Doanh thu Vĩnh Hoàn xuống thấp nhất năm

Trần Anh - 13:40, 19/12/2022

TheLEADERGiai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả trong quý IV của Vĩnh Hoàn.

Theo kết quả kinh doanh vừa mới cập nhật, sau 11 tháng đầu năm, Công ty Vĩnh Hoàn đạt doanh thu xuất khẩu 893 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Xét về cơ cấu, doanh thu cá tra đạt 480 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ và là tháng đầu tiên đi lùi kể từ đầu năm tới nay. Đây vẫn là mảng đóng góp chính vào doanh thu của Vĩnh Hoàn.

Doanh thu mảng bánh phồng tôm chỉ đạt 21 tỷ, giảm 66%. Tuy nhiên, các sản phẩm khác đồng loạt báo doanh thu tăng trưởng hai chữ số. Cụ thể sản phẩm phụ tăng 16%, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng 19%, sản phẩm hỗn hợp tăng 43%, bún và bánh gạo tăng 29%.

Xét theo thị trường xuất khẩu, doanh thu từ hai quốc gia xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn là Mỹ và Trung Quốc đồng loạt đi xuống, lần lượt giảm 13% và 60%. Doanh thu xuất khẩu sang châu Âu cũng giảm 20%. Nhưng thị trường nội địa ghi nhận tăng trưởng 17%, đóng góp 26% vào tổng doanh thu.

Tính từ đầu năm, Vĩnh Hoàn đã đứt mạch tăng trưởng liên tục khi doanh thu xuất khẩu tháng 11 xuống gần thấp nhất năm (sau tháng 1). So với cùng kỳ năm 2021, đây cũng là tháng duy nhất trong năm ghi nhận kết quả giảm sút.

Kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn tương đồng với báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP). Theo đó, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt hơn 10 tỷ USD. Tuy vậy chính VASEP đánh giá, thành tựu trên là kết quả của sự tăng trưởng mạnh 3 quý đầu năm, với thuận lợi nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.

Còn trong thực tế, tháng 11/2022 là lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, mức thấp nhất kể từ Tết nguyên đán. Trong đó, tháng 11, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả trong quý IV. Xuất khẩu thuỷ sản sang tháng 11/2022 thấp hơn hẳn 14% so với tháng 11/2021.

Dự báo, tháng 12, xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I năm tới gần như đình trệ.

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi…cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.

Công ty Chứng khoán SSI đưa ra dự báo lợi nhuận quý 4 của Vĩnh Hoàn sẽ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Sang năm 2023, tình hình sẽ tiếp tục khó khăn và SSI dự báo lợi nhuận của Vĩnh Hoàn có thể chỉ đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 26% so với cùng kỳ.

Một thông tin tích cực với ngành xuất khẩu thủy sản đó là việc Trung Quốc có thể mở cửa trở lại vào năm 2023. Đây là chất xúc tác cần theo dõi trong ngành này vào năm 2023. Mặc dù sẽ mất nhiều thời gian hơn để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, SSI tin rằng điều này sẽ tác động tích cực đến doanh thu của ngành, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Mặc dù vậy, thị trường Trung Quốc là thị trường nhạy cảm về giá và giá bán trung bình đến thị trường này luôn thấp hơn khoảng 40% so với giá bán trung bình đến thị trường Mỹ. Doanh thu từ Trung Quốc sẽ khó bù đắp được sự sụt giảm tại thị trường Mỹ và Châu Âu. Mặt khác, mức độ chắc chắn của các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc vẫn còn là dấu hỏi.