Đề xuất 71 dự án năng lượng tái tạo tại Lâm Đồng

Nguyễn Cảnh - 15:45, 08/05/2022

TheLEADERSở ngành tỉnh Lâm Đồng vừa đề xuất danh mục 71 dự án điện năng lượng tái tạo có khả năng nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2021 – 2030, với tổng công suất khoảng 2.300MW.

Đề xuất 71 dự án năng lượng tái tạo tại Lâm Đồng
Với gần 7.000 hồ chứa thủy lợi cùng lượng bức xạ được đánh giá là lớn hàng đầu thế giới, Việt Nam được cho là có tiềm năng lớn về điện mặt trời nổi (ảnh: hồ Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng)

Về điện gió, có hai dự án (Tà Năng 1,2 với tổng công suất khoảng 298MW, điện lượng trung bình 992 triệu kWh/năm) đã trình Bộ Công thương nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch.

Ngoài ra còn có 14 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 984MW, điện lượng trung bình năm khoảng 3.000 triệu kWh, do các nhà đầu tư khảo sát, báo cáo. 

Một số trường hợp có công suất lớn trên 50MW như: điện gió Đơn Dương (128MW), Ninh Gia (100MW), Di Linh (150MW), Cầu Đất giai đoạn 2 (90MW), Ninh Loan – Đà Loan (100MW)…

Liên quan tới điện mặt trời, theo Sở Công thương thông tin, ghi nhận sáu trường hợp (tổng công suất khoảng 428MW) được đề xuất nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2021-2030. Đây là sáu dự án điện mặt trời (đều nằm trên các hồ thủy điện tại Lâm Đồng) đã trình Bộ Công thương nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch.

Điển hình gồm các nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện Đại Ninh (96MW), hồ thủy điện Đồng Nai 1 (khoảng 40MW) và hồ thủy điện Đồng Nai 2 (240MW).

Đồng thời, còn có sáu dự án điện mặt trời (tổng công suất khoảng 274MW) do các nhà đầu tư khảo sát, báo cáo. Các nhà máy này đều có công suất dưới 100MW, và nằm trên các hồ thủy lợi như Đạ Hàm, Ka La, Krông Nô 3, ĐamB’ri 1, Đạ Sị, Đắk Long Thượng.

Ngoài ra, danh mục đề xuất còn có 43 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 347MW, điện lượng trung bình năm khoảng 1.120 triệu kWh.

Như TheLEADER đã thông tin, sở ngành địa phương tỉnh Lâm Đồng từng bày tỏ quan ngại đối với một trường hợp điện mặt trời nổi đề xuất xây dựng trên hồ Đại Ninh.

Theo đó, điện mặt trời nổi Đại Ninh (đặt tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) có công suất khoảng 120MWp, sản lượng điện dự kiến khoảng 201MWh/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng.

Theo đề xuất, dự án có diện tích lắp đặt pin nằm trên một phần diện tích mặt hồ nằm trong lòng hồ thủy điện Đại Ninh (chiếm khoảng 7,6 - 20,5% diện tích mặt hồ và vị trí lắp pin nằm ở phía Nam của hồ chứa thủy điện Đại Ninh (hồ Đa Queyon).

Diện tích đất, mặt nước có thời hạn khoảng 143ha, trong đó diện tích sử dụng mặt nước là 142ha (112ha lắp pin và 30ha vùng bảo vệ an toàn cho tấm pin). Nếu được thông qua, dự án sẽ được tỉnh đấu thầu hoặc đấu giá theo quy định.

Tuy nhiên, ngay trước khi được báo cáo tới tỉnh, dự án đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí lo ngại về pháp lý cũng như khả năng ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái hồ Đại Ninh và khu vực lân cận.

Cụ thể, các tác động đến chức năng của hồ Đại Ninh là thay đổi cả định hướng không gian quy hoạch, vùng đệm của khu vực với đô thị và mục tiêu của đồ án quy hoạch chung cho khu du lịch hồ Đại Ninh và của các vùng lân cận thụ hưởng hệ sinh thái của hồ.

Đồng thời, việc lắp dựng các tấm pin mặt trời tạo nên bức xạ và gây chói lóa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp khu vực xung quanh. Do đó, chưa có cơ sở để thống nhất vị trí dự án điện mặt trời nổi Đại Ninh tại hồ Đại Ninh.

Thứ hai, ghi nhận cảnh báo từ Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh, thành phần chế tạo pin mặt trời có chứa than chì, nếu không kiểm soát tốt, than chì bị phát tán vào nguồn nước hồ chứa phục vụ cấp nước sinh hoạt sẽ rất nguy hiểm.

Tháng 11/2019, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ra văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố có hồ thuỷ lợi khi quyết định chủ trương đầu tư đối dự án điện mặt trời nổi chỉ thực hiện ở vùng bán ngập của hồ chứa và công nghệ sử dụng không được ảnh hưởng đến chất lượng nước và an toàn công trình. Các dự án điện mặt trời ở khu vực này cũng không được sử dụng ắc quy và các thiết bị có khả năng gây ô nhiễm trong khu vực lòng hồ.

Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ hồ chứa thuỷ lợi phải lưu ý vấn đề đảm bảo an toàn công trình và chất lượng nước hồ. Đặc biệt, với các hồ chứa có nhiệm vụ cấp nước cho sinh hoạt, hồ sơ khảo sát nghiên cứu cần đánh giá tác động của việc che phủ mặt nước, tỷ lệ diện tích che phủ của tấm pin mặt trời so với diện tích mặt hồ.

Theo dự kiến, văn bản hướng dẫn liên quan đến việc đánh giá tiềm năng, xây dựng, quản lý vận hành các dự án điện năng lượng mặt trời trong phạm vi bảo vệ hồ chứa thủy lợi sẽ được ban hành vào năm 2020.