Nhiều quan ngại với dự án điện mặt trời nổi trên hồ Đại Ninh

Nguyễn Cảnh - 13:41, 26/05/2021

TheLEADERMột dự án điện mặt trời nổi công suất 120MWp nằm gọn trên mặt hồ chứa thủy điện Đại Ninh và lọt giữa siêu đô thị - du lịch tỷ đô đã được quy hoạch 7 năm trước, đang được các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia.

Nhiều quan ngại với dự án điện mặt trời nổi trên hồ Đại Ninh
Đề xuất xây dựng dự án điện mặt trời nổi trên lòng hồ Đại Ninh đang vấp phải nhiều quan ngại từ chính các sở, ngành tại Lâm Đồng.

Sở Công thương Lâm Đồng vừa tổng hợp ý kiến của các sở ngành trong tỉnh và đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương bổ sung quy hoạch dự án nhà máy điện mặt trời nổi Đại Ninh vào quy hoạch điện VII điều chỉnh (hoặc quy hoạch điện VIII).

Về nguồn gốc, đây là dự án thí điểm do ADB hỗ trợ Việt Nam thông qua Bộ Công thương, EVN. 

Chương trình hỗ trợ kỹ thuật số 9012 – Hỗ trợ kỹ thuật cải cách ngành điện Việt Nam và đã chỉ định một đơn vị tiến hành nghiên cứu tiền khả thi và cung cấp hỗ trợ đấu thầu cho 1 dự án điện mặt trời nổi công suất 50-200MWp sẽ được đấu giá vào 2020/2021.

Trên cơ sở 47 địa điểm có thể triển khai, lựa chọn được 3 địa điểm hồ Thủy điện (Đại Ninh, Thác Mơ và Trị An). Cuối cùng, địa điểm hồ thủy điện Đại Ninh được chọn. 

Công ty TNHH Tư vấn năng lượng VATEC - một thành viên của liên doanh tư vấn gồm Suntrace (Đức), VATEC (Việt Nam) và SERIS (Singapore) - được ADB chọn làm tư vấn trình hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án vào quy hoạch điện quốc gia.

Điện mặt trời nổi Đại Ninh (đặt tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) có công suất khoảng 120MWp, sản lượng điện dự kiến khoảng 201MWh/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng.

Theo đề xuất, dự án có diện tích lắp đặt pin nằm trên một phần diện tích mặt hồ nằm trong lòng hồ thủy điện Đại Ninh (chiếm khoảng 7,6 - 20,5% diện tích mặt hồ và vị trí lắp pin nằm ở phía Nam của hồ chứa thủy điện Đại Ninh (hồ Đa Queyon). 

Diện tích đất, mặt nước có thời hạn khoảng 143ha, trong đó diện tích sử dụng mặt nước là 142ha (112ha lắp pin và 30ha vùng bảo vệ an toàn cho tấm pin). 

Nếu được thông qua, dự án sẽ được tỉnh đấu thầu hoặc đấu giá theo quy định.

Ngay trước khi được báo cáo tới tỉnh, dự án đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí lo ngại về pháp lý cũng như khả năng ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái hồ Đại Ninh và khu vực lân cận.

Thứ nhất, đối chiếu Quyết định 704/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, vị trí mặt nước với định hướng không gian khu du lịch hồ Đại Ninh được xác định: Khu du lịch hỗn hợp tham quan, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng, giải trí thể thao; Tổ chức không gian hồ do có mặt hồ lớn và khí hậu ấm áp là yếu tố thuận lợi cho hoạt động vui chơi giải trí mặt nước không thể có ở Đankia và Tuyền Lâm; Hình thành không gian xanh ven mặt nước kết nối giữa đô thị Liên Nghĩa và các khu resort. Dải ngăn cách này duy trì hành lang sinh thái trên toàn bộ vùng quy hoạch.

Khu du lịch hồ Đại Ninh là khu nghỉ dưỡng, du lịch hỗn hợp, du lịch thể thao mặt nước.

Ranh giới của khu du lịch dưới tán rừng có quy mô khoảng 4.000ha, trong đó đất phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khoảng 1.500ha, đất du lịch hỗn hợp khoảng 120ha, còn lại là đất rừng phòng hộ và mặt nước cần bảo tồn.

(Theo định hướng phát triển không gian du lịch sinh thái rừng và các hoạt động du lịch của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận - Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ)

Sở Xây dựng Lâm Đồng phân tích, các tác động đến chức năng của hồ Đại Ninh là thay đổi cả định hướng không gian quy hoạch, vùng đệm của khu vực với đô thị và mục tiêu của đồ án quy hoạch chung cho khu du lịch hồ Đại Ninh và của các vùng lân cận thụ hưởng hệ sinh thái của hồ.

