Đỗ Quang Vinh và hành trình chuyển đổi số của SHB

Trần Anh - 10:07, 02/02/2022

TheLEADERKhối Ngân hàng số của SHB đặt mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong cách làm mới và đưa ra các sáng kiến tài chính số để đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Đỗ Quang Vinh và hành trình chuyển đổi số của SHB
Ông Đỗ Quang Vinh làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối ngân hàng số SHB.

Mới đây, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã bổ nhiệm ông Đỗ Quang Vinh làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối ngân hàng số. Ở tuổi 32, Đỗ Quang Vinh là lãnh đạo trẻ tuổi nhất tại SHB, song nhiệm vụ anh được giao phó lại vô cùng quan trọng, đó là thực hiện dự án chuyển đổi số và hiện đại hóa ngân hàng. Nhiệm vụ vừa là động lực thúc đẩy SHB bứt phá trong thời gian tới, vừa là thách thức khi trước SHB đã có khá nhiều ngân hàng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số.

Mặc dù vậy, ông Đỗ Quang Vinh không e ngại, thậm chí còn đặt mục tiêu đưa SHB trở thành một trong ba ngân hàng số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.

Làn sóng chuyển đổi số ngân hàng diễn ra mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Xu thế này càng được thúc đẩy mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến mọi người hạn chế các hoạt động tương tác trực tiếp và chuyển sang môi trường trực tuyến. SHB đang bắt nhịp với xu thế này như thế nào?

Ông Đỗ Quang Vinh: Chúng ta có thể nhận thấy hiện nay tại hầu hết các ngân hàng đã có sự gia tăng đáng kể mức độ tương tác số giữa các khách hàng hiện hữu và khách hàng mới trên tất cả các kênh số của họ. Tại SHB, chúng tôi có khảo sát và nhận thấy điều này được phản ánh rõ nét thông qua số lượng giao dịch trên nền tảng số đã tăng đáng kể trong hai năm vừa qua, cho thấy khách hàng cảm thấy thoải mái hơn khi giao dịch với những tổ chức tài chính thông qua các kênh số, và họ sẽ tiếp tục thói quen này sau khi đại dịch kết thúc

Để tiếp tục phục vụ nhu cầu của khách hàng và đảm bảo rằng chúng tôi luôn là lựa chọn tốt nhất đối với khách hàng, SHB đang ngày càng đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số để duy trì sức cạnh tranh và tạo vị thế nằm trong top đầu ngân hàng trên thị trường trong nước.

Việc thành lập Khối ngân hàng số tại SHB không những nhằm thúc đẩy một nền văn hóa đổi mới hơn, nhanh nhẹn hơn và lấy khách hàng làm trung tâm. Khối Ngân hàng số sẽ đóng góp chính vào hiệu quả và lợi nhuận của phân khúc doanh nghiệp và bán lẻ của SHB, thu hút nhiều khách hàng hơn thông qua những trải nghiệm hàng đầu thị trường, đồng thời tạo ra sự gắn kết sâu hơn với các khách hàng hiện tại, giảm thiểu các chi phí giao dịch và dịch vụ.

Tôi tin tưởng Khối Ngân hàng số sẽ đóng vai trò tích cực và to lớn trong việc đưa SHB trở thành ngân hàng số nằm trong top 3 tại Việt Nam vào năm 2025.

Đỗ Quang Vinh và hành trình chuyển đổi số của SHB
Ông Đỗ Quang Vinh: "Ở SHB, chúng tôi áp dụng hai vũ khí là phương pháp luận Agile và tư duy thiết kế (Design Thinking) cho hoạt động chuyển đổi số".

Một hệ sinh thái số là điều mà SHB hướng đến?

