Leader talk

Di sản văn hóa – cái giá nào cho phát triển kinh tế?

Nhà báo Công Thắng* Thứ sáu, 28/09/2018 - 09:19

Ai cũng biết phát triển kinh tế không thể thiếu hoạt động đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư bất động sản tuy nhiên, trên thực tế, chính lợi ích đã và đang làm biến dạng nhiều quy hoạch, không gian kiến trúc xưa và hủy hoại nhiều di sản văn hóa của các thành phố, đô thị.

Gần đây câu chuyện Dinh Thượng Thơ ở Sài Gòn lại một lần nữa (trong rất nhiều lần) khiến báo chí và dư luận xã hội nóng lên với vấn đề: phải chăng phát triển kinh tế luôn mâu thuẫn với việc bảo tồn di sản văn hóa? Điều gì khiến nhiều di sản vô cùng quý giá của tiền nhân phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại hay hủy hoại?

Đã có nhiều hội thảo, kiến nghị về vấn đề này. Bài viết này nhấn mạnh một số ý xoay quanh hai vấn đề chính: việc nhận biết giá trị của các di sản văn hóa và tác động của các quan niệm phát triển kinh tế đối với di sản.

Nhận biết hay không thừa nhận?

Trước nhất, trong việc nhận biết giá trị của di sản văn hóa lâu nay xã hội, luật pháp vẫn khẳng định di sản văn hóa là tài sản quý báu của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, là cầu nối quá khứ - hiện tại, là yếu tố đóng góp vào sự phát triển bền vững… nhưng thực tế, việc nhận biết rõ ràng giá trị di sản văn hóa là điều không đơn giản, không phải ai cũng nhận ra được, trừ khi nó đã quá tiêu biểu, quá nổi tiếng. Nó đòi hỏi phải có sự am hiểu lịch sử, một trình độ chuyên môn và mỹ học nhất định.

Di sản văn hóa – cái giá nào cho phát triển kinh tế?
Nhà báo Công Thắng chia sẻ tại Tọa đàm "Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản kiến trúc” do TheLEADER tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM

Chẳng hạn, với nhiều người dân bình thường (không phải dân chơi hoặc buôn bán đồ cổ), những chiếc đĩa cổ Mai Hạc rất quý có khi không có giá bằng thứ đĩa sứ Trung Quốc màu mè bày bán tràn lan trên thị trường.

Mặt khác, các di sản văn hóa thường ẩn chứa dấu tích lịch sử - văn hóa rất sâu sắc, có cái đẹp đặc biệt tinh tế dù vẻ ngoài cũ kỹ rêu phong hay đổ nát mà nếu không bảo đảm tính nguyên gốc của nó sẽ làm giảm giá trị di sản rất lớn. 

Chẳng hạn, chỉ một việc dùng màu sơn mới vàng chói lòe loẹt thay vì màu vàng đất như vốn có từ xa xưa, để phủ lên tòa nhà Bưu điện Sài Gòn - công trình kiến trúc thời Pháp có hơn trăm năm tuổi - cũng đủ gây ra phản ứng bất bình cả với giới kiến trúc sư và nhiều tầng lớp cư dân. May là ngành bưu điện đã tiếp thu ý kiến và sơn lại cho phù hợp.

Nói chung, từ chỗ không nhận biết giá trị của di sản văn hóa người ta đã đối xử với di sản rất tệ. Tình trạng nhiều người dân lấn chiếm, buôn bán tràn lan, xâm hại đền miếu cổ, hoặc lấy gạch đá xưa ở những di tích thành cổ về xây nhà là chuyện vẫn thường xảy ra.

Nhưng không chỉ người dân thiếu hiểu biết, mà ngay nhà quản lý văn hóa, chính quyền địa phương nhiều lúc cũng không nhận thức được hoặc cũng có thể là chủ ý không muốn thừa nhận giá trị và ý nghĩa tồn tại của một di sản, dù thực ra họ không thiếu kiến thức về di sản đó. Trường hợp sau mới là đáng nói nhất!

