Doanh nghiệp dược 'miễn nhiễm' với lạm phát

Trần Anh - 15:29, 31/05/2022

TheLEADERVới ngành dược, cấu thành chi phí sản xuất sẽ phân mảnh và ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu như đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2020 - 2021.

Trong khi hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đang phải đối mặt với khó khăn do lạm phát, ngành dược được xem là ngoại lệ.  Dược phẩm là một ngành phòng thủ với nhu cầu ổn định qua các thời kỳ, vì vậy triển vọng sẽ chắc chắn hơn so với các ngành khác trong trường hợp nền kinh tế suy thoái.

Báo cáo mới đây của SSI Research đánh giá, hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao, có chi phí đầu vào ổn định hơn so với các ngành khác.

Cụ thể, chi phí đầu vào bình quân của hầu hết các công ty dược phẩm đều có tỷ trọng khá tương đồng: 60% chi phí nguyên vật liệu, 20% chi phí nhân công, 10% chi phí quảng cáo/tiếp thị, 4% khấu hao, 3% chi phí R&D và 3% thuộc chi phí logistics và các chi phí khác.

Mặc dù chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng được chia nhỏ thành nhiều loại hoạt chất và dược phẩm khác nhau. Do đó, cấu thành chi phí sản xuất sẽ phân mảnh và ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu như đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2020 - 2021.

Việc Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid” trong năm 2022 mặc dù kéo dài hơn năm 2020, nhưng vẫn chưa ghi nhận bất kỳ tác động đáng kể nào đến chuỗi cung ứng nguyên liệu dược phẩm do các tỉnh sản xuất dược phẩm chính như Hồ Bắc, Sơn Đông, Giang Tô hiện có chưa có chính sách phong tỏa nghiêm ngặt nào.

Hơn nữa, Ấn Độ, quốc gia sản xuất nguyên liệu thuốc lớn thứ 2, hiện đang đẩy mạnh mở rộng công suất với ưu đãi về vốn lên tới 200 triệu USD và các ưu đãi về thuế đăng kể khác nhằm thay thế vị trí thống trị của Trung Quốc trong thị trường cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc. Nhiều nhà cung cấp hơn tới từ Ấn Độ sẽ giúp hạ nhiệt giá cả của các nguyên liệu dược phẩm trong thời gian tới.

Đặc biệt, theo PwC, năm 2022 có thể là một năm phục hồi của các hoạt động M&A toàn cầu sau 2 năm bùng phát dịch, với giá trị các thương vụ M&A ngành dược trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 32% so với cùng kỳ. Hoạt động tìm kiếm thương vụ M&A cũng đang được các công ty dược phẩm đẩy nhanh khi họ đã giữ một lượng tiền mặt dồi dào tích lũy được trong giai đoạn nhu cầu thuốc tăng cao do dịch bệnh.

Hiện các công ty dược phẩm nước ngoài đang đẩy nhanh tìm kiếm M&A khi giữ được lượng tiền mặt dồi dào trong giai đoạn nhu cầu thuốc tăng cao. Theo đó, những công ty dược niêm yết của Việt Nam với cơ cấu cổ đông hợp lý, tỷ lệ thả nổi thấp, sẽ được chú ý.

SSI Research ước tính kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022 nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc. Nửa cuối năm 2022 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh của số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện và hoạt động đấu thầu thuốc diễn ra bình thường trở lại. Sang năm 2023, tăng trưởng có thể tăng chậm lại nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức khả quan.

Sự tăng trưởng của ngành dược có thể thấy ngay trong 3 tháng đầu năm 2022, giai đoạn bùng phát biến chủng Omicron, dược phẩm tiếp tục tăng trưởng tích cực, mặc dù nhu cầu thuốc trong bênh viện phục hồi chậm. Những thuốc điều trị Covid được thương mại hóa giúp doanh thu kênh nhà thuốc tăng đột biến.

Mặt khác, doanh thu toàn ngành cũng có thể được kích thích tăng trưởng do cuộc đua mở mới chuỗi nhà thuốc. Ba chuỗi lớn nhất cả nước là Long Châu, An Khang, Pharmacity đang mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh thành cả nước.

Theo khảo sát của IQVIA, năm 2016 cả nước có 55.300 hàng thuốc, trong đó 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc, chiếm khoảng 1% thị phần.

Năm 2021, tuy các quy định được thắt chặt với thuốc không kê đơn và tiêu chuẩn nhà thuốc, tổng cửa hàng giảm còn 44.600 đơn vị, nhưng có tới 1.600 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc, chiếm khoảng 4%.

Tham vọng của 3 chuỗi nhà thuốc hàng đầu được SSI dự đoán sẽ đưa tổng số nhà thuốc lên 7.300 đơn vị trong năm 2025, chiếm 16% thị phần. Các hàng thuốc mới này sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho và kích thích doanh thu ngành dược cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2-5 năm tới.

Mặc dù vậy, các chuỗi nhà thuốc này vẫn kinh doanh phần lớn thực phẩm chức năng và thuốc nhập khẩu, do đó, mức tăng trưởng đột biến về số lượng cửa hàng của các chuỗi này không đồng nghĩa với mức tăng trưởng tương đương với doanh thu của các DN sản xuất dược phẩm trong nước.