Đổi mới sáng tạo là chìa khóa thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 17:52, 19/07/2023

TheLEADERCác giải pháp về kinh tế tuần hoàn cần chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra tác động lan tỏa lên toàn bộ chuỗi cung ứng, thay vì chỉ tập trung vào khâu thải bỏ, tái chế.

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng đã dần quen với những chai nhựa đựng nước khoáng không có màng bọc ở phần nắp chai, một sáng kiến của các nhãn hàng nước giải khát nhằm mục đích hạn chế lượng nhựa không cần thiết, lại rất dễ bị thất thoát ra môi trường và khó xử lý.

Cùng với đó, một số nhãn hàng cũng bắt đầu sử dụng một phần nguyên vật liệu tái chế trong các sản phẩm, bao bì. Đáng chú ý, không chỉ nhập khẩu vật liệu thứ cấp, doanh nghiệp Việt đã có thể mua vật liệu từ một số nhà tái chế ngay tại Việt Nam, khi cộng đồng doanh nghiệp tái chế cũng đang rất nỗ lực đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), cho biết, các hoạt động hướng đến kinh tế tuần hoàn nói trên đã và đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu và phần nào lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ sản xuất, kinh doanh đơn thuần, doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi về tư duy, từ đó tạo ra những thay đổi từ sâu bên trong chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng đổi mới sáng tạo nhằm kiện toàn những giải pháp cho kinh tế tuần hoàn.

Chuyển đổi số là giải pháp

Theo PGS.TS Nguyễn Công Thành, Trưởng bộ môn Kinh tế quản lý tài nguyên và môi trường, Đại học Kinh tế quốc dân, kinh tế tuần hoàn tập trung vào việc bảo tồn và sử dụng tài nguyên thô một cách hiệu quả, hạn chế lãng phí, hạn chế xả thải ra môi trường. Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn yêu cầu sự thay đổi về tư duy cũng như cách thức vận hành của toàn bộ chuỗi giá trị chứ không chỉ tập trung ở khâu thải bỏ.

Như vậy, tái chế không phải là lời giải hoàn hảo cho bài toán triển khai và ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Theo ông Thành, thay vì chỉ tập trung vào tái chế, cần phải đặc biệt chú trọng tới các giải pháp tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm thiết kế, ứng dụng số hóa, đổi mới sáng tạo về công nghệ để đảm bảo kéo dài vòng đời sản phẩm và quay vòng vật chất hiệu quả.

Cùng với đó, cũng cần phải có cả những “quy tắc xã hội” nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, tạo ra nhu cầu mới cho những sản phẩm, dịch vụ tuần hoàn. “Đó là những yếu tố cốt yếu để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững”, ông Thành nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với TheLEADER, ông Phạm Hoàng Hải, chuyên gia của VBCSD, cũng cho biết, tái chế không phải là giải pháp hoàn hảo cho kinh tế tuần hoàn và “kinh tế tuyến tính cũng có khâu tái chế”.

Tại tọa đàm “Doanh nghiệp và mục tiêu netzero: Các giải pháp kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon”, ông Hải nhìn nhận, khoa học kỹ thuật, bao gồm công nghệ số, công nghệ chế tạo và những giải pháp tổng hợp đang phát triển mạnh mẽ chính là động lực quan trọng thúc đẩy sự chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhận xét những thành tựu công nghệ đang tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, tuy nhiên, theo ông Hải, doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức, bao gồm quy định và khuôn khổ pháp lý liên quan còn đang vướng mắc, nguồn vốn và cơ chế hỗ trợ tài chính chưa đầy đủ và đặc biệt là chưa có cơ chế để thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ mới.

Do đó, ông Hải đề nghị cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý hỗ trợ, ban hành phương pháp tiếp cận mới về chính sách thuế, đầu tư công, đồng thời có thêm ưu đãi cho sản phẩm, dịch vụ kinh tế tuần hoàn, khuyến khích doanh nghiệp triển khai thực hiện các giải pháp mới về công nghệ.