Doanh nghiệp du lịch thay đổi để thích ứng sau dịch

An Chi - 11:15, 17/10/2021

TheLEADERƯu tiên đón khách nội địa với các chuyến đi nghỉ dưỡng gần, ngắn ngày đang là xu hướng mới trong nhu cầu của khách du lịch sau dịch, đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự phục hồi.

Doanh nghiệp du lịch thay đổi để thích ứng sau dịch
Ngành du lịch nỗ lực thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới sau dịch.

Xu hướng du lịch đã thay đổi

Ngay khi tỉnh Quảng Ninh cho phép các điểm đến du lịch được hoạt động trở lại, Tập đoàn Sun Group mở cửa khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh đón khách từ ngày 1/10 và cáp treo Nữ Hoàng dự kiến đón khách từ đầu tháng 11/2021.

Sun Group cũng dành nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho người dân. Đơn cử như tại Yoko Onsen Quang Hanh, từ nay đến ngày 30/11, khu nghỉ dưỡng có ưu đãi với mức giá giá chỉ 999.000 đồng/người bao gồm vé và một bữa ăn nhẹ theo phong cách Nhật Bản.

Theo bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh khối Sun World (Tập đoàn Sun Group), đây là chương trình tri ân mà doanh nghiệp dành cho người dân Quảng Ninh nhằm kích cầu du lịch và chuẩn bị sẵn sàng cho tâm thế để đón khách ngoại tỉnh ngay khi tỉnh và các cơ quan quản lý cho phép.

Bà Nguyện cho rằng, sau thời gian dài dịch bệnh và giãn cách xã hội, khi bắt đầu mở cửa các hoạt động, doanh nghiệp cần tái định vị lại ngành du lịch, chú trọng hơn đến cách truyền thông, quảng bá và đón tiếp du khách để họ trở lại và chi tiêu tốt hơn.

Không chỉ Sun Group, nhiều doanh nghiệp du lịch khác cũng đang nỗ lực thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới sau dịch. 

Mặc dù không còn có thể đưa ra được mức giá giảm sâu cho khách hàng bởi doanh nghiệp không còn nhiều dư địa, bản thân doanh nghiệp cũng phát sinh nhiều chi phí liên quan tới quy định phòng chống dịch như phí xét nghiệm nhanh Covid-19, giảm 50% công suất hoạt động; song Tập đoàn Flamingo vẫn cam kết du khách sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Flamingo, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, doanh nghiệp sẽ cung cấp dịch vụ cung cấp thêm các tiện ích, ưu đãi về dịch vụ để thu hút du khách. Chẳng hạn, với Flamingo, một số dịch vụ trước đây vốn phải mất phí thêm chi phí thì bây giờ đã bao gồm trong đơn giá. Du khách có thể trải nghiệm nhiều tiện ích mới. Bên cạnh đó, khách du lịch cũng cảm thấy thoải mái, được phục vụ chu đáo hơn khi đi du lịch với mật độ không quá đông do doanh nghiệp chỉ duy trì 50% công suất phục vụ.

Với các bữa ăn, nếu như trước đây chỉ tập trung tập trung vào một nhà hàng thì hiện nay, do giãn cách nên doanh nghiệp sẽ triển khai thêm một số nhà hàng mới. Điều này đồng nghĩa với du khách sẽ có thêm không gian sân vườn để trải nghiệm, vừa an toàn chống dịch vừa thêm cảm xúc, tránh nhàm chán.