Trở lại chuyện Dinh Thượng Thơ như để minh chứng điều này. Tháng 5/2018, cuộc họp báo về việc đề xuất phá bỏ Dinh Thượng Thơ theo phương án mở rộng, nâng cấp trụ sở UBND TP. HCM, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM đã nói rằng, dinh này không nằm trong danh sách di tích bảo tồn của ngành văn hóa – thể thao, cho nên không cần bảo tồn (báo Người Lao Động, ngày 2/5/2018). Có lẽ nào trong chức vụ đang đảm nhận, vị này lại không biết công trình này là một di tích kiến trúc đặc sắc, tồn tại gần 130 năm?

Ở đây, có thể nêu ra câu hỏi: do đâu mà công trình cổ này không được đưa vào danh mục di tích của TP. HCM? Thật ra, nếu nó không nằm trong danh mục di tích thì chính quyền TP. HCM hoàn toàn có thể bổ sung thêm vào danh mục trước đó. Và mới đây – tháng 8/2018 - chính sở này đã đề xuất việc công nhận di tích đó, sau phản ứng mạnh mẽ của dư luận.

Những sai lệch tai hại trong tư duy phát triển kinh tế

Từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế thị trường (thường được hiểu theo cách đơn giản và phiến diện) đã nổi lên xu hướng chạy đua xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, xem nhẹ việc phát triển đời sống văn hóa, tinh thần cho cộng đồng. 

Tất nhiên không thể phủ nhận việc mở mang, xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ tốt nền kinh tế - xã hội trong thời gian qua ở các tỉnh thành, đô thị lớn. Nhưng cũng cần ghi nhận một tình trạng phát triển không cân đối: đó là sự bùng nổ trong việc xây dựng rất nhiều trung tâm thương mại hoành tráng, hội trường bề thế, cao ốc văn phòng ngất ngưởng nhưng lại rất thiếu những khu vui chơi cho trẻ em, thư viện, sân thể thao, công viên, nhà hát như dư luận, báo chí thường kêu ca lâu nay.

Chẳng hạn, ở Nam Bộ nói chung, cải lương là một di sản phi vật thể quan trọng, đáng bảo tồn và trước đây nhiều sân khấu cải lương hoạt động rất mạnh, nhưng bây giờ, ngay ở TP. HCM, như nhận xét của tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, chúng ta không thể tìm ra một nhà hát cải lương nào có thể sáng đèn hằng đêm. Liệu chính quyền đã có những hỗ trợ cần thiết và hiệu quả như thế nào để vực dậy sân khấu cải lương?

Hoặc như trường hợp Thủ Thiêm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo Nguyễn Quốc Tuấn từng nhận xét: Nhà nước quy hoạch đô thị Thủ Thiêm cho hàng triệu dân sinh sống, nhưng trong bản quy hoạch không hề có bất cứ công trình tôn giáo nào là một thiếu sót (Vietnam Net, 9/5/2018). 

Không những thế, tu viện Mến Thánh Giá, nhà thờ Thủ Thiêm cũng được xem xét di dời trong khi đáng lẽ phải bảo tồn và cho xây thêm để đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng của cư dân sở tại. 

Ở đây cũng cần nhắc thêm là ngay một di sản văn hóa có hơn 300 năm (gần bằng sự ra đời của Sài Gòn) là đình Thông Tây Hội – ngôi đình xưa nhất của cả Nam bộ, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, phải kêu cứu từ nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa có được nguồn kinh phí trùng tu thích đáng.

Ai cũng biết phát triển kinh tế không thể thiếu hoạt động đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư bất động sản. Đương nhiên vì bài toán kinh doanh nên họ luôn mong muốn các khu đất vàng, đất kim cương mà thường các khu đất này đều ở trung tâm, có các di sản văn hóa trên đó. Lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, trên thực tế, đã và đang làm biến dạng nhiều quy hoạch, nhiều không gian kiến trúc xưa và hủy hoại nhiều di sản văn hóa của các thành phố, đô thị.

