Doanh nghiệp FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thua lỗ

Nguyễn Cảnh - 17:23, 07/10/2023

TheLEADERTổng lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI năm 2022 trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu vượt 32.000 tỷ đồng, tăng hơn 7.340 tỷ đồng so với năm 2021.

Doanh nghiệp FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thua lỗ
Chủ đầu tư trực tiếp quản lý Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam - Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn báo lỗ 1.600 tỷ đồng. Ảnh: cucgiamdinh.gov.vn

Thông tin từ Sở Tài chính Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tính đến hết năm 2022, địa bàn tỉnh ghi nhận 334 doanh nghiệp FDI hoạt động. Trong số này, các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Hàn Quốc (88 doanh nghiệp), hoạt động đa phần ở lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo (225 doanh nghiệp).

Đến cuối năm ngoái, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 435.260 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong khi tổng vốn đầu tư trong năm tăng thêm 8.370 tỷ đồng, các doanh nghiệp ghi nhận tổng lỗ lũy kế hơn 32.150 tỷ đồng (tăng hơn 7.300 tỷ đồng so năm 2021).

Các số liệu tài chính cho thấy, để có 1 đồng tài sản, doanh nghiệp FDI phải vay 0,63 đồng. Hệ số tổng nợ phải trả/tổng vốn chủ sở hữu là 1,7 lần, cho thấy tài sản của doanh nghiệp FDI được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ.

Năm 2022, tổng doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp FDI tại Bà Rịa – Vũng Tàu giảm hơn 18.400 tỷ đồng so với năm liền trước.

Bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp FDI cũng khá ảm đạm, khi 151 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế nhưng giá trị lại giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so năm liền trước. Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo.

Cũng trong ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, có tới 166 doanh nghiệp lỗ (tổng cộng gần 13.000 tỷ đồng). Số lượng doanh nghiệp kinh doanh gặp lỗ giảm, nhưng tổng giá trị lỗ lại tăng gần 7.000 tỷ đồng so năm 2021.

Sở Tài chính cảnh báo, các ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính ngân hàng có thể không đủ khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Đồng thời, khả năng thanh toán ngay các khoản nợ của các doanh nghiệp FDI cũng không tốt ở các lĩnh vực vừa nêu và cả ngành kinh doanh bất động sản.

Điểm một số trường hợp doanh nghiệp FDI trong công nghiệp, chế biến chế tạo ghi nhận lỗ mạnh trong năm 2022 gồm: Công ty TNHH Posco – Việt Nam (lỗ gần 4.500 tỷ đồng), Công ty Thép Posco Yamato Vina (9.450 tỷ đồng), Công ty China Steel & Nippon Steel Việt Nam (gần 3.000 tỷ đồng), Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam (12.700 tỷ đồng)…

Một số doanh nghiệp tên tuổi gặp lỗ đáng chú ý khác như Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (khoảng 1.600 tỷ đồng), Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam (khoảng 6.200 tỷ đồng).

Đáng chú ý, với ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động xổ số, cá cược và đánh bạc, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm dẫn đầu về lỗ trong năm 2022 với gần 9.900 tỷ đồng.

Xét toàn cảnh, các doanh nghiệp FDI năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hơn 50% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lỗ trước thuế. Hiệu quả sử dụng tài sản, hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI chưa cao.

Cũng theo Sở Tài chính, tác động lan tỏa của FDI đối với khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế. Thu hút FDI chủ yếu vào công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp nặng) trong khi ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng.

Nguyên nhân của tình trạng trên, đến từ một số vấn đề cơ bản như: nhiều quy định chồng chéo, thiếu nhất quán, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án còn hạn chế,… đã tác động đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tiến độ triển khai dự án.

Ngoài ra, còn có lý do về việc chưa chuẩn bị tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp, giao thông kết nối, hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ để triển khai các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, định hướng thu hút đầu tư thời gian qua chưa xác định rõ ngành mũi nhọn, tính chọn lọc dự án đầu tư chưa cao.