‘Cung xăng dầu đủ đến hết quý II dù không tính nguồn từ Nghi Sơn’

Nhật Hạ - 10:59, 30/04/2022

TheLEADERNguồn cung xăng dầu trong quý I và II được đảm bảo dù không tính tới lượng cung ứng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết.

‘Cung xăng dầu đủ đến hết quý II dù không tính nguồn từ Nghi Sơn’
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo Chính phủ ngày 29/4. Ảnh: Nhật Bắc

Thị trường xăng dầu trong nước vừa qua có nhiều biến động do tình hình địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng với việc giảm công suất trong tháng 1 và đầu tháng 2 tại Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 35 - 40% nguồn xăng dầu cả nước, từ 100% xuống 85%, 60% rồi 55%, thậm chí có thời điêm phải dừng sản xuất.

Trong bối cảnh đó, để bù đắp lượng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động tăng nhập khẩu, trong đó có tính tới việc giảm công suất từ Nghi Sơn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 29/4.

Nhưng trong tháng 2, Bộ Công thương đã phân giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tăng nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 trong quý II để đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước.

Nhờ đó, nguồn cung xăng dầu trong quý I và II vẫn được đảm bảo, dù không tính tới lượng cung ứng từ Nghi Sơn. Tuy nhiên việc tăng nhập khẩu xăng dầu cũng khó khăn, giá cả tăng, đặc biệt là chi phí về logistics do tình hình địa chính trị, xung đột Nga – Ukraine.

Còn trong nửa cuối năm nay, ông Hải cho biết, bộ đã làm việc lại với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để xem khả năng và cam kết cung ứng từ nhà máy này.

Đến nay, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa có cam kết cụ thể về lượng cung ứng quý III và IV. Bộ Công thương đã yêu cầu doanh nghiệp này có cam kết bằng văn bản vào đầu tháng 5.

Nguồn cung xăng dầu từ Nghi Sơn trong thời gian tới sẽ được ưu tiên tiêu thụ trong nước, phần còn thiếu bộ sẽ tiếp tục phân giao các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để bù đắp để đảm bảo đủ xăng dầu", ông Hải cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu xăng dầu trong quý I/2022 đã gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,45 tỷ USD.

Về giá xăng dầu trong nước, ông Hải khẳng định nhờ sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ đầu năm đến nay, giá trong nước đã tăng thấp hơn so với thế giới.

Chẳng hạn, tại kỳ điều hành ngày 22/4, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng với biên độ 56,53 - 60,14%, giá trong nước chỉ tăng 17,16 - 39,04% nhờ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, giá bán lẻ trong nước cũng hạ nhiệt nhờ việc giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng mỗi lít xăng, 1.000 đồng mỗi lít dầu từ 1/4 đến cuối năm nay.

Ông Hải cho biết, liên bộ đang tiếp tục nghiên cứu và rà soát xem giảm được thêm thuế nào trong cơ cấu giá bán lẻ để hạ giá xăng dầu, nhưng cũng phù hợp với tình hình chung, quan trọng là bảo đảm cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu đầu vào cũng như nhu cầu người dân.

Giá bán lẻ trong nước đã tăng 6 lần và giảm 4 lần trong năm 2022. Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 22/4, mỗi lít xăng đã tăng thêm gần 700 đồng, lên mức 27.990 đồng với xăng RON 95 và 27.130 đồng với xăng E5 RON92.

Về dự trữ xăng dầu, hiện có hai loại là dự trữ tại doanh nghiệp và dự trữ quốc gia. Theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải dự trữ đảm bảo đủ lượng trong 20 ngày, còn doanh nghiệp cung ứng cần dự trữ 5 ngày.

Còn dự trữ xăng dầu quốc gia, ông Hải cho biết, do khả năng của Nhà nước và ngân sách còn hạn chế nên liên Bộ Công thương - Tài chính đang bàn với các bộ ngành liên quan để đề xuất những giải pháp phù hợp nhất với tình hình thực tế Việt Nam và ngân sách nhà nước để bảo đảm mức tối đa cho dự trữ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.