Khu trung tâm TP. HCM là một ví dụ tiểu biểu: mặc dù từng có những đề xuất của giới chuyên gia nên quy hoạch giữ nguyên nơi này chủ yếu như một khu vực bảo tồn, còn phát triển đô thị mới (hoặc các đô thị vệ tinh) thì xây dựng ở những vùng ven, nhưng nhiều năm qua khu trung tâm vẫn là điểm nóng xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa việc phá bỏ các công viên lâu đời, không gian, di tích kiến trúc và xây mới các cao ốc ngất ngưởng, các khu phức hợp thương mại bề thế hào nhoáng…

Với nhiều nước tiên tiến, khi phát triển, mở rộng các đô thị, họ vẫn tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc: lưu giữ tách biệt những khu vực phố cổ, những khu vực có nhiều di tích lịch sử văn hóa từ xa xưa đến giờ giữa các khu đô thị mới. Và họ rất tự hào về các khu phố cổ, các khu di tích văn hóa lịch sử ấy, đồng thời chính chúng cũng thu hút đông đảo du khách khắp nơi, mang lại nguồn thu rất lớn về du lịch.

Nếu như trước đây thành phố thực hiện theo quy hoạch đó thì có lẽ sẽ tránh được việc phải đập bỏ, xóa sổ các công trình kiến trúc xưa từng là hình ảnh tiêu biểu của khu nội thành xưa như công viên Chi Lăng, nhiều biệt thự thời Pháp có kiến trúc rất đẹp (ở Q 1, Q3), hàng cổ thụ gần cả trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng…

Cũng cần nói thêm, trong tình trạng phát triển nóng vội, không ít nhà quản lý muốn hiện đại nhưng do thiếu nền tảng khoa học, văn hóa, không tìm hiểu đến nơi đến chốn đã dẫn đến xu hướng bê tông hóa tràn lan, vội vàng xóa bỏ cái xưa cũ (cho là lạc hậu, không hiện đại!) để xây mới theo kiểu khoa trương hào nhoáng nhưng mà vô hồn. 

Tình trạng này tạo ra cảm giác như một người mới thoát nghèo, khấm khá lên, xủng xoẻng tiền trong túi đã vội tìm cách che giấu quá khứ cơ hàn của mình (thậm trí quay lưng lại với cả người thân), “gồng mình” làm mới mọi sự. Phải chăng đó là biểu hiện của một thứ mặc cảm vừa cao ngạo tự tôn lại vừa tự ti?

Rất nhiều ngôi đình, đền, chùa cổ kính hàng trăm năm với kiến trúc truyền thống được xếp hạng di tích ở nhiều nơi đã bị phá bỏ để xây lại bằng bê tông cốt sắt và các vật liệu mới tinh rất “hiện đại” mà chùa Trăm Gian ở Hà Nội – di tích cấp quốc gia, hàng nghìn năm tuổi - là một “nạn nhân” tiêu biểu! 

Có những cổ thành hàng bốn trăm tuổi bỗng dưng bị xây mới để biến thành “cái lò gạch” một tuổi như Thành nhà Mạc Tuyên Quang. Ngay cả quần thể cung đình, lăng tẩm triều Nguyễn ở Huế vốn được quan tâm tu bổ cũng không tránh khỏi một số công trình bị “trẻ hóa, rẻ hóa”, như có nhà báo đã gọi!

Cho rằng phát triển đương nhiên phải dứt khoát hy sinh theo cách “hai chọn một”, phải trả giá đắt – đó cũng là một lối tư duy cực đoan duy kinh tế sai lệch và tai hại. Từ quan niệm này đẻ ra thói xem thường, xem rẻ các di sản văn hóa. Ở đây, cần phải đặt câu hỏi: có phải giữa phát triển và bảo tồn luôn luôn ở thế mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn không?

Thực ra, nếu còn có lòng trân quý các di sản của tiền nhân và chịu khó suy nghĩ, tùy trường hợp chúng ta vẫn có thể tìm ra những giải pháp ổn thỏa cho các bên, chứ không nhất thiết phải một mất – một còn. 

