Doanh nhân và âm nhạc

Kim Yến - 09:12, 31/01/2020

TheLEADERNói đến đời sống tinh thần của doanh nhân, không thể không nhắc đến tình yêu âm nhạc.

Hình ảnh những doanh nhân dày dạn trên thương trường bỗng nhiên trở nên thật lãng mạn và nồng nàn khi họ cất tiếng hát giữa bạn bè đã trở thành một nét đẹp văn hoá riêng có của doanh nhân, như một cách thổ lộ lòng mình, chia sẻ những cảm nghiệm đẹp về cuộc đời… Âm nhạc với mỗi người không chỉ là giải trí đơn thuần, mà được đầu tư kỹ càng, chắt lọc tinh tế, thể hiện mỹ cảm sâu sắc và những rung động chân thành.

Có lẽ đó cũng chính là lý do TheLEADER tổ chức một toạ đàm… chưa từng có, “Doanh nhân và âm nhạc”, với những câu chuyện thật cảm động về mỗi người. Có người đến với âm nhạc trước khi làm doanh nhân, có người sau bao thăng trầm của cuộc sống mới tìm thấy niềm vui trong âm nhạc. Mỗi người một câu chuyện khác nhau, và chính âm nhạc đã giúp họ tìm thấy ngọn lửa nồng cháy trong tâm hồn, để thấy mình hồn nhiên trở lại, giúp mình vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể của đời doanh nhân…

Nhân dịp đầu Xuân Canh Tí, hãy lắng nghe “tiếng lòng” của mỗi doanh nhân:

Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC: Trong những thăng trầm của cuộc sống, âm nhạc luôn là người bạn tinh thần giúp tôi bình yên trở lại

Doanh nhân và âm nhạc
Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC.

Bạn bè doanh nhân thường gọi ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC và bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch TTC là “Cặp đôi hoàn hảo”, sự hoàn hảo đã được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh. Nếu ông Thành là một nhà quản trị chiến lược, táo bạo, quyết đoán, có tầm nhìn xa, thì bà Ngọc lại là người phụ tá đắc lực giúp ông hiện thực hóa chiến lược ấy bằng sự linh động và sáng tạo hiếm thấy.

Gắn bó với nhau từ những ngày lang thang khắp miền Tây mang mật rỉ về Sài Gòn sản xuất cồn, chia sẻ với nhau mọi thăng trầm của đời doanh nhân, người phụ nữ xinh đẹp, dịu hiền, thầm lặng ấy đã sử dụng “ quyền lực mềm” của mình một cách rất… phụ nữ, để cùng chồng vượt lên những thử thách tưởng chừng không thể, đưa TTC tỏa sáng với một tầm vóc mới, gặt hái quả ngọt của một tập đoàn đa ngành dẫn đầu cả nước, trong bầu khí quyển nhân văn, có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng doanh nghiệp.

Tận mắt nhìn thấy đôi vợ chồng tri âm tri kỷ “tay trong tay, mắt trong mắt”, cùng hát những bản bolero tình tứ giữa bạn bè, mới thấu hiểu tình yêu lớn lao mà họ giành cho nhau. Phải chăng đó mới chính là tài sản quý giá nhất họ giành cho con cái, thế hệ doanh nhân F2 như Đặng Hồng Anh, Ức My… đang kế tục nghiệp doanh nhân của cha mẹ

Nói về tình yêu âm nhạc, ông Thành chia sẻ, “Nói đến doanh nhân, người ta thường nghĩ rằng chúng tôi chỉ sống vì con số, rất đơn điệu. Nhưng theo tôi, doanh nhân mình cũng ướt át, romantic lắm. Vì âm nhạc làm cho mình gần gũi với mọi người hơn, giúp mình thư giãn, xả được mọi khó khăn…Âm nhạc giúp tôi cân bằng trở lại. Tôi khuyên các bạn doanh nhân trẻ hãy đến với âm nhạc, và coi đó là cơ hội giúp chúng ta thư giãn trong những thử thách liên tục của đời doanh nhân

Trong những thăng trầm của cuộc sống, âm nhạc luôn là người bạn tinh thần giúp tôi bình yên trở lại, thấy yêu đời, yêu người hơn. Tuỳ theo từng chủ đề mình chọn, trong những cuộc gặp gỡ CN CNV TTC, tôi hay hát bài “Nổi lửa lên em”, như một cách để truyền cảm hứng, truyền lửa đến toàn đội ngũ. Còn những cuộc gặp bạn bè thân hữu tâm tình, tôi thích hát những bài về tình yêu, về niềm vui, về mùa xuân… Những bài hát nằm lòng với tôi vẫn là những ca khúc viết về tình yêu, giúp mình thổ lộ thông qua những ca từ mà người nhạc sĩ đã sáng tác về tình yêu tổ quốc, tình yêu bè bạn, tình yêu đôi lứa…

