Động lực tăng trưởng mới của Thế Giới Di động

Hứa Phương - 18:08, 13/04/2024

TheLEADERTập trung đầu tư cho kênh online và mở rộng thị trường Indonesia thông qua thương hiệu Erablue được xác định là động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động thời gian tới.

Động lực tăng trưởng mới của Thế Giới Di động
Đầu tư cho kênh online và thị trường Indonesia được xác định là động lực tăng trưởng mới của Thế Giới Di Động. Ảnh Hứa Phương

Trong bối cảnh buộc phải tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ thông qua việc đóng bớt các cửa hàng và giảm nhân sự nhằm kiểm soát chi phí thì Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (Thế Giới Di Động) vẫn tiếp tục đầu tư cho kênh online.

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên hôm nay, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết kênh online đang đóng góp khoảng 20% doanh thu của Thế Giới Di Động trong năm 2023, khoảng 22 nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, Thế Giới Di Động đang tập trung đầu tư lớn cho kênh online. Thế Giới Di Động đang có thị phần dao động từ 50% - 60% tuỳ từng ngành hàng, dư địa vẫn còn và kênh online là phương thức sẽ giúp công ty mở rộng thêm thị phần.

Thực tế, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động từng xác định lợi thế kênh online chính là chuỗi cửa hàng offline. Do các cửa hàng offline sẽ đáp ứng nhu cầu giao hàng, lắp đặt, bảo hành,… cho khách hàng tốt hơn so với kênh online của các sàn thương mại điện tử khác.

Giữa năm 2022, từng có thông tin Thế Giới Di Động “hồi sinh” lại trang vuivui.com và nhà bán lẻ này xem đây là một dự án thương mại điện tử quan trọng. Công ty không tiết lộ cụ thể lộ trình phát triển vuivui.com nhưng cho biết sẽ sớm đưa vào vận hành vì công ty đang đẩy mạnh chuyển thành nhà bán lẻ đa ngành và các đối thủ thương mại điện tử hiện đã tiến rất xa.

Thế Giới Di Động từng vận hành trang thương mại điện tử vuivui.com để bán đa dạng mặt hàng nhưng sau đó đóng cửa vào cuối năm 2018. Thời điểm ra mắt trang thương mại điện tử này, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động từng khẳng định vuivui sẽ vượt Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trong 5-7 năm nữa.

Song song với mảng online Thế Giới Di Động cũng tiếp tục chiến lược “xuất ngoại” bằng việc mở thêm cửa hàng ở thị trường Indonesia với thương hiệu Erablue. Theo ông Hiểu Em, mô hình Erablue giống với Điện Máy Xanh ở Việt Nam.

Kết thúc quý I/2024, Erablue đang có 55 cửa hàng được xây dựng theo hai mô hình là mini (300m2) và supermini (180m2). Kết quả bước đầu Erablue mang lại khá khả quan với 4,5 tỷ đồng/cửa hàng/tháng mô hình mini và 2,5 tỷ đồng/cửa hàng/tháng cho supermini. 

Mức doanh thu trên từng mô hình cửa hàng của Erablue so với cửa hàng tại Việt Nam là khá cao, giúp hòa vốn EBITDA cấp độ cửa hàng, CEO Hiểu Em cho biết.

Năm 2024, Erablue tiếp tục mở rộng thêm nhưng không quá 100 cửa hàng. Sau khi đã hòa vốn ở cấp độ công ty thì Erablue sẽ tiếp tục mở rộng cửa hàng với tốc độ nhanh hơn. Theo kế hoạch hợp tác với Erajaya, tới 2027 Erablue sẽ đạt 500 cửa hàng và đang trong lộ trình để đạt kết quả này. Mục tiêu chuỗi Erablue trở thành nhà bán lẻ điện máy số một tại Indonesia.

Chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh vừa bán thành công 5% cho quỹ ngoại, dự kiến sẽ tăng trưởng hai chữ số, gia tăng thị phần, dự kiến mang lại lợi nhuận cho Thế Giới Di Động trong năm nay. Chuỗi nhà thuốc An Khang, chuỗi bán lẻ sản phẩm mẹ và bé Avakids được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần.

Trong quý gần nhất, Thế Giới Di Động đạt doanh thu 31.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2024, mục tiêu công ty là đạt 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế; tăng 6% về doanh thu và gấp 14,2 lần lợi nhuận năm 2023.