Một câu hỏi tiếp: trả giá là như thế nào? Thực tế, có nhiều cái giá khác nhau: có cái giá thấp, có giá vừa phải mà chúng ta chấp nhận được, lại có cái giá “trời ơi”, giá cắt cổ, không thể chấp nhận được. Và câu hỏi cuối cùng: ai phải chịu trả giá?

Bây giờ thì nhiều cư dân thành phố khi đi trên đường Tôn Đức Thắng (TP. HCM) mới mở trống trải trơ trọi đều không khỏi xót xa khi chẳng còn thấy hàng cổ thụ cả 100 tuổi từng là chứng nhân bao thăng trầm của thành phố, làm nên con đường vào loại đẹp nhất Sài Gòn -TP. HCM và lưu giữ bao kỷ niệm êm đềm của bao đời người. 

Lẽ nào những cổ thụ hiền lành này cản trở sự phát triển thành phố hay chỉ làm cho nó đẹp hơn, có chiều sâu lịch sử hơn? Chúng có đáng bị đối xử như vậy chăng? Có cách xử lý nào khác tốt hơn? Sẽ chẳng có câu trả lời thỏa đáng và những câu hỏi đó cứ tồn tại như một ám ảnh suốt nhiều năm sau.

Nghĩ cho cùng, trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, quan trọng nhất vẫn là liệu chúng ta có thực sự quan tâm – tôn kính, biết ơn và yêu thương di sản tiền nhân hay không. Và phải gắng tỉnh táo, đứng vững trước cơn lốc kim tiền với lòng tham không đáy ồ ạt quét qua. Nếu không, thì không thể bảo tồn. 

Phố cổ Hội An sở dĩ được duy trì, bảo tồn và khai thác hiệu quả như hiện nay, ngoài nhiều yếu tố quan trọng khác, còn do tâm huyết, công sức của một thế hệ lãnh đạo trong đó có ông Nguyễn Sự, một nhà lãnh đạo sinh ra và gắn gần cả đời hoạt động của mình ở đó.

(*) Mời độc giả theo dõi những bài tiếp theo cùng chuyên đề “Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản kiến trúc”

Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị

Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị

Leader talk -  6 năm
Trong quản lý đô thị, quan điểm về việc bảo tồn những giá trị văn hóa - lịch sử hay giá trị ký ức dường như luôn mâu thuẫn rất lớn với quan điểm phát triển theo hướng hiện đại.
Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị

Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị

Leader talk -  6 năm
Trong quản lý đô thị, quan điểm về việc bảo tồn những giá trị văn hóa - lịch sử hay giá trị ký ức dường như luôn mâu thuẫn rất lớn với quan điểm phát triển theo hướng hiện đại.
Với các di sản đô thị, nếu biết trân trọng và nâng niu sẽ tìm ra cách để bảo tồn

Với các di sản đô thị, nếu biết trân trọng và nâng niu sẽ tìm ra cách để bảo tồn

Leader talk -  6 năm

Thành phố nào rồi cũng phải phát triển, rộng lớn, hiện đại hơn, do vậy nhiều công trình xưa cũ có thể phải phá bỏ, cải tạo, thay thế nhưng cái vượt lên trên tất cả là thái độ với lịch sử.

'Quản lý đô thị cần có chiến lược, độ sâu trong văn hóa ứng xử'

"Quản lý đô thị cần có chiến lược, độ sâu trong văn hóa ứng xử"

Leader talk -  7 năm

Một chính quyền phục vụ biết lắng nghe, quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của người dân, và mỗi người dân biết rõ và thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng … Văn minh đô thị đến từ đó.

Aqua City của Novaland được gỡ vướng

Aqua City của Novaland được gỡ vướng

Bất động sản -  1 giờ

Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.

Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35

Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35

Diễn đàn quản trị -  3 giờ

Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.

Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam

Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam

Nhịp cầu kinh doanh -  3 giờ

Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?

Leader talk -  4 giờ

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.

VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ

VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ

Nhịp cầu kinh doanh -  4 giờ

VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.

WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi

WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi

Nhịp cầu kinh doanh -  4 giờ

WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.

Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập

Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập

Leader talk -  6 giờ

Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.