Leader talk
Với các di sản đô thị, nếu biết trân trọng và nâng niu sẽ tìm ra cách để bảo tồn
Thành phố nào rồi cũng phải phát triển, rộng lớn, hiện đại hơn, do vậy nhiều công trình xưa cũ có thể phải phá bỏ, cải tạo, thay thế nhưng cái vượt lên trên tất cả là thái độ với lịch sử.
Cần một cái nhìn công bằng với các công trình kiến trúc
Đến tháng 5/2017 (cho đến nay chưa có quyết định nào mới), TP. HCM có 172 công trình, địa điểm được Chính phủ công nhận và xếp hạng di tích (có quyết định do Thủ tướng ký, quyết định do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ban hành). Trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích - lịch sử).
Trong số 96 di tích kiến trúc thì 82% là công trình kiến trúc đình, chùa, miếu, lăng, điện, tịnh xá của người Việt và người Hoa. 15 công trình kiến trúc mang dấu ấn từ thời Pháp, 1 công trình thời Việt Nam Cộng Hòa (tòa Đại sứ Mỹ, đã bị phá bỏ), trong 15 công trình của Pháp có 10 công trình là công sở, 4 trường học, 1 là thủy đài.
1 | Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh |
2 | Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh |
3 | Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh |
4 | Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh |
5 | Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và Ụ tàu |
6 | Khách sạn Continental |
7 | Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh |
8 | Bệnh viện Nhi đồng 2 |
9 | Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh |
10 | Bảo tàng Hồ Chí Minh (Nhà Rồng) |
11 | Thủy Đài, số 1 công trường Quốc tế |
12 | Trường THPT Marie Curie |
13 | Trường Trung học Lê Quý Đôn |
14 | Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong |
15 | Trường THCS Hồng Bàng |
Bảng thông kê các công trình xây dựng thời Pháp được Chính phủ công nhận là di tích
Nhìn vào bảng thống kê này, chúng ta không khó để nhận ra nhiều điều. So với các công trình kiến trúc của Pháp trên địa bàn TP. HCM thì số được xếp hạng quá ít, có lẽ chỉ ước khoảng 5 - 7%.
Rất nhiều công trình có giá trị nhưng không thấy hiện diện như Bưu điện thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố, chợ Bến Thành, trụ sở Hải Quan, Lãnh sự quán Pháp, Trại lính Pháp đầu tiên (nay là trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn và Dược).
Các công trình kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa Giáo được xây dựng bởi người Pháp và người Việt qua các thời kỳ nhưng không có bất kỳ một công trình nào được xếp hạng, cho dù nhiều nhà thờ được coi là tuyệt tác kiến trúc, trở thành hình ảnh biểu tượng của Sài Gòn, xuất hiện trên các trang web du lịch, sách ảnh và bưu thiếp như nhà thờ Đức Bà, Nhà Thờ Tân Định, Nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Chợ Quán, Đại chủng viện Thánh Giuse (số 6, Tôn Đức Thắng),...
Các thánh thất của người theo đạo Hồi và chùa của người Khmer cũng không thấy xuất hiện. Trong số đó có nhiều thánh đường và chùa Khmer có kiến trúc đẹp và độc đáo, chặng hạn Thánh đường Hồi giáo Jamia Al-Musulman (66 Đông Du, quận 1), chùa Chantarangxay (ánh trăng) của người Khmer (147 Trần Quốc Thảo),…
Quận 3, nơi có khá nhiều di tích kiến trúc của người Pháp, nổi bật nhất là các dinh thự, biệt thự của các quan lại, nhân sĩ nhưng không có bất kỳ một di tích nào được xếp hạng.
Có thể khi xếp hạng di tích, những người có trách nhiệm có thể nhận thức chưa tới, có thể có sơ xuất, nhìn chưa toàn diện nhưng dù muốn hay không, khi xã hội nhìn vào đều có cảm nhận là chưa thật khách quan, công tâm và công bằng.