Những động thái thay đổi mới của doanh nghiệp được cho là bước đi rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi mặc dù vẫn tập trung ưu tiên đón khách nội địa trong bối cảnh chưa mở cửa với quốc tế, song theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc Vietsense Travel, thị hiếu khách du lịch sau dịch bệnh Covid-19 sẽ có sự thay đổi rất lớn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời đưa ra những gói sản phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Thứ nhất, do lo ngại dịch bệnh, khách hàng sẽ không còn lựa chọn đa điểm đến và các điểm đến vệ tinh như trước đây. Thay vào đó sẽ là đơn đích chỉ còn điểm đến đích. Du khách sẽ lựa chọn một khu nghỉ dưỡng nhất định và trải nghiệm tại đó trong suốt hành trình của mình

Thứ hai, thời gian chuyến đi du lịch sẽ bị rút ngắn. Thay vì các tour du lịch dài, Covid-19 đã khiến quỹ thời gian đi du lịch của khách hàng không còn cho những chuyến dài ngày.

Xu hướng thứ ba là sự dịch chuyển từ du lịch bình dân sang du lịch cao cấp. Qua việc tương tác với khách hàng, ông Tài cho rằng, các khách hàng có mong muốn du lịch có mức chi trả lớn, thay vì nhu cầu đại trà.

Xu hướng thứ tư về phương thức giao dịch. Nếu như trước đây, du khách có thói quen đến tận công ty để giao dịch để có sự yên tâm thì hiện nay, việc tiếp xúc trực tiếp không còn ưu tiên, các phương thức tương tác đặt dịch vụ qua email và các công cụ số được sử dụng chủ yếu.

Điều này đặt ra yêu cầu về chuyển đổi số của doanh nghiệp, khả năng làm chủ các kênh bán điện tử của chuyên viên tư vấn để thực hiện các giao dịch hoàn toàn trên điện tử.

Đồng quan điểm, ông Hoan cũng cho rằng, đối với tiến trình mở cửa du lịch nội địa trước mắt, các loại hình du lịch có thể mở cửa sớm nhất là du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày, khám phá cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm du lịch tại chỗ với các dịch vụ đơn giản; sau đó hội nghị, hội thảo, phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp.

Đối tượng khách du lịch đầu tiên mà doanh nghiệp hướng tới vẫn là khách gia đình, nhỏ lẻ; tiếp theo nhóm khách của cơ quan tổ chức, doanh nghiệp đi cùng mục đích. Các tuyến đi, trước mắt là tuyến đi gần, phương tiện đường bộ, cá nhân, mang tính chất nội tỉnh, nội vùng; tiếp đó, du khách có thể tham gia các chuyến đi xa hơn trong nước.

Về địa bàn khai thác du lịch, đầu tiên các khu vực quanh đô thị lớn, trong phạm vi bán kính 2 giờ ô tô chạy, dành cho tuyến đi nghỉ dưỡng, xa hơn là các điểm đến như Mộc Châu, Hà Giang, Ba Bể, Pù Luông. Tại miền Trung, du khách có thể tham gia hành trình di sản miền Trung, Tây Nguyên mùa hoa dã quỳ.

Tại miền Tây du khách có thể tham gia các tour du lịch mùa nước nổi, du lịch trải nghiệm sinh thái khép kín với điểm đến như nhà vườn, các gia đình có thể thuê riêng một căn biệt thự sinh thái kết hợp trồng cây, bắt cá.

Sau dịch, xu hướng về dòng sản phẩm của khách hàng sẽ có sự thay đổi lớn, đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự phục hồi, ông Hoan nhận định.

Doanh nghiệp cần thích ứng kịp thời

Để doanh nghiệp có thể thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới, ông Tài chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang thay đổi để hướng đến khách hàng mục tiêu là người dân có sức chi trả cao, sử dụng dịch vụ cao cấp thay vì các gói du lịch đại trà phổ thông, giá rẻ cho số lượng nhiều như trước đây. 

Trước đây số lượng khách hàng và doanh số là thước đo của sự hiệu quả. Hiện giá trị lợi nhuận/khách hàng mới là thước đo chính. Doanh nghiệp coi trọng tỷ suất lợi nhuận thay vì quy mô và doanh thu bán hàng.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng hướng đến sản phẩm cá nhân hoá, gia đình hoá thay vì tour đoàn doanh nghiệp và tổ chức như trước. Du lịch nội địa là xu hướng chủ đạo và tập trung khai thác hai năm tới. Các sản phẩm sẽ thay đổi thị trường khách mở rộng hơn trước đây. 

