừa qua, xây dựng đường dây truyền tải điện EVNPT có chậm tiến độ với một vài lý do chính như: Theo quy hoạch chung ở Quy hoạch điện VII hay VII điều chỉnh thì truyền tải điện không có vấn đề gì nhưng do sự bùng nổ năng lượng tái tạo (NLTT) khiến phải bổ sung quy hoạch. Bổ sung quy hoạch NLTT do Bộ Công thương phê duyệt, trong khi đầu tư đường dây 220Kv trở lên thì phải do Thủ tướng phê duyệt.

Đại diện EVNNPT cho biết, thực tế cho thấy chưa đồng bộ khi bổ sung nguồn NLTT mới và tính toán bổ sung quy hoạch lưới tuyển tải điện. Trong đó quy hoạch lưới truyền tải, chậm 1 nhịp từ 6 tháng - 1 năm so với bổ sung quy hoạch NLTT. Các nhà máy điện mặt trời có thời gian chuẩn bị đóng điện từ 6 tháng - 1 năm, có nghĩa là một dự án năng lượng mặt trời hoàn thiện thì truyền tải mới được phê duyệt đầu tư. Cùng với đó là nguyên nhân chậm do bồi thường giải phòng mặt bằng, theo cơ chế Nhà nước.

Trong khi nhà đầu tư NLTT chạy theo thời điểm giá FIT, đền bù theo thỏa thuận, cơ chế tự quyết, có khi giá đền bù đất của NPT chỉ bằng 1/3, 1/4 giá nhà đầu tư NLTT bỏ ra. Sự chênh lệch giá đền bù ảnh hưởng tới lộ trình giải phóng mặt bằng của lưới điện. Có ý kiến về nguồn vốn khó khăn, tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, EVNPT hoàn toàn đủ khả năng để đầu tư.

Bình luận về những vướng mắc của vấn đề truyền tải điện, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đưa ra một số nội dung trọng yếu như sau.

Truyền tải điện vướng mắc thứ nhất ở tầm nhìn, quy hoạch, vì không dự báo được công suất, sức chịu đựng của truyền tải điện. 

Thứ hai, cấu trúc rất bất hợp lý, chỗ thừa, chỗ thiếu; có chỗ công suất chỉ 4 - 5%, còn lại thì dư thừa và không thể tích trữ, rất lãng phí trong khi doanh nghiệp còn khó khăn. Khả năng phân tích, dự báo, cơ cấu cấu trúc cần hợp lý, ông Lực nhấn mạnh.

Về nguồn vốn, mỗi năm ngành điện cần 10 tỷ USD để đầu tư trong tầm nhìn từ nay đến 2030, cái đó còn chưa tính hết, chi phí có thể đội lên do giải phóng mặt bằng. Trong đó, riêng truyền tải điện chiếm 15% tổng kinh phí đầu tư, tức 1,5 tỷ USD/năm. 

Vậy nguồn tiền huy động từ đâu? Trong chính sách phục hồi 2 năm tới, không hề có thêm đầu tư công cho lĩnh vực năng lượng, chỉ có hạ tầng giao thông. Cho nên, ông Lực cho rằng phải xã hội hóa với sự đóng góp của lực lượng tư nhân trong và ngoài nước.

Ông Lực cũng nêu quan điểm đồng tình khi Chính phủ và Quốc hội bàn sửa Luật Điện lực, về cơ bản thống nhất cho phép tư nhân tham gia truyền tải. Còn tham gia ở khâu nào thì cần tính toán, nếu là truyền tải lớn thì vẫn Nhà nước, còn vừa và nhỏ thì có thể tư nhân tham gia.