Không phải không có ý kiến cho rằng các công trình kiến trúc của người Pháp là của bọn thực dân xâm lược, đáng lẽ ra phải đập bỏ từ lâu, đập bỏ nó là xoá bỏ dấu ấn của những kẻ xâm lược, hoặc công trình tôn giáo đã từng là đối tượng bị đập bỏ ở thời kỳ còn nhận thức ấu trĩ.
Cần nói thêm rằng, có những công trình mới xây dựng xong năm 2003, chưa khô nước sơn thì đã được công nhận là di sản đặc biệt cấp quốc gia.
Quan điểm của tác giả bài viết này và chắc chắn được nhiều người tán đồng từ lâu: Bất cứ một thành phố lớn nào đều có một lịch sử phát triển lâu dài; để có được một thành phố nhiều triệu dân phải mất nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ; phát triển là một tiến trình, có lúc thăng lúc trầm, có những biến cố bất thường về chính trị.
Hầu như các thành phố lớn trên thế giới hiện nay đều phải trải qua rất nhiều thể chế chính trị khác nhau và có rất nhiều những biến đổi kinh tế - văn hóa và xã hội khác nhau, thậm chí những xung đột chính trị và quân sự làm tổn hại đến cơ sở vật chất, kỹ thuật, cũng như con người của thành phố.
Nhưng dù thành phố của ngày hôm nay có như thế nào, to hay nhỏ, đẹp hay xấu, giàu có hay nghèo nàn, tốt hơn hay tệ hơn quá khứ thì nó vẫn là một sản phẩm của một tiến trình lịch sử do hàng triệu triệu con người, hàng nghìn thế hệ chung tay tạo nên nó.
Dẫu trong số đó có cả những ai đó (cá nhân hay tập đoàn) bị lên án, thì nói cho cùng họ cũng là một phần của thành phố này, có thể họ đã góp phần viết nên một vài trang sách không sáng sủa nhưng lịch sử là như thế, không thể viết lại được mà phải chấp nhận như nó vốn đã và đang có.
Trong dịp kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, ngài Henry Chabert, Phó thị trưởng thành phố Lyon của Pháp đã trân trọng viết lời tựa cho cuốn sách “Sài Gòn 1698 -1998: Kiến trúc, Qui hoạch” với những dòng chữ cảm động: “Thành phố này nói cho cùng là một ký ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước vọng”.
Hai tác giả Việt - Pháp của cuốn sách này là TS.KTS Lê Quang Ninh và KTS. Stéphane Dovert cũng có một quan điểm tương tự: “Một thành phố cũng phần nào là ký ức tập thể của cả một xã hội. Lịch sử dù nhận thức và quan điểm cá nhân có khác nhau - là chất keo gắn bó cộng đồng dân cư tại đây”.
Trong một ý nghĩa tương tự KTS. Francois Tainturies có viết: “Tuy thực dụng trong quyết tâm, các đô đốc Pháp cũng thực sự bị thúc đẩy bởi một viễn kiến hướng về tương lai khi họ gửi gắm trong tác phẩm của mình, đó là xây dựng cho được một thành phố đồ sộ kiểu Pháp”.
Công trình, kiến trúc có ý nghĩa trong không gian kiến trúc và đời sống
Người Pháp bắt đầu tiến hành qui hoạch TP. Sài Gòn một cách bài bản theo mô hình một thành phố ở Pháp bắt đầu từ 1862. Trên diện tích khả nhỏ, chỉ chừng 4,7 km2 người Pháp cho ra đời lần lượt các công trình kiến trúc bắt đầu từ công trình quân sự vào 1870, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng trên nền hai tòa thành cũ của nhà Nguyễn (thành Qui và thành Phụng) một khu quân sự khép kín.
Sau đó các công trình kiến trúc khác lần lượt ra đời theo tầm quan trọng và nhu cầu của bộ máy cai trị, như các công trình quản trị hành chính đầu tiên là tòa nhà Bộ Nội vụ xây dựng 1864 ở 61 Lý Tự Trọng (thường gọi là dinh Thượng Thơ).