Tình yêu gia đình vẫn là thước đo sâu thẳm nhất của con người, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được hát cùng với bà xã, người mà mình yêu thương nhất. Và như một lẽ đương nhiên, các con của tôi lớn lên trong bầu không khí gia đình lúc nào cũng tràn đầy âm nhạc ấy, nên rất hạnh phúc khi được cùng cha mẹ hát một bài hát yêu thích nào đó. Các cháu đều yêu âm nhạc. Sự kết nối tình cảm trong gia đình thông qua những ca từ của bài hát kỳ diệu lắm. Với bạn bè tôi, âm nhạc cũng là sức mạnh cộng hưởng giúp cho tình bạn được thăng hoa…”

Trần Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty TTT và trường nhạc MPU

Gia đình ông Trần Minh Tâm là điển hình hiếm thấy về tình yêu dành cho âm nhạc, một cuộc chơi công phu, chuyên nghiệp, tràn đầy đam mê của các thành viên trong gia đình dành cho cộng đồng, cho những bé thơ…

Được thành lập từ năm 1992, TTT Corporation hiện là một trong những công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực thiết kế, thi công, trang trí nội thất cao cấp tại Việt Nam. Không chỉ kinh doanh giỏi, ông Trần Minh Tâm còn chơi piano, thổi kèn và nhiều nhạc cụ khác như một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Đam mê âm nhạc, ông còn tổ chức hẳn một trường nhạc cho thiếu nhi. Vợ ông Tâm, một giảng viên Nhạc viện TP.HCM cũng cùng chung giấc mơ MPU với ông, và người con trai lớn của ông là Duy Trần sau khi học về sáng tác và phim và sản xuất âm nhạc tại Mỹ cũng trở về cùng cha viết tiếp giấc mơ này.

Doanh nhân và âm nhạc 1
Trần Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT công ty TTT và trường nhạc MPU.

Một điều thú vị nữa là các thành viên Hội đồng quản trị TTT cũng rất say mê với dự án MPU này, bởi ở đó họ được thể hiện mình, được cùng nhóm "doanh nhân hát" vun bồi tình yêu âm nhạc cho thiếu nhi, như một cách để gieo những hạt mầm nhân ái. Chia sẻ về lý do theo đuổi giấc mơ 10 năm nay đã thành sự thật, cho ra đời nhiều lứa ca sĩ, nhạc sĩ tài năng, dù bây giờ thu mới đủ bù chi, ông Tâm hào hứng kể:

“Định hướng duy nhất của tôi là dạy nhạc nhẹ cho trẻ em. Bắt đầu cũng đơn giản thôi, khi đi làm ăn, bạn bè doanh nhân nhiều, khi đời sống khám khá lên ai cũng muốn có những thưởng thức tinh thần cao hơn cho con cái và cho chính mình. Mình có bà xã dạy trường nhạc, nên ai cũng hỏi thăm nên học nhạc thế nào. Vào trong trường thì học hành quá nghiêm cẩn, học nhạc nhẹ tinh thần nhẹ nhàng hơn, mới đẻ ra chuyện trường nhạc MPU.

Xã hội cũng cần những người có khả năng đàn, hát ngẫu hứng theo cách chơi cho mình và cho mọi người ở các buổi giao lưu cộng đồng cho việc giải trí, giao tiếp thông qua "con đường âm nhạc". Đây là hướng đào tạo bán chuyên và quá trình đào tạo được rút gọn. MPU hướng đến đáp ứng cho nhu cầu này. Một người yêu thích âm nhạc, muốn trang bị kỹ năng để chơi nhạc nhẹ có thể học trong vài tháng hoặc khoảng 2 năm tùy theo nhu cầu.

Trường dạy nhạc là do công ty TTT đầu tư chứ không phải cá nhân tôi. Chúng tôi coi đây là một hướng business. Là Chủ tịch HĐQT nhưng, tôi cũng phải thuyết phục các thành viên về hiệu quả của dự án, được sự chấp thuận mới tiến hành. Chúng tôi cũng lên một kế hoạch cho MPU với những điểm mạnh điểm yếu, hiệu quả kinh doanh, cơ hội và thách thức… Với các công ty khác, có thể việc mở thêm một mảng kinh doanh (khác mảng kinh doanh cốt lõi), sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng TTT "cảm" được nhu cầu thị trường và cùng chia sẻ, thấy được cơ hội, thấy niềm vui nên quyết tâm làm.

Điều hành hoạt động MPU đó là một hoạt động đòi hỏi tính sư phạm, không chỉ làm để vui mà làm sao cho nó có bài bản nữa. Cuối năm 2010, qua Mỹ khảo sát một vài trường dạy nhạc. Tôi ngạc nhiên khi thấy, có những trường dạy nhạc nhìn rất bình thường. Tôi cũng tham khảo các chương trình dạy nhạc ở đây và so sánh với cách làm ở Việt Nam. Chúng tôi mời nhạc sĩ Đức Trí và một số người làm nghề âm nhạc có tâm về giảng dạy tại trường”.

