Leader talk
Nữ CEO bản lĩnh của Thép Việt
Xinh xắn, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm nhường là những cảm nhận bên ngoài khi tiếp xúc với Đỗ Duy Hiếu, cô “con gái rượu” của nhà sáng lập Công ty Thép Việt Đỗ Duy Thái. Nhưng ít ai ngờ rằng, đằng sau sự mềm mại ấy lại ẩn dấu một tinh thần thép, một trái tim biết nghĩ cho người khác.
Bài học từ những gian truân của thế hệ sáng lập
Sinh năm 1983, là con gái độc nhất trong gia đình, những tưởng cô bé lớn lên trong nhung lụa ấy sẽ đươc cưng chiều dữ lắm. Nhưng thực sự, chẳng có nhung lụa, cũng chẳng được nuông chiều, như bao doanh nhân khác, ông Đỗ Duy Thái bắt đầu sự nghiệp của mình đầy gian truân, và Hiếu đã học được nhiều nhất từ những gian truân vất vả ấy của cha, để tự ý thức về con đường của mình.
Óc kinh doanh của cô học được từ ý chí của ba mình, từ sự kiên quyết đi theo một con đường đã chọn dù có chông gai đến đâu và từ triết lý “kinh doanh trước hết phải làm đúng, không chỉ nghĩ cho lợi ích bản thân, mà phải đem lại cái gì cho mọi người”.
Cha mẹ bận rộn triền miên, nên ngay từ nhỏ, Hiếu đã tự làm mọi thứ, tự đến trường từ năm lớp một, tự đóng tiền học phí, tự chọn trường đại học. Luôn giữ vị trí thủ khoa trong lớp, thích làm phong trào, cô lớp trưởng trường quốc tế ấy dường như có tố chất lãnh đạo từ trong máu.
Mạnh về tư duy logic, Hiếu đã chọn cho mình ngành tài chính, để sau này về tham gia công việc kinh doanh cùng với ba. Tốt nghiệp loại ưu khoa quản trị kinh doanh tài chính Đại học Houston (Mỹ), lấy chồng là một giảng viên đại học tại Mỹ, chấp nhận cảnh “vợ chồng Ngưu”, cô quyết định trở về Việt Nam để nối nghiệp cha, để được sống gần cha mẹ, được sống và làm việc ngay trên quê hương mình.
Bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất trong công ty của bố, Hiếu dần khẳng định khả năng của chính mình để hòa nhập vào môi trường kinh doanh sống động của ngành thép. Không nhờ cậy, không dựa dẫm, Hiếu là một trong những gương mặt của “thế hệ thứ tư” trong tập đoàn Thép Việt, những người trẻ ưu tú du học từ nước ngoài về, có kiến thức, tư duy toàn cầu, gắn bó với công ty và muốn cống hiến sức mình cho đất nước.
Ở Thép Việt, dù là vị trí nào Hiếu cũng làm tốt nhất công việc của mình. Trong cách điều hành và quản trị, Hiếu luôn ẩn chứa một “sức mạnh mềm” đầy uy lực. Sau 4 năm trui rèn, cô đã vươn lên chiếc ghế CEO, góp sức cùng công ty củng cố hệ thống nhân sự, đưa nhà máy luyện thép vào hoạt động, giúp thị phần khởi sắc hơn…
Điểm lại những doanh nghiệp dẫn đầu, có thể thấy cuộc chuyển giao nào cũng chịu áp lực từ cái bóng quá lớn của người sáng lập. Cô không quá sức chú tâm đến việc chịu áp lực từ những cái bóng lớn này mà tập trung nhất vào hiệu quả công việc, duy trì được điểm mạnh có sẵn và thổi hồn vào những thay đổi mang tính đột phá, sống và làm việc tử tế.
Đối với nội bộ công ty, phong cách làm việc của Hiếu có sự khác biệt với những người đi trước, luôn trân trọng những giá trị cốt lõi của công ty và biết cách thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Điểm mạnh của Thép Việt là đội ngũ có nền tảng và kinh nghiệm, do đó, cô luôn khuyến khích mọi người tự đề ra các phát kiến và sát cánh với họ để đạt được hiệu quả trong công việc, hoạch định thời gian cho mọi người hiểu và chấp nhận cái mới.
Bên cạnh những điểm mạnh, trong điều hành công ty, cô cũng tự nhận mình đôi khi còn quá chi tiết mà hơi cứng nhắc. Trong các tranh luận với ba mình, thường cô sẽ nói hết quan điểm trong việc đó, rồi tự suy nghĩ kĩ lại quan điểm của người khác. Nếu thấy mình sai thì thừa nhận, nếu thấy mình đúng thì tìm một cách lập luận khác thuyết phục hơn, hoặc số liệu khác xác thực hơn để thuyết phục sếp.