Trước đây, Vietsense chỉ tập trung khai thác khách ở Hà Nội, TP. HCM nhưng hiện nay sẽ hướng đến thị trường khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Phạm vi khai thác rộng hơn nhưng thu hẹp về sản phẩm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào vận hành và các phương thức giao dịch kinh doanh. Trước đây, công ty mới chỉ ứng dụng công nghệ vào marketing online nhưng hiện đã ứng dụng vào kênh bán hàng trực tuyến, điều hành tổ chức cũng được thiết lập hệ thống thông suốt qua các hệ thống phần mềm tích hợp (ERP, CRM...).

Đồng quan điểm, bà Nguyện cũng cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp du lịch hiện nay. Trước khi có dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp đã bắt đầu trong giai đoạn chuyển đổi số, nhưng từ khi dịch bệnh ập đến, việc chuyển đổi số đã được đẩy nhanh gấp 2 lần.

Trên các nền tảng xã hội các kênh về chuyển đổi số cung cấp dịch vụ bằng không chạm, một chạm, hai chạm thông minh. Hay du khách không cần xếp hàng mà vẫn dễ dàng mua vé nhanh chóng, thuận tiện. Từ đó, tạo ra những cảm xúc tuyệt vời hơn cho du khách.

Song song với đó, các doanh nghiệp cần nâng cấp sản phẩm cần được đầu tư, chú trọng nhiều hơn đến trải nghiệm, chú trọng đến thiên nhiên, cảnh đẹp nhằm thu hút khách hàng. 

Nhiều nghiên cứu đều cho thấy, hơn 40% du khách Việt Nam và châu Á rất quan tâm đến vấn đề "check-in" cảnh đẹp khi đi du lịch. Vì thế, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc vào các tiểu cảnh check-in.

Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiêm túc và không ngừng làm mới sản phẩm để thu hút du khách trở lại thêm nhiều lần nữa. Các điểm đến cần có những sản phẩm mới, giàu cảm xúc để nâng cao chất lượng và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ xứng tầm, từ tâm, từ trái tim chạm đến trái tim.

Đơn cử, tại các khu du lịch của Sun Group tại Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Tây Ninh, Phú Quốc… mỗi năm, doanh nghiệp đều có ít nhất một công trình hoặc sản phẩm mới để du khách cảm thấy luôn bị hấp dẫn.

Đối với thị trường quốc tế, doanh nghiệp cũng cần định hướng lại các tệp khách, dòng khách hàng. Doanh nghiệp cần quan tâm đến những tệp khách của mình để xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu, thị hiếu. Đặc biệt, cần bỏ cách làm theo hướng Việt Nam là điểm đến giá rẻ, hãy định hướng Việt Nam là điểm du lịch thân thiện và đang ngày càng hưởng đến những trải nghiệm tốt cho du khách. Định hướng theo con đường giá rẻ sẽ không thể phát triển bền vững được trong bối cảnh hiện nay.

Thời gian trước mắt, khi ngành du lịch vẫn chủ yếu đón khách nội địa, bà Nguyện cho rằng, các khu du lịch cần có cách làm mới để du khách chi tiêu nhiều hơn. Thực tế, du khách nội địa chi tiêu trong nước khá thấp, nhưng khoảng 10 triệu lượt du khách đi du lịch nước ngoài mỗi năm lại có mức chi tiêu không hề nhỏ.

Dự kiến những tháng đầu năm 2022, lượng du khách nội địa đi du lịch nước ngoài vẫn chưa nhiều. Đây chính là cơ hội để những người làm du lịch định vị và tái định vị để thu hút dòng khách cao cấp này đến các khu du lịch trong nước, bà Nguyện nhận định.