Đồng nát, ve chai với kinh tế tuần hoàn và chính sách EPR

Sơn Phạm - 11:12, 03/07/2020

TheLEADERCác làng nghề tái chế rác thải có sự mâu thuẫn với quá trình áp dụng chính sách Mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR). Tuy nhiên, điều chỉnh hoạt động của những làng nghề tái chế này theo hướng bền vững và hiệu quả có thể sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình xử lý rác thải.

Mô hình kinh tế tuần hoàn từ lâu đã manh nha định hình ở Việt Nam, thông qua những người thu gom phế liệu mà chúng ta hay gọi là đồng nát. Những người này thu gom bao bì, phế thải nhựa, giấy, kim loại từ các hộ gia đình, bãi rác, bãi phế liệu rồi tập kết về các làng nghề tái chế.

Những làng nghề tái chế này trực tiếp xử lý quá trình tái chế, từ làm sạch, tạo hạt cho tới đầu ra là những sản phẩm nhựa, thường là đồ nhựa dùng một lần.

Xung đột lợi ích giữa làng nghề tái chế và Mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR)

Trong bài phát biểu Hiểu nhầm và hiểu đúng về EPR ở Việt Nam thuộc khuôn khổ Hội thảo Khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Định hình ngành bao bì Việt Nam hướng tới kinh tế tuần hoàn, bà Nguyễn Hoàng Phượng, Tư vấn chính sách và luật pháp của Bộ Tài nguyên và môi trường đã chỉ ra một vấn đề phát sinh trong việc áp dụng chính sách EPR liên quan tới các làng nghề tái chế.

Nghề đồng nát với kinh tế tuần hoàn và chính sách EPR
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Tư vấn chính sách và luật pháp tham luận tại Hội thảo "Khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Định hình ngành bao bì Việt Nam hướng tới kinh tế tuần hoàn" do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng PRO Việt Nam và IUCN tổ chức.

Theo đó, mô hình tái chế truyền thống với sự tham gia của 3 thành phần: người thu gom, bãi phế liệu và làng nghề tái chế, có sự gắn kết mật thiết với nhau trên các mối quan hệ lợi ích, lòng tin hay quan hệ dòng họ, làng xóm.

Áp dụng chính sách EPR sẽ tạo ra một “bên thứ tư” can thiệp vào “quy trình khép kín” này và gây tổn hại tới lợi ích của 3 thành phần nói trên. Xung đột về mặt lợi ích có thể khiến người dân chống đối, phản đối hay cản trở, phá hoại quá trình thực thi chính sách.

Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cũng chia sẻ rằng một trong những khó khăn của hoạt động thu gom, tái chế mà PRO Việt Nam triển khai là những nguyên liệu rác thải có giá trị trên thị trường hầu hết đều được thu gom bởi những thành phần “phi chính thức”.

Như vậy, những chất thải rắn chưa được thu gom đa số không thể hoặc rất khó tái chế và không đem lại giá trị kinh tế.

Các làng nghề có thể cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động tái chế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra hiện tượng “phân luồng rác thải”, tức là những rác thải “sạch”, chất lượng tái chế cao được doanh nghiệp tiếp nhận, còn rác thải “bẩn”, kém chất lượng lại tiếp tục trôi nổi, đe dọa đến môi trường.

Thực tế, hoạt động của các làng nghề tái chế từ trước đến nay đã có sự mâu thuẫn với mục tiêu của EPR. Cụ thể, EPR hướng tới mục đích giảm thiểu rác thải để bảo vệ môi trường, còn các làng nghề tái chế xử lý rác thải nhưng lại gây hại thậm chí nhiều hơn tới môi trường.

Tái chế gây ô nhiễm

Các chuyên gia ở Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết, nhiều hộ gia đình thuộc làng nghề tài chế hiện nay hoạt động mạnh mẽ nhờ phần lãi thực chất do không phải chịu áp đặt những quy chuẩn liên quan đến đảm bảo an toàn cho môi trường.

Nói cách khác, những người này giống như những “kẻ ăn không” (free riders), không hề đóng góp mà còn bòn rút phần lợi ích bằng quá trình hủy hoại tự nhiên.

Nghề đồng nát với kinh tế tuần hoàn và chính sách EPR 1
Ô nhiễm nặng nề tại một làng nghề tái chế thuộc quận Nam Từ Liêm – Hà Nội. Ảnh: Khoa học và Đời sống.

Điều này gây ra bởi công nghệ thủ công, kém hiện đại mà các làng nghề đang áp dụng. Các công đoạn như làm sạch, xay tạo hạt… đều trực tiếp xả thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm vi nhựa trầm trọng. Thậm chí, nhiều rác thải khó tái chế còn được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp bừa bãi.

Sản phẩm tái chế từ các làng nghề do vậy cũng không hề đạt chất lượng cao. Đáng chú ý, những sản phẩm này chủ yếu là túi nilon hay nhựa dùng một lần, được người dân sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Đáng lo ngại hơn nữa, những loại rác thải hóa chất, rác thải y tế nếu cũng được xử lý theo cách này sẽ tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Bà Phượng cho biết, gần đây tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề đã phần nào được cải thiện nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như người dân ngày càng nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, hoạt động tái chế ở làng nghề vẫn chưa thể nào coi là đạt chuẩn.

Hướng đi cho các làng nghề tái chế

Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên môi trường cho rằng, nếu biết cách điều hướng hoạt động của các làng nghề tái chế theo hướng bền vững hơn và tham gia vào quá trình thực thi EPR, hiệu quả của mô hình này sẽ tăng lên rất nhiều.

Theo đó, nhà nước cần đưa ra những biện pháp nhằm khuyến khích, tài trợ người dân ở các làng nghề ứng dụng công nghệ xử lý nước thải, công nghệ tái chế đạt chuẩn chất lượng, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Các doanh nghiệp sản xuất cần hợp tác chặt chẽ với làng nghề tái chế trong việc cung ứng đầu vào tái chế. Để đầu vào đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp có thể giúp đỡ người dân về công nghệ, tài chính trong giai đoạn ban đầu.

Các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đều cần được cấp giấy chứng nhận và chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm minh những vi phạm để tạo tính răn đe.

Tiến sĩ Fanny Quertamp, Cố vấn quốc gia tại Việt Nam thuộc Dự án Suy nghĩ lại về Nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải đại đương nhận định, tối ưu hóa hiệu quả công cụ chính sách EPR đòi hỏi sự phân chia rạch ròi nhiệm vụ của các bên liên quan.

Nghề đồng nát với kinh tế tuần hoàn và chính sách EPR 2
Tiến sĩ Fanny Quertamp tại Hội thảo.

Như vậy, với lợi thế vốn có, các chuyên gia cho rằng làng nghề tái chế chỉ phát huy vai trò của mình trong khâu thu gom và có thể là xử lý ban đầu. Các hoạt động xử lý sâu và tái sản xuất cần được thực hiện bởi doanh nghiệp có công nghệ, nguồn lực cũng như kinh nghiệm hoạt động.

Các chuyên gia từ ISPONRE nhấn mạnh vai trò của các làng nghề truyền thống có thể giúp tinh giảm đi nhiều chi phí thực thi EPR. Nếu ứng dụng EPR tạo ra lợi nhuận, mô hình này sẽ tự vận hành theo cơ chế thị trường, giảm gánh nặng ngân sách cũng như nhân lực quản lý và giám sát thực hiện.