Kinh nghiệm đắt giá để chuyển giao thế hệ thành công
Chia sẻ về kinh nghiệm gia đình trong chuyển giao thế hệ, Đỗ Duy Hiếu nhấn mạnh đến sự chuẩn bị cả về kinh nghiệm sống và kinh nghiệm quản trị, để có thể tiếp nhận cuộc chuyển giao thế hệ này: “Từ bé, một cách rất tự nhiên, tôi đã có cơ hội cảm nhận và tiếp cận công việc kinh doanh của cha mẹ ngay từ lúc lập nghiệp. Khi lớn hơn một chút, cha mẹ chủ yếu dạy tôi các bài học về cuộc sống, cách ứng xử và các kỹ năng khác, nghiêm túc học hành, nâng cao kiến thức, đồng thời khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội. Ba tạo cho tôi cơ hội tìm hiểu công việc, cách vận hành của công ty. Mẹ tôi rất kiên nhẫn giải thích cho tôi nhiều việc rất mơ hồ thuộc phạm trù đúc kết từ kinh nghiệm bởi vì đôi khi tôi cũng rất cứng đầu”.
Nhấn mạnh đến việc hình thành bộ quy tắc ứng xử, như bộ gia quy của dòng họ Đỗ, Hiếu nói: “Xung đột gay gắt giữa hai thế hệ về các giá trị chính là thiếu một bộ quy tắc ứng xử rành mạch trong kinh doanh và gia đình. Việc đưa quản trị hiện đại vào thay thế quản trị theo sự thuận tiện trước hết cần phải có sự đồng thuận và cam kết từ các nhân vật chủ chốt trong doanh nghiệp. Bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh và trong gia đình nhất thiết phải được thiết lập, nhưng quan trọng hơn là nó phải được tôn trọng và thực hiện. Trong việc xây dựng bộ qui tắc ứng xử của doanh nghiệp gia đình, nên chú trọng đến việc tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền quản lý. Hơn nữa, xây dựng cách quản trị khoa học để có thể minh bạch hóa những đóng góp của từng cá nhân cho thành quả chung của công ty. Giáo dục các thành viên trong gia đình ngay từ trước khi họ tham gia vào doanh nghiệp gia đình, tạo dựng một nền tảng đúng về đạo đức trong cuộc sống và kinh doanh, đồng thời giúp họ thấy được sự quan trọng của các nhân tài ngoài gia đình”.
Trong các công ty gia đình, vai trò của người mẹ trong việc thiết lập các giềng mối và văn hóa gia đình là rất quan trọng, Hiếu chia sẻ: “Trong gia đình tôi, mẹ tôi là người giữ được bầu không khí khoáng đạt trong gia đình để các thành viên có chỗ thở. Bà không phải là người nội trợ kiểu mẫu mà cùng tham gia công việc kinh doanh với ba và tôi. Ba thành viên cùng tham gia trong một công ty, đôi khi khó tránh khỏi xung đột trong công việc nhưng mẹ tôi là người có đầu lạnh nhất, có khả năng làm nguội hai cái đầu còn lại. Mẹ tôi là người chịu thương, chịu khó, có lối sống đơn giản và chân thật. Làm việc gì cũng phải cố gắng hết sức, tìm niềm vui trong công việc và biết suy nghĩ cho người khác, đó là những gì tôi phải học từ mẹ để có thể trụ vững trong công việc của mình.
Các thương hiệu gia đình muốn tồn tại được đều dựa trên ý thức của các thành viên trong gia đình, phải đặt lợi ích công ty trên lợi ích cá nhân. Trong doanh nghiệp phải có qui định, qui tắc ứng xử rõ ràng, cách đánh giá hiệu quả công việc minh bạch để các thành viên (dù là người trong hay ngoài gia đình) thấu hiểu định hướng của công ty, cùng nhau đóng góp công sức để đạt được thành quả chung.
Trong quá trình làm việc, người gây ảnh hưởng đến phong cách làm việc của tôi nhiều nhất chính là ba tôi. Ở ông, tôi học được tính chính trực, sự cởi mở và cách đặt niềm tin vào người khác. Khi nhận trách nhiệm mới, với vốn kinh nghiệm còn ít ỏi và không ít “thương tích”, tôi có phần nghi ngại và hơi mất niềm tin trong công việc và con người dẫn đến các khó khăn trong cách giải quyết công việc. Ba tôi đã hướng dẫn tôi cách tiếp cận công việc tốt hơn, lắng nghe những ý kiến khác biệt, nhìn nhận một vấn đề ở các góc độ khác nhau. Ông cũng dạy tôi cách đặt niềm tin vào người khác và nhìn nhận nhiều vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ba tôi, tôi cũng học được rất nhiều từ các cô chú trong gia đình, các cô chú doanh nhân là người đi trước, các anh chị doanh nhân bạn bè, các bạn đồng nghiệp hay những người từng hợp tác với tôi. Mỗi ngày một ít, tôi quan sát và tự học, không sợ mình không biết, chỉ sợ mình không dám hỏi và phấn đấu đạt được những gì còn thiếu sót”.