Ông Đỗ Quang Vinh: Đúng vậy. Hệ sinh thái rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu tài chính và phi tài chính của khách hàng. Là một tổ chức lấy khách hàng làm trọng tâm, chúng tôi luôn và không ngại thay đổi để ngày càng đáp ứng nhiều hơn những nhu cầu của khách hàng. Hệ sinh thái giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về khách hàng của mình, tạo ra trải nghiệm siêu cá nhân hóa và về lâu dài, tạo ra mức độ tương tác cao hơn

Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung vào việc số hóa các nhu cầu cơ bản của tất cả các khách hàng mục tiêu như giao dịch hàng ngày và các khoản vay ngắn hạn, nhằm giúp SHB xây dựng năng lực số hóa đồng thời thể hiện giá trị gia tăng. Chúng tôi tin rằng, để được gọi là hiệu quả hay thành công thì không chỉ tạo ra các tính năng ưa thích mà cần có những trải nghiệm cơ bản, đơn giản và liền mạch, đáp ứng nhu cầu hàng ngày cho khách hàng của mình

Hội đồng quản trị SHB, Ban điều hành cũng toàn thể cán bộ nhân viên luôn đề cao tầm quan trọng của chuyển đổi số, luôn khuyến khích và hỗ trợ những tư duy mới trong cách chúng tôi thiết kế, phát triển và quản lý trải nghiệm số. Trong năm 2022, mọi người sẽ được thấy rất nhiều trải nghiệm số mới từ ngân hàng SHB.

Trước SHB, nhiều ngân hàng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ông có cảm thấy ngân hàng đã chậm chân?

Ông Đỗ Quang Vinh: Là ngân hàng đi sau, SHB sẽ không có được lợi thế của người dẫn đầu, tuy nhiên lại có thế mạnh vì được tiếp cận với các xu hướng mới hơn, học tập từ tinh hoa và bài học kinh nghiệm của các ngân hàng trong và ngoài nước, từ đó rút ngắn quá trình triển khai.

Chuyển đổi số không phải đích đến mà là một hành trình, và cũng chưa có ai đủ tự tin để nói rằng mình đã thực sự chuyển đổi số thành công. Vì vậy, ở SHB, chúng tôi xác định đây là mục tiêu lớn, dài hạn, cần tập trung nguồn lực cũng như đầu tư về công nghệ kịp thời và đúng cách.

Đầu tư về công nghệ sẽ rất tốn kém và đôi khi không hiệu quả, song nhờ bước chậm mà chắc giúp chúng tôi tránh được những vết xe đổ, định vị được chiến lược rõ ràng và phương pháp cụ thể ngay từ đầu, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ và đặc biệt phải có kết quả.

Phương pháp cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số của SHB mà ông nhắc tới ở đây là gì?

Ông Đỗ Quang Vinh: Ở SHB, chúng tôi áp dụng hai vũ khí là phương pháp luận Agile và tư duy thiết kế (Design Thinking) cho hoạt động chuyển đổi số.

Với phương pháp luận Agile, đây là phương pháp làm việc được định nghĩa bởi 4 giá trị cốt lõi: Con người và sự tương tác quan trọng hơn quy trình và công cụ; Giải pháp có giá trị tốt hơn tài liệu đầy đủ; Hợp tác với khách hàng quan trọng hơn đàm phán hợp đồng; Ứng phó, phản hồi với các thay đổi hơn là đi theo kế hoạch lập sẵn.

Khi áp dụng phương pháp này, chúng tôi nhận được nhiều thành tựu quan trọng như thời gian đưa ra giao phẩm nhanh hơn; Nhân sự gắn kết tốt hơn; Gia tăng trải nghiệm của khách hàng; Giảm các cản trở từ ký kết và bàn giao. Từ đó tạo ra giá trị cho khách hàng và lợi nhuận cao hơn cho cổ đông. Với phương pháp luận này, SHB đã và đang tạo ra văn hóa và cách làm việc mới để xây dựng năng lực chuyển đổi số cho hệ thống. Trong quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là phương pháp luận phù hợp nhất tại thời điểm hiện tại để các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số thành công.

Trên cơ sở phương pháp luận Agile, SHB áp dụng tư duy thiết kế (Design Thinking). Đây là một giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề với cốt lõi lấy con người làm trung tâm. Khi bạn ngồi xuống để tạo ra một giải pháp cho nhu cầu kinh doanh, câu hỏi đầu tiên phải luôn là con người – khách hàng cần gì đằng sau nó? Bạn mang tới giải pháp, giải quyết vấn đề gì cho họ?