Ngày 9/11/1864, Thống đốc Nam Kỳ De La Grandière ra quyết định thành lập Direction de l’ Interieur (Bộ Nội vụ), viết tắt là DI. Cơ quan DI là tổ chức đầu tiên chuyên về hành chính dân sự, có nhiệm vụ quản trị Sài Gòn. Cơ quan có 5 văn phòng phụ trách các lĩnh vực nhân sự, ngân sách, xây dựng, giao thông, bưu điện, canh nông, thương mại, kỹ nghệ, giáo dục, tôn giáo, cảnh sát, mật vụ và xử án.
Sau đó lần lượt các công trình dân sự khác ra đời trong khoảng thời gian 15 - 20 năm. Điều thú vị là vị trí các công trình này được bố cục khá logic và thuận tiện cho người sử dụng (lúc đó là quan chức Pháp và công chức Việt). Công trình này cách công trình kia từ 500-700m thuận tiện cho đi bộ.
Sau khi làm một thủ tục hành chính nào đó ở Dinh Thượng Thơ hay Dinh Xã Tây, mọi người có thể đi tản bộ sang bưu điện gửi thông tin đi đâu đó, cuối tuần đến nhà thờ Đức Bà làm lễ hay coi hát ở nhà hát Opera, khi có bệnh ghé qua bệnh viện Grall (còn gọi là bệnh viện Đồn Đất), khách phương xa tới trú ở KS. Continetal, rảnh rỗi rủ nhau đi chơi chợ Bến Thành, đi vào Thảo Cầm Viên, chơi thể thao ở Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn (nay là Cung Văn hoá Lao Động).
Như vậy, nếu đứng riêng rẽ, công trình dinh Thượng Thơ chưa phải là một công trình kiến trúc độc đáo, đặc sắc hay tiêu biểu cho một trường phái như nhiều người nhận định, nhưng khi đặt nó trong một phông nền xã hội và không gian kiến trúc Pháp cách nay chừng 200 năm sẽ thấy được giá trị của nó.
Khi xem xét giá trị một công trình để giữ gìn tôn tạo hay phá bỏ thì không chỉ xem xét chính bản thân nó, mà cần đặt nó trong một không gian rộng lớn hơn, liên kết nó với các công trình khác, cảnh quan xung quanh và cả văn hoá bản địa.
Cần chắt chiu những di sản lịch sử, kiến trúc và văn hoá
KTS danh tiếng nhất thế kỷ 20 là Le Corbusier có một câu nói đại ý rằng diện mạo của một thành phố có tuổi đời lâu năm giống như một khuôn mặt người, mà đã là khuôn mặt người lớn tuổi thì không thể không có nếp nhăn, có vết nám, thậm chí là cả những vết sẹo, nhưng đó mới là khuôn mặt người, nếu không có chúng thì sẽ là khuôn mặt của ma nơ canh, bóng mịn, vô hồn.
Những di sản văn hoá - lịch sử - kiến trúc chính là những nếp nhăn của khuôn mặt thành phố.
So với Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác như Bangkok, Jakarta, Bắc Kinh thì Sài Gòn- TP. Hồ Chí Minh không có nhiều di sản và di tích hoành tráng. Một phần là do thành phố có tuổi đời còn khá trẻ, phần khác là do chiến tranh liên miên, thời gian tĩnh lặng để tập trung đầu tư vào những công trình ra tấm ra món không dài.
Mặc dù vậy hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố này cũng có được một gia sản khá tươm tất với nhiều công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi được đi vào thơ ca, hội hoạ, nhiếp ảnh vì vẻ đẹp hoàn mỹ của nó.
