Đồng bằng sông Cửu Long: Bức tranh đầy lo ngại về sự sụp đổ ven biển

Kiều Mai - 15:29, 06/01/2020

TheLEADERBiến đổi khí hậu cùng các hoạt động nhân tạo như khai thác cát, xây đập thủy điện đang đe dọa tới sự tồn tại của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Vào một ngày cuối tháng 8, những người dân tại Bình Mỹ, tỉnh An Giang bỗng nghe thấy tiếng nứt lớn và khi chạy ra, khung cảnh đoạn đường cao tốc dài sụp xuống sông hiện ra trước mắt.

Một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất châu Á đang chìm dần xuống biển, một phần do nước biển dâng cao vì biến đổi khí hậu, tác giả John Reed viết trên Financial Times.

Cùng với đó, các nhà nghiên cứu theo dõi sông Mê Kông cho rằng cuộc khủng hoảng được dự đoán cho khu vực này từ nhiều năm trước đang dần trở thành tình trạng khẩn cấp trong những tháng gần đây, xuất phát từ hai hoạt động của con người: khai thác cát từ dưới lòng sông và việc xây dựng các đập thủy điện tại Lào, Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy cũng như hàm lượng trầm tích.

Thuyền khai thác cát hiện hữu khắp nơi trên khu vực sông Mê Kông do nhu cầu cát lớn từ việc xây dựng TP.HCM và việc cải tạo của Singapore.

Điều đang đứng trước nguy cơ lớn không chỉ là một hệ sinh thái mà còn là một khu vực đông dân cư vốn được xem là vựa lúa, là "nồi cơm" của Việt Nam. Khu vực đồng bằng của TP.HCM là nơi đánh bắt cá lớn nhất trong đất liền của Việt Nam, là nguồn cung ứng hàng đầu về thủy hải sản và cây trái.

Con đập đầu tiên trong số 11 con đập dự kiến xây dựng trên dòng chính của hạ lưu sông Mê Kông đã bắt đầu đi vào hoạt động, một sự phát triển mà các nhà khoa học đánh giá sẽ thay đổi dòng sông này mãi mãi.

Đồng bằng sông Cửu Long: Bức tranh đầy lo ngại về sự sụp đổ ven biển
Sông Mê Kông đang bị thay đổi dòng chảy do hoạt động xây dựng đập thủy điện.

Khu vực sông Mê Kông đang dần trở thành một bức tranh, bức chân dung hiện hữu cho nỗi sợ mất mát cộng đồng ven biển của thế giới. Dòng nước trở nên “đói bụng” với hiện tượng đi nhanh hơn và gây xói mòn nhiều hơn.

Dòng sông Mê Kông sau khi chạy từ cao nguyên Tây Tạng qua sáu quốc gia đã chia tách thành nhiều kênh và cuối cùng đổ ra biển Đông. Xét về mặt địa chất, dòng sông này còn khá non trẻ, được tạo ra khoảng 6.000 năm trước từ trầm tích theo nước cuốn ra biển. Những hạt nhỏ bé này tích tụ dần lại tạo thành đất liền.

Từ đó, rừng ngập mặt hình thành cùng với các loài động vật hoang dã khác tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện khoảng 1/5 dân số của Việt Nam sống tại khu vực này.

Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, là khu vực chính của lúa gạo, trái cây cũng như thủy sản xuất khẩu. Sự trù phú, phì nhiêu của vùng đất này không tự nhiên mà có, được bồi đắp hàng nghìn năm từ dòng chảy giàu phù sa của con sông Mê Kông.

Theo ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, việc sử dụng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã vượt qua khả năng tự quản lý của khu vực này. "Điều chúng ra đang nhìn thấy là sự sụt giảm lợi nhuận kinh tế và khu vực này đang bị tụt hậu so với tăng trưởng kinh tế".

Chỉ hai thập kỷ trước, vùng đồng bằng này vẫn giành đất từ biển nhưng tới nay, nhiều nhà nghiên cứu cho biết khu vực đã mất tới 12 mét đường bờ biển tại một số nơi. Mực nước dâng cao hơn, đất chìm xuống khiến xâm nhập mặn nhiều hơn, đảo lộn sự cân bằng của nước ngọt, nước mặn, nước lợ.

Cùng với đó, những đập thủy điện đã và đang được dựng lên, trở thành những bức tường thành vững chắc kéo dài từ thượng nguồn, qua trung nguồn và về hạ nguồn. Những con đập thủy điện ấy ngăn cản dòng chảy của nước, của phù sa và đặc biệt, cắt dòng di cư của cá tại dòng sông sản sinh ra lượng cá lớn nhất trong đất liền.

Ủy hội sông Mê Kông (MRC) hồi giữa tháng 7 thông báo mực nước trên sông vào thời gian đầu mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay) ở mức thấp nhất trong lịch sử.

MRC nhận định cho rằng ba lý do dẫn tới tình trạng này bao gồm lượng mưa giảm, đập Cảnh Hồng tại Trung Quốc giảm mức xả để "bảo trì lưới điện" và tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á trong tháng 7.

Một nghiên cứu công bố bởi Climate Central tháng 10 năm ngoái cho rằng thay vì một phần của Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM như các dự đoán trước đây, gần như toàn bộ diện tích miền Nam sẽ ở dưới mực nước biển trước năm 2050.

Dù vậy, một số nghiên cứu cho rằng mực nước biển đang tăng chậm lại và mối đe dọa cận kề hơn xuất hiện mang tên xói mòi.

Financial Times dẫn lời nhân vật địa phương cho rằng sự sụp đổ tại Bình Mỹ, tỉnh An Giang là do hoạt động khai thác cát cách đó không xa. Hoạt động này đang làm cho lòng sông ngày càng một sâu hơn.

Một người dân tại xã An Bình cho biết hai ngôi nhà của ông đã đổ xuống sông vào tháng 10 năm ngoái và khoảng 10 hộ gia đình khác đã chuyển sâu vào trong đất liền. Giống như nhiều người dân khác, ông cho rằng sự xói mòn đến từ việc khai thác cát.

Hầu hết cát sử dụng cho xây dựng trên thế giới đều đến từ các con sông. Đây là một loại mặt hàng miễn phí và hoạt động khai thác phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà tại cả Lào, Campuchia trong hơn hai thập kỷ qua.

Hoạt động khai thác vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp nỗ lực kiểm soát và thực thi của cơ quan liên quan.

Với tác động của biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao cùng hoạt động khai thác của con người khiến lòng sông sụt lún, sự tồn tại của đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.