Ông Đỗ Quang Vinh: 3 lợi ích lớn khi áp dụng Design Thinking đó là khả năng tập trung vào các vấn đề cốt lõi. Design Thinking không chỉ có mục đích là sự sáng tạo và đổi mới, nó đặc biệt đi thẳng vào việc tạo lập giá trị và giải quyết những vấn đề. Nhờ đó mà bạn có thể nhìn thấy cốt lõi của vấn đề thay vì triệu chứng của chúng. Thứ hai là khả năng tận dụng tư duy nhóm. Bằng cách xây dựng các nhóm mà phương pháp này mang lại nhiều tiếng nói, thúc đẩy trí thông minh, kinh nghiệm và chuyên môn của tập thể. Có nhiều góc nhìn đa dạng giúp đưa ra các giải pháp sáng tạo hơn. Cuối cùng, Design Thinking thúc đẩy tinh thần sáng tạo. Không có một ranh giới nào giữa sếp với nhân viên trong quá trình thực hiện Design Thinking và cũng không có bất kỳ sự phê phán nào trong quá trình đi tìm ý tưởng giải quyết vấn đề. Chính vì thế, Design Thinking thúc đẩy tinh thần sáng tạo của toàn thể đội ngũ giúp doanh nghiệp có những giải pháp chất lượng nhất, tính thực tiễn cao nhất.

Tuy rằng đây là những phương pháp luận mới song SHB mong muốn tạo ra được văn hóa và môi trường để cho các nhân sự có thể thoải mái sáng tạo, triển khai nhanh và chạy nhiều vòng lặp để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng một cách sớm nhất. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể triển khai chuyển đổi số thành công.

Đỗ Quang Vinh và hành trình chuyển đổi số của SHB 1
Ông Đỗ Quang Vinh: Với SHB, các giá trị cốt lõi đặt khách hàng là trọng tâm, không ngừng đổi mới và coi trọng phát triển con người.

Ông nhấn mạnh việc thoải mái sáng tạo là khía cạnh quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh sáng tạo trong một ngành truyền thống như ngân hàng có mâu thuẫn không?

Ông Đỗ Quang Vinh: Cách vận hành truyền thống đã đem lại những thành công ban đầu không thể phủ nhận. Do đó, thay đổi tư duy và phương thức hoạt động chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ ngân hàng nào, song đây là điều phải có trong thời đại công nghệ 4.0.

Trong tương lai, đổi mới sẽ là điểm khác biệt chính cho các ngân hàng số khi họ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các công ty công nghệ tài chính

Nhiều tổ chức trong khu vực đã chứng minh rằng một nền văn hóa với cách làm việc, tư duy đổi mới có thể tăng cường đáng kể sự tương tác với khách hàng hiện hữu cũng như tiếp cận khách hàng mới, đồng thời tạo ra hiệu quả vượt trội. Sự thành công của KakaoBank ở Hàn Quốc, từ một nền tảng trò chuyện trực tuyến đã phát triển lớn mạnh thành ngân hàng số lớn nhất Hàn Quốc và là ngân hàng đầu tiên IPO ra thị trường, đồng thời cũng là một ví dụ điển hình để chúng ta tham khảo.

Với SHB, các giá trị cốt lõi đặt khách hàng là trọng tâm, không ngừng đổi mới và coi trọng phát triển con người, khối Ngân hàng số của SHB đặt mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong cách làm mới, là một tập thể với các thành viên trẻ trung, ham học hỏi, tư duy sáng tạo đổi mới, dám nghĩ dám làm, khiêm tốn, đồng thời cũng là đơn vị tiên phong trong việc đưa các sáng kiến tài chính số để đem lại lợi ích cho cộng đồng. Có như vậy việc chuyển đổi số mới tạo ra các giá trị bền vững cho khách hàng, ngân hàng và cộng đồng.