Trong những năm chiến tranh, các di sản ấy không hề suy chuyển, bởi chiến sự hầu như không diễn ra ở nội thành, một vài trận đánh theo mục tiêu không dính dáng đến các di sản kiến trúc, duy chỉ có hai lần diễn ra ở dinh Thống Nhất. Nhưng điều đau xót là ở chỗ một loạt các di sản lịch sử - kiến trúc bị biến mất lại diễn ra vào thời kỳ đô thị hoá nhanh từ sau 1990.
Cho đến nay, không có đề tài nghiên cứu hay cơ quan nào thống kê thật cụ thể và chi tiết xem những công trình nào đã biến mất khỏi thành phố này.
Chúng ta thử điểm qua những công trình ấy như: Thung lũng xanh ở khu vực trung tâm theo trục Lê Duẩn; Cây cầu sắt trong Thảo Cầm Viên; Tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của thành phố ở khuôn viên sở Cảnh sát PCCC; Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và Ụ tàu;
Cây cầu ba cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á ở kênh Hàng Bàng, quận 6; Toà Đại sứ quán Mỹ; Trại Đavit trong sân bay Tân Sơn Nhất (được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia); Công viên Chi Lăng; Quán cà phê nổi tiếng mang tên Sài Gòn Givral gắn liền với tên tuổi nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn; Thương xá Tax;
Hàng cây trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng; Dãy nhà Shophouse hình ống của người Hoa theo phong cách Nam Trung Hoa ở đường Trần Văn Kiểu; Nhà đèn Chợ Quán; Chợ gạo đầu tiên của Sài Gòn; Chợ Trần Chánh Chiếu; Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm; Một số tháp nước hình nấm; Những hàng đá xanh bó vỉa hè ở quận trung tâm; Cầu Nhị Thiên Đường; Vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn…
Ngoài 18 hạng mục này, chắc là còn nhiều hạng mục khác nữa không chỉ ở trung tâm mà còn ở các quận, huyện ngoại thành; tất cả dần biến mất không còn lại một dấu vết nào, giống như chúng chưa hề có mặt ở thành phố này.
Ai cũng biết việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và xây mới ở khu vực trung tâm thành phố có tuổi đời 300 năm thì thế nào cũng động chạm đến phần cổ, phần cũ của cơ thể thành phố. Trong nhiều trường hợp bất khả kháng thì việc đánh đổi là phải chấp nhận, khi mà cái giá của sự hy sinh tuy là đau xót nhưng cái được đem lại lợi ích lâu dài và lớn gấp nhiều lần. Dẫu là vậy, nhưng ở các nước người ta rất cân nhắc, đắn đo để giữ lại dù chỉ là một hòn đá, cái cây.
Điều cuối cùng mà chúng ta nên biết, trên diện tích 4,7 km2 (quận 1 và một phần quận 3 ngày nay), người Pháp chủ trương thiết kế nên một “Paris nhỏ”, họ chia Sài Gòn ra thành 80 ô phố theo hình bàn cờ (không tính những miếng quá nhỏ), về cơ bản các công trình nằm trên các ô này được giữ cho đến 1990, cho đến nay tất cả các ô phố đều đã được cải tạo, làm mới, chỉ còn duy nhất ô phố nằm gọn trong 4 con đường (Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi) là tương đối nguyên vẹn. Thành phố được xây dựng theo kiểu pháp từ năm 1862, chả lẽ không nên giữ lấy một ô phố nào nguyên vẹn nữa sao?
Thành phố nào cũng phải phát triển, rộng lớn hơn, hiện đại hơn, do vậy nhiều công trình xưa cũ có thể phải phá bỏ, cải tạo, thay thế, nhưng cái vượt lên trên tất cả là thái độ với lịch sử. Một khi biết trân trọng, nâng niu thì sẽ tìm ra những giải pháp hợp lý nhất, ít tổn thất nhất không chỉ về cảnh quan, mà hơn hết là tình cảm của những người yêu thành phố này.
(*) Mời độc giả theo dõi đón đọc các bài tiếp cùng chuyên đề: Lưu giữ di sản kiến trúc qua ký hoạ đô thị
Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.