Đồng thời, việc lắp dựng các tấm pin mặt trời tạo nên bức xạ và gây chói lóa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp khu vực xung quanh. Do đó, chưa có cơ sở để thống nhất vị trí dự án điện mặt trời nổi Đại Ninh tại hồ Đại Ninh.

Thứ hai, theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh, phần bố trí các đảo điện mặt trời nổi nằm giữa 3 phân khu chức năng (khu dân cư trú đông Asian, khu biệt thự mùa hè và khu đô thị trung tâm) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (còn gọi là khu đô thị Nam Đà Lạt). 

Vì vậy, cần lấy ý kiến của Sở Xây dựng, Sở Văn hóa thể thao và du lịch đối với ảnh hưởng không gian quy hoạch, vùng đệm của khu vực.

Đặc biệt, Sở Văn hóa thể thao và du lịch cảnh báo, thành phần chế tạo pin mặt trời có chứa than chì, nếu không kiểm soát tốt, than chì bị phát tán vào nguồn nước hồ chứa phục vụ cấp nước sinh hoạt sẽ rất nguy hiểm. 

Mặt khác, nhà máy điện mặt trời nổi cần nước để làm sạch hoặc làm mát các thiết bị, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước. 

Đây là vấn đề cần làm rõ, sở này đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật thông tin nhằm đảm bảo khách quan, chính xác, phù hợp với tình hình triển khai dự án khu đô thị Nam Đà Lạt.

Cần nói rõ hơn về tầm quan trọng của hồ chứa Đại Ninh và thủy điện Đại Ninh đặt trong khả năng bị ảnh hưởng chất lượng nguồn nước.

Dự án thủy điện Đại Ninh thuộc bậc thang thứ 2 trên sông Đồng Nai, được xây dựng trên địa bàn hai tỉnh: Hồ chứa và đập tràn thuộc địa phận huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng); Nhà máy thuộc địa phận huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), có công suất 300MW, sản lượng điện trung bình năm 928 triệu kWh. Công trình có nhiệm vụ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia và chuyển nước từ sông Đồng Nai sang sông Lũy, tạo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho tỉnh Bình Thuận.

Hồ chứa thủy điện Đại Ninh rộng 2.000ha được hình thành qua hai đập chính cao gần 60m, bốn đập phụ, hai đập tràn sự cố và một kênh nối thông giữa hai hồ, dẫn nước từ sông Đồng Nai thuộc tỉnh Lâm Đồng tạo thành hồ chứa với tổng dung tích 320 triệu m3 nước, ở cao trình khoảng 640m, cách thành phố Đà Lạt khoảng 40km. 

Nước xả từ thủy điện Ðại Ninh còn là nguồn phục vụ cho thủy điện Bắc Bình (công suất 33MW) và cung cấp luợng nước đáng kể cứu cho khoảng 40.000ha đất nông nghiệp có nguy cơ sa mạc hóa ở huyện Bắc Bình và phía Bắc thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).

Do đó, nếu chất lượng nước hồ chứa Đại Ninh bị ảnh hưởng (bởi vấn đề pin mặt trời) sẽ gây tác động rất lớn tới sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt người dân ở cả một khu vực rộng lớn thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận.

Xoay quanh việc đề xuất UBND tỉnh báo cáo bổ sung quy hoạch dự án điện mặt trời nổi nêu trên, Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (chủ đầu tư khu đô thị Nam Đà Lạt) cho biết chưa thống nhất với đề xuất trên. 

Công ty này cho rằng, việc tiến hành đầu tư dự án điện mặt trời nổi tại hồ Đại Ninh sẽ gây ảnh hưởng hệ sinh thái, nguồn nước và cảnh quan của hồ và cả khu vực.

Khu đô thị Nam Đà Lạt có tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, diện tích lên đến hơn 3.595ha (trong đó có 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp), bao gồm 6 phân khu chính: Lavender Bay (27ha, 37 cao ốc 8-10-12 tầng), Summer Palace (300ha), Paradise Island (180ha), Davos Hills (263,6ha, khách sạn 6 sao có casino), Flower Palace (640ha) và Sun Gate (6,1ha).

Sài Gòn - Đại Ninh cho biết, đã được tỉnh cấp chứng nhận đầu tư thực hiện dự án (tháng 12/2010); đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất, thuê rừng đề triển khai dự án khu đô thị Nam Đà Lạt (tại quyết định năm 2011). 

Công ty này cũng cho biết đang là chủ đầu tư dự án khu đô thị Nam Đà Lạt với đầy đủ hồ sơ pháp lý như chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, thuê đất. 

Hiện có hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chuẩn bị đầu tư vào dự án nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid nên chậm lại.