Đo áp lực lạm phát nửa cuối năm

Ngọc Hân - 14:12, 05/07/2024

TheLEADERDiễn biến khó lường của tình hình thế giới cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để sẽ tác động tới lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam bình quân sáu tháng đầu năm nay tăng 4,08% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng bình quân các năm từ 2015 đến 2023 và chỉ thấp hơn một chút so với mức của hai năm 2017 và 2020. 

Áp lực tăng giá hàng hóa và dịch vụ nửa đầu năm nay không quá lớn, sự gia tăng chủ yếu là do điều chỉnh giá các dịch vụ trong lĩnh vực y tế và giáo dục trong quý III năm ngoái.

So với cuối năm ngoái, CPI mới chỉ tăng 1,4%, trung bình 0,23% mỗi tháng. Trong quý II vừa qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,1% mỗi tháng, mức vừa phải trong năm năm gần đây.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính dự đoán sáu tháng cuối năm áp lực lạm phát không đủ lớn để gây ra những vấn đề nghiêm trọng. 

Lý do được ông Độ đưa ra là mặc dù nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm nay đạt mức 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt mức 6,5 nhưng chỉ tăng trung bình khoảng 5% mỗi năm cho giai đoạn 2020-2024.

Mức tăng này thấp hơn mức trung bình 6,1% của giai đoạn 2014 - 2024, tức là nền kinh tế năm nay vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng.

Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng từ 2020-2024 luôn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9% mỗi năm. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thấp hơn nguồn cung, doanh nghiệp có xu hướng tăng lượng tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.

Tỷ giá tăng đột biến trong sáu tháng đầu năm, tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước, song lạm phát không có dấu hiệu gia tăng. 

Tốc độ tăng trưởng tỷ giá bắt đầu chậm lại từ tháng 3-6/2024 và dự kiến tiếp tục chậm hoặc giảm nếu Fed quyết định hạ lãi suất 1-2 lần và đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế.

Giá dầu thô duy trì ổn định gần đây với biên độ dao động xung quanh 80 USD/thùng và khó có khả năng tăng mạnh trong sáu tháng cuối năm do nguy cơ suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ cũng gia tăng khi Fed tiếp tục duy trì lãi suất cao.

Đo áp lực lạm phát nửa cuối năm
Giá xăng dầu dự báo khó tăng mạnh nửa cuối năm. Ảnh: Hoàng Anh

Lãi suất, mặc dù ở mức thấp, vẫn duy trì ở mức dương và hỗ trợ trong việc kiềm chế lạm phát. Trong sáu tháng đầu năm, cung tiền và tín dụng tăng trưởng thấp, tăng trưởng huy động vốn và tín dụng lần lượt là 1,5% và 4,45%, tính đến ngày 24/6/2024.

Lương cơ bản tăng từ 1/7/2024 chủ yếu trong khu vực công, quy mô không lớn nên tác động từ việc tăng lương đối với lạm phát không quá lớn. 

Dự báo không có nhiều yếu tố gây tăng giá bất ngờ trong sáu tháng cuối năm, ông Độ đưa ra ba kịch bản về lạm phát.

Trong kịch bản cao, giá dầu tăng đều, tỷ giá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng trung bình 0,23% mỗi tháng trong sáu tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 dự kiến 2,8%, lạm phát trung bình cả năm đạt 3,6%.

Ở kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,1% mỗi tháng trong sáu tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 dự kiến 2%, lạm phát trung bình cả năm 3,4%.

Ở kịch bản thấp, kinh tế Mỹ sụp đổ cuối năm, giá dầu và tỷ giá lao dốc, CPI không tăng hoặc giảm, lạm phát so với cùng kỳ vào cuối năm 1,4%, lạm phát trung bình năm 2024 khoảng 3,2%.

Ông Độ cho rằng, về dài hạn, nếu không có các đợt điều chỉnh tăng giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ dao động quanh mức 3,4%, tức là rơi vào kịch bản cao hơn dự báo từ đầu năm 2024 là 3%.

Ông Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính nhận xét, lạm phát tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5 nhờ nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng như lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Theo ông Minh, áp lực lạm phát năm nay có thể đến từ việc điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. 

Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện nửa cuối năm với mức điều chỉnh không quá lớn, ông Minh tin rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% như Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.

Bác bỏ khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay do lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo CPI năm nay tăng 4,2% - 4,5% với với năm ngoái.

Ông Long nhấn mạnh Chính phủ đã thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, ông Long cảnh báo diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực sẽ đặt ra thách thức đối với kinh tế trong nước, cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để, sẽ tác động tới lạm phát.