Đánh thuế căn nhà thứ hai: Chắc chắn không khả thi

Minh Anh - 10:58, 08/09/2017

TheLEADERTheo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, đề xuất đánh thuế đối với căn nhà thứ hai trở đi của Bộ Tài chính cần làm rõ nhiều vấn đề.

Đánh thuế căn nhà thứ hai: Chắc chắn không khả thi
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. Ảnh Pháp luật TP. HCM)

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ hai" do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, nhiều chuyên gia đã đưa ra những ý kiến trái chiều xung quanh việc đánh thuế căn nhà thứ hai.

Chắc chắn không khả thi

(GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường)

Về đề xuất đánh thuế đối với căn nhà thứ hai trở đi của Bộ Tài chính, cần làm rõ một số vấn đề. Trước hết, cần nghiên cứu xem sắc thuế đánh vào nhà ở được đánh trên diện tích hay trên giá trị là phù hợp với Việt Nam. Kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra nếu đánh riêng thuế nhà thì cần đánh trên diện tích.

Sau đó, cần xem xét xem sắc thuế đánh vào nhà ở thứ hai trở đi có khả thi không? Chắc chắn sắc thuế này không khả thi vì hệ thống đăng ký nhà ở hiện nay đã phân cấp hoàn toàn cho địa phương, khó phát hiện hoặc rất tốn kém để phát hiện được các căn nhà khác của một ai đó tọa lạc ở nhiều tỉnh khác nhau. Hoàn cảnh này tương tự như pháp luật đất đai đặt ra hạn điền nhưng không phát hiện được những trường hợp vượt hạn điền.

Tiếp theo, cần tính toán kỹ xem diện tích nhà ở từ căn nhà thứ hai trở đi trên phạm vi cả nước hiện nay là bao nhiêu? Ngân sách thu được từ sắc thuế này là bao nhiêu? Và chi cho hành chính thuế là bao nhiêu? Khi đó mới có thể biết có nên đánh thuế hay không? Ước tính những con số này chắc cũng không dễ dàng.

Trường hợp không áp dụng sắc thuế này thì thị trường bất động sản nhà ở cũng vẫn diễn ra như hiện tại. Kho bất động sản nhà ở tồn đọng gắn với nợ xấu vẫn chưa giải quyết xong. Phân khúc bất động sản nhà ở vẫn đang phát triển đều, chưa có dấu hiệu “nóng” của đầu cơ. Các nhà đầu tư cá nhân đang chuyển dần đầu tư sang phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Ngân sách nhà nước hiện nay đang trong hoàn cảnh khó khăn, nợ công cao, bội chi lớn, lãng phí nhiều, nguồn thu hẹp lại. Kiến nghị những nguồn thu mới là cần thiết nhưng cần những nghiên cứu kỹ lưỡng. Tăng nguồn thu đúng nhất lúc này là tăng tỷ suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tăng giá đất của Nhà nước cho sát hơn với giá thị trường. Thuế suất ở hầu hết các nước là 1%-1,5% còn ở ta mới là 0,03%, trong khi bảng giá đất của Nhà nước mới chỉ bằng khoảng 20%-30% giá thị trường tại các đô thị lớn. Đánh thuế vào nhà ở nói chung chưa phải là giải pháp đúng hiện nay.

Nên đánh vào thuế đất

(Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn)

Ông Nguyễn Văn Phụng. Ảnh Diễn đàn doanh nghiệp

Chúng ta chưa cần đặt vấn đề có thu thuế nhà ở thứ hai hay không mà cần mở rộng cơ sở thuế giữa nhà và đất. Muốn đánh thuế, một trong những tiêu chí phải đảm bảo là đơn giản công bằng và khả thi. Về lâu dài chúng ta nên áp thuế đất để tránh đầu cơ vào đất đai, đồng thời, có nguồn ngân sách để quy hoạch những khu đô thị lớn, đồng bộ hiện đại.

Hơn nữa, bất động sản chủ yếu dựa trên giá trị đất mà nó tạo ra, giá trị đất mới là phần lớn. Do đó, tôi cho rằng chúng ta áp thuế đất là hợp lý.

Xuất phát từ thực tiễn gần đây có nhiều ý kiến cần phải đánh thuế nhà ở thứ hai, thứ ba nhưng cần phải có lộ trình, khi nào đánh, đánh bao nhiêu và liệu có quản lý được không. Trong khi đó, hiện các cơ quan quản lý thuế, tài nguyên môi trường không có sự liên thông về quản lý nhà đất. Khi chúng ta không có đẩy đủ và minh bạch về thông tin thì việc đánh thuế và quản lý thuế sẽ không thể công bằng được.

Không để ảnh hưởng tới người nghèo

(Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng)

Ông Vũ Văn Phấn. Ảnh Pháp luật TP. HCM

Nghiên cứu đánh thuế căn nhà thứ hai mới chỉ là đề xuất, nhưng cũng cần phải đạt được những mục tiêu cụ thể mà trước hết là chống đầu cơ nhà đất và để những người sử dụng nhiều nhà đất thì phải có trách nhiệm hơn với xã hội. 

Tuy nhiên, sắc thuế này cũng cần phải được tính toán để không ảnh hưởng tới những người nghèo, những người chỉ có một nhà để ở. 

Đặc biệt, phải tính toán để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế với thuế đất phi nông nghiệp. Việc chống đầu cơ, không khuyến khích sở hữu nhiều đất đai là đúng. Nhưng hiện nay, thuế đất phi nông nghiệp chưa đủ để cho người sử dụng đất tiết kiệm và không chống được đầu cơ. Chẳng hạn Hàn Quốc thuế đất cao hơn 3 lần Việt Nam và tại Mỹ thì còn cao hơn nữa.

Về lâu dài, việc nghiên cứu xây dựng một sắc thuế đối với bất động sản là cần thiết nhưng vào thời điểm nào, mức thuế ra sao thì cần phải xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cần sửa ngay. Nhà nước cần đánh thuế thật cao đối với các dự án mua biệt thự để đầu cơ, bỏ không, không sử dụng.