Nói về cô con gái rượu của mình, ông Đỗ Duy Thái rất kiệm lời, ẩn dấu trong đó là tình yêu thương thăm thẳm ông dành cho con. “Hai lần trong đời tôi đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc, đó là ngày con gái nhận bằng thủ khoa đại học, và ngày con bước lên xe hoa. Theo tôi, cách dạy con tốt nhất chính là từ những việc mình làm. Học hành tốt chưa đủ, cần có đạo đức tốt, ý niệm về những giá trị sống đủ lớn để sống một cuộc đời hạnh phúc thực sự.
Thế hệ trẻ của Thép Việt đi du học về có kiến thức chuyên môn, cách làm việc phù hợp tiến bộ của nhân loại, nhưng cần có thời gian và kinh nghiệm nghề nghiệp để 10 năm sau đủ sức thay thế lớp hiện tại. Tôi nghĩ việc kế nghiệp do con cháu trong nhà hay người ngoài thực hiện là do năng lực quyết định. Đừng bắt con đi theo con đường mình vạch ra, gây sức ép tâm lý chỉ làm con khổ, biết làm tốt một công việc mà mình thích, thế là hạnh phúc”.
Ngọn cờ đào của ông chủ Thép Việt
Ngọn cờ đào của ông chủ Thép Việt
Sự kiên định, bền chí với “ngọn cờ đào” trong kinh doanh và lý tưởng sống, có trách nhiệm với cộng đồng đã giúp nhà công nghiệp Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt, tạo lập được một thương hiệu thép tiên phong hướng đến phát triển xanh.
Kinh nghiệm chuyển giao thế hệ thành công từ các doanh nghiệp gia đình
Chỉ có 30% F2 trong các doanh nghiệp gia đình chuyển giao thế hệ thành công, đến F3 là 12%, và đến thế hệ F4 chỉ còn 3% chuyển giao thành công.
Hai thế hệ doanh nhân đối thoại về quản trị và kế thừa doanh nghiệp gia đình
Các thế hệ sáng lập và kế nghiệp cùng đối thoại và trao đổi tại Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình do TheLEADER.vn phối hợp với Công ty GIBC tổ chức ngày 31/10/2019.
Bài học kế nghiệp thành công của 'thế hệ F1' nhà Thép Việt, Gốm sứ Minh Long
Để có thể tiếp nhận cuộc chuyển giao thế hệ trong các doanh nghiệp gia đình nghìn tỷ, những "công chúa, hoàng tử" cần chuẩn bị cả kinh nghiệm quản trị và kinh nghiệm sống.
Hà Nội thúc tiến độ triển khai loạt dự án trên 'đất vàng'
Việc để các dự án chậm triển khai, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương còn có trách nhiệm lớn thuộc các nhà đầu tư.
PVN xúc tiến nhập khẩu dầu thô với đối tác Trung Đông
PVN vừa đạt được thỏa thuận kinh doanh sản phẩm dầu khí cũng như ngỏ lời hợp tác với một số tập đoàn dầu khí hàng đầu khu vực Trung Đông.
Trải nghiệm Bảo tàng lịch sử quân sự bằng tính năng ảo hóa không gian của YooLife
YooLife vừa ra mắt tính năng ảo hóa không gian VR360 giúp người dân có thể trải nghiệm Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam trên nền tảng số.
Giá điện: Tính đúng, tính đủ để dần xóa bỏ cơ chế bù chéo
Giá điện cần đảm bảo cách tính công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ để dần xóa bỏ cơ chế bù chéo giữa các nhóm khách hàng như hiện tại.
Rủi ro lạm phát cao hơn sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể tác động đáng kể đến kinh tế nước này, kéo theo ảnh hưởng trên các nền kinh tế khác toàn thế giới.
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao nhất năm
Để giảm áp lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bơm ròng hơn 23.600 tỷ đồng ra thị trường liên ngân hàng chỉ trong một ngày.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Dùng AI kiểm soát thương mại điện tử
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những biện pháp được ngành thuế áp dụng chống thất thu thuế trong thương mại điện tử.