Hỏi ông có cảm thấy áp lực nhiều không khi bước sang lĩnh vực đầu tư mới mẻ này? Ông Tâm cười hạnh phúc:

“Tôi cảm thấy vui khi làm việc ở trường này. Được tiếp xúc với con nít, với học sinh có những thú vị của nó. Ngoài ra, môi trường ở đây cũng tạo cho mình một nếp sinh hoạt mới. Bạn bè, con của bạn bè, các "sếp" của TTT và con tôi cũng đến đây để học, sinh hoạt.

Hiện nay, nếu mặt bằng đó không tính thành chi phí, bởi đây là bất động sản của TTT, thì cũng lời chút đỉnh, khoảng 100 đến 200 triệu thôi. Nhưng tâm huyết của chúng tôi là muốn cho con nít thích học nhạc, mỗi quý, mỗi năm trường đều tổ chức biểu diễn cho từng bộ môn ở nhà hát, coi đó là “bằng tốt nghiệp” thiết thực nhất…

Để mời nhạc sĩ Đức Trí phụ trách chung, làm sao trả lương cho đủ, nhưng vì Đức Trí mê truyền nghề cho thiếu nhi, ở đây anh có thể thoả mãn đam mê. Giấc mộng ấy không ngờ đã kéo dài 10 năm rồi.

Ban đầu cùng Đức Thịnh và một người bạn từ Đức, làm sao ra chương trình nhạc nhẹ dạy cho con nít. MPU đã từng có học trò nhỏ nhất là 4 tuổi, học trò lớn nhất cũng xấp xỉ 60 tuổi…Thực sự phải tạo ra môi trường các em thực sự thích, đó là yếu tố tinh thần quan trọng nhất để ra được cái “mùi” của MPU.

Trung bình số lượng học sinh chừng 300 em mỗi năm, khuyến khích các em học piano là nền tảng chính, từ đó đẻ ra nhiều bộ môn thú vị như saxo. Nhạc sĩ Xuân Hiếu đã nhận dạy miễn phí cho học trò, nhờ có ông thầy tốt ,khoa kèn bùng phát lên… Từ lúc có ba giáo viên tâm huyết, học trò thấy hiệu quả liền, mê học lắm. Ngay cả những con em nghệ sĩ vào trường cũng thấy rất hiệu quả, nhờ thầy giỏi, nhiệt tình

Về dàn dựng sân khấu phải đầu tư thời gian rất kỹ lưỡng, bản thân người thầy phải bỏ công sức cho học trò, nhìn thấy kỹ năng từng em, chăm bón cho tài năng bùng nổ…”

Chia sẻ những trải nghiệm với MPU và với chính gia đình mình qua cuộc chơi kiên trì với âm nhạc, ông Trần Minh Tâm tỏ ra tâm đắc:

“Khi lứa học trò đầu tiên bắt đầu khá, tôi thấy được một số điều, con nít VN rất chịu khó học nhạc, tiếp cận âm nhạc nhanh hơn so với trẻ em thế giới về nhạc nhẹ, cái gì ở thế giới có là Việt Nam có. Dần dần chính tôi cũng không còn nghe nhạc người lớn nữa! Chỉ mong những lần được xem trẻ em biểu diễn, có những bất ngờ rất thú vị. Mình nghe gần hết nhạc tinh tuý, nhưng nhạc mà đám con nít trong trường biểu diễn thì mình về … còn nằm mơ thấy luôn đó, rất xúc cảm, tươi mới

Điều thứ hai, kinh nghiệm từ bản thân gia đình tôi, hai thằng con bị áp học nhạc từ bé. Khi lớn lên, thời gian cho chuyện nhạc rất nhiều. Con lớn theo nghề nhạc luôn, còn thằng nhỏ vẫn coi âm nhạc là đời sống tinh thần chính, ngoài môn thể thao yêu thích là bóng rổ, cháu không hề chơi game. Khi có cái thú ị hơn để tập trung thì đỡ dính với những tạp nham bên ngoài

Thực ra hay không bằng hên, khi lập MPU tôi cũng không nghĩ cái gì cao xa. Trên con đường mình đi có trở ngại, vấp ngã, nhưng mình cứ phát triển lên từ từ. Quý nhất là những học trò lớn lên, tốt nghiệp, lâu lâu vẫn ghé trường chơi, tạo ra không khí gia đình gắn bó. Khi làm việc tập thể với cả ban nhạc, con nít được ngồi với nhau, những luồng kết nối trong quá trình chơi nhạc sẽ tạo nên sự gắn bó khá lâu dài

Cho đến giờ, nếu tính tiền thuê nhà chắc lỗ, nhưng tôi vẫn đầu tư thêm. Ai tính mở trường nhạc tôi khuyên không nên, vì lợi nhuận chỉ chiếm…một phần ngàn! Nhưng cái được chắc chắn sẽ thú vị. MPU tạo ra được một cộng đồng lớn, hội phụ huynh mới là nét độc đáo, gắn bó lâu dài với nhau. Nhiều khi đưa con vô học ngôi trường an toàn cũng an tâm. Bằng tốt nghiệp chính là khi thấy con cái mình đứng trên sân khấu tự tin, có thêm kỹ năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo qua âm nhạc…”.