Doanh nghiệp bổ sung tài sản bảo đảm khi cổ phiếu giảm mạnh

Trần Anh - 10:25, 25/05/2022

TheLEADERCông ty Phát triển BĐS Phát Đạt sử dụng gần 15 triệu cổ phiếu PDR của ông Nguyễn Văn Đạt làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 500 tỷ đồng huy động cuối năm ngoái. Gần đây, giá cổ phiếu PDR lao dốc khiến công ty phải bổ sung thêm 1,7 triệu cổ phiếu theo yêu cầu của Công ty Chứng khoán Bản Việt.

Hôm 23/5, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thông báo Công ty Phát triển BĐS Phát Đạt đã hoàn thành việc bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu phát hành vào cuối tháng 12/2021. Trong đợt phát hành này, VCSC đóng đóng vai trò là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo và nhận cầm cố cổ phần.

Việc bổ sung tài sản đảm bảo diễn ra sau khi giá trị tài sản đảm bảo gốc bị suy giảm xuống dưới mức cho phép theo điều khoản và điều kiện của đợt phát hành trái phiếu.

Cụ thể, khi phát hành đợt trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng bên trên, Phát Đạt đã sử dụng khoảng 10 triệu cổ phiếu PDR do ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch của Phát Đạt sở hữu làm tài sản bảo đảm. Giá thị trường của cổ phiếu PDR khi đó dao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/ cổ phiếu.

Đến tháng 4, sau khi Phát Đạt chia cổ tức bằng cổ phiếu 36%, số cổ phiếu cầm cố tăng lên gần 15 triệu cổ phiếu và giá điều chỉnh về mức khoảng 70.000 đồng/ cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu PDR liên tục lao dốc theo đà giảm của thị trường xuống vùng 5x những phiên gần đây.

Phát Đạt phải bổ sung tài sản bảo đảm khi cổ phiếu lao dốc
Giá cổ phiếu PDR giảm mạnh trong 2 tháng qua

Hôm 19/5, theo quy định của hợp đồng cầm cố cổ phần, VCSC đã tính giá bình quân gia quyền khối lượng 5 phiên gần nhất của PDR với kết quả là 55.013 đồng, tương đương với giá trị của tài sản bảo đảm chỉ còn 823 tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ tài sản bảo đảm/ dư nợ gốc trái phiếu rơi xuống 164%, thấp hơn mức yêu cầu tối thiểu là 180%.

Theo quy định của điều kiện phát hành trái phiếu, trong vòng 2 ngày làm việc Phát Đạt phải bổ sung tài sản bảo đảm để đạt tỷ lệ 180%. Trong trường hợp Phát Đạt không thực hiện, đơn vị quản lý tài sản bảo đảm sẽ có quyền bán tài sản bảo đảm nhằm thu hồi một phần/toàn bộ nghĩa vụ trái phiếu.

Sau khi bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR, tổng giá trị tài sản bảo đảm/ dự nợ trái phiếu đã tăng lên 183%. Nếu giá cổ phiếu PDR tiếp tục giảm khiến tỷ lệ này thấp hơn 180%, VCSC có thể sẽ tiếp tục yêu cầu Phát Đạt bổ sung tài sản bảo đảm.

Ngược lại, Phát Đạt có thể rút bớt tài sản bảo đảm nếu tỷ lệ trên vượt quá 230%, nhưng khi đó tỷ lệ duy trì không được thấp hơn 200%.

Phát Đạt không phải là doanh nghiệp duy nhất phải bổ sung thêm cổ phiếu làm tài sản đảm bảo. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một đợt điều chỉnh mạnh, nhiều cổ phiếu giảm từ 40 – 60% giá so với mức đỉnh. Điều này đã tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp huy động vốn sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo.

Cuối tháng 3, Công ty Cổ phần Vinhomes thông báo đã nộp tài sản đảm bảo bổ sung cho lô trái phiếu mệnh giá gần 2.100 tỷ đồng. Trước đó, hồi tháng 1, Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland) cũng phải bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu có tổng mệnh giá 1.300 tỷ đồng.

Các đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu lớn như TCBS cũng liên tục cập nhật kết quả định giá tài sản bảo đảm các trái phiếu do công ty này đóng vai trò quản lý tài sản bảo đảm như trái phiếu của CII, Vinsmart, Thành Thành Công - Biên Hòa, Novaland.....Phần lớn các trái phiếu này vẫn có tổng giá trị đáp ứng được điều kiện về giá trị bảo đảm tối thiểu theo quy định tại các điều kiện trái phiếu.

Việc bổ sung tài sản bảo đảm bên cạnh việc tuân thủ các điều khoản và điều kiện của đợt phát hành trái phiếu, đồng thời cũng là động thái giúp các nhà đầu tư trái phiếu yên tâm nắm giữ khoản đầu tư, đặc biệt sau sự cố của Tân Hoàng Minh khiến nhiều nhà đầu tư muốn rút vốn trước hạn.